Ký ức tháng Tư của những cựu chiến binh Sư đoàn 341
Tháng tư về, khắp dải non sông rộn ràng sắc cờ hoa, những người cựu chiến binh Sư đoàn 341 đều ở độ tuổi “xưa nay hiếm” cùng hội ngộ để nhớ về một thời hoa lửa. Trong họ, tháng tư về, lòng ai nấy đều bâng khuâng…
Cách đây hơn 50 năm, theo yêu cầu cấp thiết của chiến trường, thực hiện quyết định của Bộ Quốc phòng, ngày 23/11/1972, tại huyện Nam Đàn, tỉnh Nghệ An, Sư đoàn Bộ binh 341 được thành lập.
Sư đoàn vinh dự được mang phiên hiệu Đoàn Sông Lam - Tên một dòng sông trên quê hương của Chủ tịch Hồ Chí Minh kính yêu. Sư đoàn 341 là Sư đoàn bộ binh chủ lực, luôn có mặt ở những chiến trường khó khăn, ác liệt nhất, tham gia đánh những trận đánh lớn, mang tính quyết định, góp phần làm thay đổi cục diện trên chiến trường. Đặc biệt là trận đánh vào sào huyệt cuối cùng của địch ngày 30/4/1975 tại Sài Gòn, góp phần giải phóng hoàn toàn miền nam, thống nhất đất nước.
Ký ức về những ngày chiến đấu trong đại thắng mùa Xuân năm 1975 giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước sau 48 năm vẫn còn vẹn nguyên trong tâm trí Thiếu úy Ngô Xuân Minh và Đại úy Trần Dân – cựu binh của Sư đoàn 341, những người trực tiếp tham gia chiến dịch lịch sử ấy.
Cựu binh Ngô Xuân Minh (SN 1953) - nguyên Đại đội trưởng Đại đội 10, Tiểu đoàn 3, Trung đoàn 273, Sư đoàn 341 cho biết quê ông ở xã Sơn Thịnh (nay là An Hòa Thịnh, huyện Hương Sơn, Hà Tĩnh). Tháng 12/1974, ông tham gia nhập ngũ. Sau một tháng được huấn luyện ở Quân đoàn 22, ông được bổ sung vào Trung đoàn 273 thuộc Sư đoàn 341.
Đơn vị của ông sau khi tham chiến ở Vĩnh Linh (Quảng Trị) thì đầu tháng 01/1975 được lệnh tiến thẳng vào chiến trường miền Đông Nam Bộ. Với khẩu hiệu “đi sâu, đi lâu, đi đến ngày toàn thắng”, tất cả cán bộ, chiến sỹ của toàn sư đoàn chúng tôi đều mang quyết tâm cao độ cho những cuộc chiến đấu sẽ diễn ra.
Sau hơn một tháng hành quân, khi Sư đoàn 341 vào đến Phước Lộc (Đồng Nai), vừa tập kết tại khu vực Định Quán trên đường 20 thì gặp địch. Đối phương lùi vào một khu đồi cao chống trả, hòng ngăn chặn đường tiến quân của ta vào Sài Gòn. Nhanh chóng triển khai tấn công với sức mạnh áp đảo, chỉ trong thời gian ngắn, sư đoàn 341 đã đánh bại quân địch, buộc chúng tháo chạy.
Nhiều trận đánh tiếp theo của Sư đoàn 341 liên tục giành thắng lợi, góp phần giải phóng Dầu Tiếng, Bến Cát, Bàu Bàng (Bình Dương)…
Ngày 9/4/1975, Sư đoàn 341 được lệnh mở màn tấn công vào cửa ngõ thị xã Xuân Lộc - Đồng Nai. Đây được xem là yết hầu, cửa ngõ quan trọng phía Bắc của Sài Gòn.
Sau 12 ngày đêm kiên trì chiến đấu (9 - 21/4/1975), Sư 341 cùng Quân đoàn 4 phối hợp với một số đơn vị khác đã giải phóng thị xã Xuân Lộc.
Nhận thấy thời cơ đã đến, Bộ Chính trị quyết định mở chiến dịch Hồ Chí Minh đánh vào Sài Gòn - Gia Định. Sáng 26/4/1975, bộ phận tiền phương của Bộ Chỉ huy Chiến dịch Hồ Chí Minh chuyển xuống Căm Xe, phía Bắc huyện Dầu Tiếng. 17h ngày 26/4/1975, Chiến dịch Hồ Chí Minh bắt đầu. Quân ta chia thành 5 hướng bao vây Sài Gòn, Quân đoàn 4 cùng Sư 341 được lệnh tấn công vào Sài Gòn theo hướng Đông.
Lúc này, Sư đoàn 341 là một trong những đơn vị được lệnh nổ phát súng đầu tiên vào Chi khu Trảng Bom (Biên Hòa) mở đầu Chiến dịch. Sau nhiều trận giao chiến đấu dữ dội diễn ra tại mắt xích trọng yếu trên tuyến phòng ngự của đối phương, quân ta đã giành chiến thắng, giải phóng hoàn toàn Chi khu Trảng Bom.
Trên đà thắng lợi, Quân đoàn 4 nói chung và Sư đoàn 341 nói riêng tiến đánh giải phóng Hố Nai, sân bay Biên Hòa. Sáng 30/4, Sư đoàn 341 tiến thẳng vào giải phóng Sài Gòn - Gia Định.
Khoảng hơn 12h30’ ngày 30/4, đoàn xe tăng của Trung đoàn 273, Sư đoàn 341 tiếp cận dinh Độc Lập, chỉ sau các đơn vị của Quân đoàn 2 đến trước đó hơn một giờ.
Cựu chiến binh Sư đoàn 341 – Đại úy Trần Dân (SN 1955, quê Hương Sơn) kể lại: Sau một hành trình chiến đấu liên tục 21 ngày đêm không nghỉ, kể từ trận mở màn đánh vào thị xã Xuân Lộc (ngày 9/4), khi vào đến dinh Độc Lập và chứng kiến lá cờ giải phóng tung bay trên nóc dinh, ông vẫn chưa thể tin đó là sự thật. Tiếng hò reo vui mừng của đồng đội và sự cổ vũ của người dân Sài Gòn khiến ông bừng tỉnh và vỡ òa trong niềm vui chiến thắng.
Trong cả hành trình tiến vào Sài Gòn và dinh Độc Lập, điều ông bất ngờ và suy nghĩ mãi cho đến tận sau này là hình ảnh quân ta đi đến đâu, cờ giải phóng lập tức treo lên ở đó. Hàng ngàn lá cờ giải phóng dường như đã được bà con nhân dân thành phố chuẩn bị từ trước đó rất lâu, tung bay trên phố phường trong niềm vui sướng của đồng bào. Khí thế đó tạo nên sức mạnh, cổ vũ rất lớn đối với những người lính giải phóng.
Sau khi Sài Gòn được giải phóng, hai cựu binh Ngô Xuân Minh, Trần Dân đều theo đơn vị ở lại làm nhiệm vụ quân quản và xây dựng kinh tế.
Giữa năm 1977, Sư đoàn 341 được lệnh lên đường đến biên giới Tây Nam chiến đấu và sau đó sang Campuchia làm nhiệm vụ bảo vệ hòa bình. Năm 1980, Sư đoàn 341 được điều động ra miền Bắc, ông Ngô Xuân Minh cùng ông Trần Dân chuyển ngành.
Đến bây giờ, mỗi dịp tháng tư về, nhớ lại những ngày tháng oanh liệt đó, khoảnh khắc khi tin thắng trận được loan báo qua loa đài khắp cả nước, khi người dân Sài Gòn ùa ra hò reo mừng chiến thắng, những người cựu binh vẫn còn bồi hồi, xen lẫn là nỗi niềm bâng khuâng, tiếc nhớ những đồng đội đã nằm xuống cho ngày vui toàn thắng của đất nước.