Hơn 160 cây gỗ trắc chết khô không thể khai thác vì “vướng luật”
Tại Ban quản lý rừng đặc dụng Đăk Uy có 61 cây trắc chết đứng và bị ngã đổ, cùng 100 gốc trắc cũ có giá trị đắt đỏ trên thị trường nhưng không thể tận thu, khai thác bởi vướng quy định của Luật Lâm nghiệp.
Chiều 25/4, trao đổi với phóng viên Báo Công lý, ông Lê Ngọc Bảo, Giám đốc Ban quản lý rừng đặc dụng Đăk Uy, huyện Đăk Hà (Kon Tum) cho biết, do vướng quy định, Luật Lâm nghiệp, đặc biệt là các quy định về rừng đặc dụng nên 61 cây trắc chết đứng và bị ngã đổ, cùng 100 gốc trắc cũ không xử lý được, gỗ vẫn còn nằm yên trong rừng đặc dụng.
Theo ông Lê Ngọc Bảo, trước đây, lãnh đạo cũ của ban quản lý cũng đã có văn bản gửi Sở NN&PTNT xin ý kiến về vấn đề này. Sau đó, Sở có văn bản hỏi Tổng cục Lâm nghiệp và được trả lời hướng xử lý là không được tác động, làm thay đổi cảnh quan, môi trường rừng đặc dụng.
Vì là rừng đặc dụng nên nghiêm cấm mọi tác động đến rừng, nếu kéo ra thì sẽ ảnh hưởng đến rừng nên vẫn giữ nguyên hiện trạng. Liên quan đến rừng đặc dụng thì phải xin ý kiến của Bộ và Thủ tướng. Vì thế, đơn vị đã phải cắt cử cán bộ canh giữ từng cây trắc ngã đổ, cây trắc bị chết khô 24/24h tránh bị mất trộm, dẫn đến không đủ người, đủ sức để thực hiện nhiệm vụ.
“Ban quản lý đã nhiều lần có văn bản xin chủ trương cắt dọn, thu gom toàn bộ số cây trắc bị chết này đưa về kho quản lý, bảo quản, tránh tình trạng mất mát, thất thoát tài sản của nhà nước. Đồng thời, giảm bớt kinh phí cắt cử, phân công cán bộ trông coi, canh gác hàng năm nhưng vẫn chưa được thông qua”, ông Bảo nói.
Được biết, rừng đặc dụng Đăk Uy rộng hơn 500 ha ở huyện Đắk Hà với hơn 3.500 cây cây gỗ trắc thuộc loại gỗ quý hiếm nhất Việt Nam, nhiều cây có tuổi đời trên 100 tuổi. Đây cũng là khu rừng có nhiều loài thực vật có tên trong sách đỏ Việt Nam như trắc, giáng hương...
Để bảo vệ tốt khu rừng, Ban quản lý đã xây tường rào cao, dài 5 km bao quanh và dựng 26 lán trại bảo vệ.