Ổ giun rồng được gắp ra từ khối sưng nề trên cơ thể
Một nữ bệnh nhân hơn 40 tuổi ở Thanh Hóa đã lôi ra tới 6 con giun rồng sau khi người này có tình trạng sưng nề từng khối ở vùng ngực, cánh tay, đùi trái...
Ngày 29/4, TS.BS Đỗ Trung Dũng - Trưởng khoa Ký sinh trùng, Viện Sốt rét - Ký sinh trùng - Côn trùng Trung ương chia sẻ về ca bệnh giun rồng "đục lỗ" chui ra khỏi cơ thể người bệnh.
Cụ thể, nữ bệnh nhân (40 tuổi, quê ở Thanh Hóa phát hiện trên ngực, cánh tay, chân xuất hiện các ổ áp-xe nhỏ, mềm mềm như mụn. Từ ổ mụn xuất hiện các sợi trắng dài.
Các bác sĩ rạch ổ áp-xe và kéo ra được một con giun rồng dài gần 1m, màu trắng. Đặc biệt, từ các ổ áp-xe khác trên người, bác sĩ kéo ra được 6 con giun rồng.
Theo TS Dũng, đây là một trường hợp cá biệt vì bệnh nhân có đến 6 con giun rồng, trong khi thông thường bệnh nhân khác chỉ phát hiện 1 con.
Tình trạng nhiễm giun rồng là vấn đề mà Tổ chức Y tế thế giới (WHO) rất quan tâm. Đây là căn bệnh do loài giun tròn (có tên khoa học là Dracunculus medinensis) ký sinh ở trong người.
"Trên thế giới đang tiến tới thanh toán bệnh nhiễm giun rồng. Mỗi năm trên thế giới chỉ ghi nhận 20-30 ca, gặp chủ yếu ở 6 nước châu Phi, ở những vùng có điều kiện vệ sinh kém, nghèo nàn, người dân có thói quen uống nước ở sông suối.
Trong khi đó tại Việt Nam từ năm 2019 đến nay đã phát hiện 15 bệnh nhân nhiễm giun rồng. Khi chúng tôi nghiên cứu kỹ thì loại giun rồng ở Việt Nam chỉ tương tự như loài giun rồng mà các bệnh nhân ở châu Phi nhiễm phải chứ không giống hoàn toàn. Tổ chức Y tế thế giới cũng xác định đây là loài mới, chưa có trong ngân hàng ký sinh trùng", TS Dũng nói.
Theo TS Dũng, có nguy cơ nhiễm giun rồng khi ăn phải ấu trùng giun rồng trú ở những loài giáp xác, ăn sống các loài cá, ếch nhái sống ở dưới nước. Khi ăn phải thực phẩm có chứa ấu trùng chưa được nấu chín, ấu trùng giun rồng xâm nhập cơ thể.
Khi mới nhiễm ấu trùng giun rồng người bệnh thường không có triệu chứng gì. Khoảng 1 năm sau khi mắc bệnh, khi giun bắt đầu di chuyển và phát triển trong các mô dưới da, người bệnh có thể có các dấu hiệu: Sốt nhẹ, chóng mặt, nôn, buồn nôn, tiêu chảy, mẩn đỏ, tê cứng và ngứa tại chỗ giun khu trú.
"Giun rồng thường có xu hướng tự "đục lỗ" chui ra khỏi cơ thể. Vì thế một ngày đẹp trời, bỗng dưng người bệnh phát hiện từ vết phồng đỏ trên da, ổ loét trên da có thể có đầu giun ngo ngoe", TS Dũng nói.
Nguy hiểm ở chỗ, giun có thể chui vào các vị trí khác như các ổ khớp, cột sống rồi bị chết, vôi hóa gây ra tình trạng cứng khớp, liệt vì giun chui vào cột sống.
Để phòng bệnh giun rồng, người dân cần thực hiện tốt công tác vệ sinh an toàn thực phẩm: Ăn chín, uống sôi; sử dụng các dụng cụ trong chế biến thực phẩm chín và sống riêng biệt (thớt, dao, máy xay, bát, đĩa…) đặc biệt vệ sinh tay sau chế biến thực phẩm sống.
Nấu chín kỹ khi sử dụng các thực phẩm thủy sinh (ếch, cá, tôm…), chôn hoặc đốt, hoặc rắc vôi bột phần ruột, đầu…sau khi chế biến hạn chế phát tán nguồn lây.
Không cho chó, mèo ăn sống các thực phẩm thủy sinh (ếch, cá, tôm…).
Những người bệnh đang trong giai đoạn tiến triển của bệnh Guinea không tắm, rửa tại ao hồ, hoặc các nguồn nước sinh hoạt khác để tránh phát tán ấu trùng ra môi trường; làm sạch vết thương, băng bó thường xuyên vùng da bị bệnh cho đến khi lấy hết hoàn toàn giun ra khỏi cơ thể.