Cải cách tư pháp

TAND tỉnh Sóc Trăng tổ chức phiên tòa xét xử trực tuyến và rút kinh nghiệm vụ kiện hành chính

Thành Nhớ-Phúc Khang 28/04/2023 06:45

Ngày 27/4, TAND tỉnh Sóc Trăng mở phiên tòa xét xử trực tuyến sơ thẩm và rút kinh nghiệm theo tinh thần cải cách tư pháp vụ khiếu kiện hành vi hành chính không cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (GCNQSDĐ).

Điểm cầu trung tâm tại trụ sở TAND tỉnh Sóc Trăng gồm người khởi kiện là bà Phùng Thanh Thuận (43 tuổi, ngụ ấp 2, TT. Long Phú, huyện Long Phú, tỉnh Sóc Trăng), điểm cầu thành phần tại trụ sở UBND huyện Long Phú gồm người bị kiện là UBND huyện Long Phú (người đại diện ủy quyền: ông Huỳnh Quốc Lâm, Phó Chủ tịch UBND huyện Long Phú). 

Đây là vụ án được chọn xét xử rút kinh nghiệm theo tinh thần chỉ đạo của Ban Chỉ đạo cải cách tư pháp tỉnh Sóc Trăng.

Theo nội dung khởi kiện, bà Phùng Thanh Thuận yêu cầu Tòa án tuyên buộc UBND huyện Long Phú cấp GCNQSDĐ cho bà theo quy định của pháp luật đối với phần đất thuộc số 26, tờ bản đồ số 40, diện tích 2.400m2 tọa lạc ấp 2, thị trấn Long Phú, huyện Long Phú, tỉnh Sóc Trăng.

img_0892(1).jpg
Phiên tòa trực tuyến tại điểm cầu trung tâm TAND tỉnh Sóc Trăng.

Qua xem xét các chứng cứ và thẩm tra tại phiên tòa, HĐXX nhận định việc UBND huyện Long Phú không cấp GCNQSDĐ cho bà Phùng Thanh Thuận là đúng theo quy định của pháp luật, vì nguồn gốc đất mà bà Thuận yêu cầu xin được cấp GCNQSDĐ không đúng như nguồn gốc đất bà đã nêu. Hiện nay, phần đất trên do Nhà nước quản lý và được Chủ tịch UBND tỉnh Sóc Trăng phê duyệt phương án sắp xếp lại nhà, đất công tại Quyết định số 394/QĐ-UBND ngày 18/2/2019.

Kết thúc phiên tòa, HĐXX tuyên bác toàn bộ yêu cầu khởi kiện của bà Phùng Thanh Thuận.

img_0900.jpg
HĐXX tuyên bác đơn khởi kiện của bà Phùng Thanh Thuận.

Sau khi kết thúc phiên tòa, tại TAND tỉnh Sóc Trăng đã diễn ra phiên họp rút kinh nghiệm đối với phiên tòa xét xử trên. Tham dự có các thành viên Ban Chỉ đạo cải cách tư pháp tỉnh, lãnh đạo các huyện, thị xã, thành phố và các Thẩm phán, Kiểm sát viên, cán bộ viên chức VKS và TAND tỉnh.

Phần lớn các đại biểu đánh giá cao về việc chọn vụ án đưa ra xét xử trực tuyến, vì trường hợp này rất hay gặp trong các vụ án hành chính. Việc tổ chức phiên tòa trực tuyến từ hình thức đến nội dung đảm bảo đúng các tiêu chí của phiên tòa trực tuyến cũng như phiên tòa rút kinh nghiệm cải cách tư pháp.

Chủ tọa và HĐXX đã tạo điều kiện tối đa để các đương sự trình bày, tranh luận làm rõ vấn đề. HĐXX đánh giá toàn diện, đầy đủ quá trình của vụ án và đưa ra phán quyết hợp lý.

Bên cạnh đó, Hội thẩm nhân dân, Kiểm sát viên có sự chuẩn bị chu đáo, xét hỏi có trọng tâm, trọng điểm và làm rõ tình tiết vụ việc. Nhìn chung, phiên tòa đã thể hiện được sự nghiêm minh, công khai, dân chủ, minh bạch theo tinh thần cải cách tư pháp và tạo được sự thuận lợi cho đương sự khi tham gia phiên tòa trực tuyến.

Tuy nhiên, các đại biểu nhận xét vẫn còn một số vấn đề cần rút kinh nghiệm trong phiên tòa xét xử, như: cần bố trí thiết bị phục vụ phiên tòa trực tuyến phù hợp và đạt chất lượng cao hơn; việc đặt câu hỏi chưa xoáy sâu để làm rõ hơn nữa quy định của pháp luật về việc cấp GCNQSDĐ; cần chọn vụ án có nội dung phức tạp hơn nữa…

Đại diện Ban Chỉ đạo cải cách tư pháp tỉnh đánh giá cao khâu chuẩn bị và diễn biến phiên tòa trực tuyến, nhất là sự phối hợp chặt chẽ giữa VKS và Tòa án trong lựa chọn án đưa ra rút kinh nghiệm; ghi nhận các ý kiến đóng góp của các đại biểu.

Đồng thời, qua vụ án trên, đại diện Ban Chỉ đạo cải cách tư pháp tỉnh đề nghị các cơ quan chuyên môn trực thuộc UBND cấp huyện, đặc biệt là bộ phận tiếp công dân tại địa phương, cần rút kinh nghiệm, chấn chỉnh lại cách xử lý thông tin và xử lý vụ việc từ cơ sở để người dân tin tưởng và tránh trường hợp thưa kiện vượt cấp, vượt thẩm quyền.

Những cơ quan có liên quan cũng cần rút kinh nghiệm trong thực hiện nhiệm vụ, đảm bảo đúng quy định pháp luật.

Một số hình ảnh các đại biểu đóng góp ý kiến tại phiên tòa rút kinh nghiệm theo tinh thần cải cách tư pháp:

img_0930.jpg
img_0937.jpg
img_0934.jpg
img_0947.jpg
img_0945.jpg
img_0939.jpg

Thành Nhớ-Phúc Khang