Đào tạo chung nguồn Thẩm phán, Kiểm sát viên, Luật sư – Thành tựu và triển vọng
Vừa qua, Học viện Tư pháp tổ chức Hội thảo khoa học “Đào tạo chung nguồn Thẩm phán, Kiểm sát viên, Luật sư – Thành tựu và triển vọng”. Hội thảo được tổ chức theo hình thức kết hợp trực tiếp và trực tuyến.
Dự Hội thảo có các ông: Trần Văn Độ - nguyên Phó Chánh án TANDTC, nguyên Chánh án TAQS Trung ương; Đào Ngọc Chuyền - Phó Chủ tịch Liên đoàn Luật sư Việt Nam, Chủ nhiệm Đoàn Luật sư TP Hà Nội; Nguyễn Văn Thắng – Phó Vụ trưởng Vụ Tổ chức cán bộ, Viện KSNDTC; cùng đại diện TANDTC, TAND TP Hà Nội, VKSND TP Hà Nội, đại diện các tổ chức hành nghề luật sư.
Về phía Học viện Tư pháp có PGS.TS. Nguyễn Minh Hằng – Phó Giám đốc Học viện; cùng các giảng viên thỉnh giảng, giảng viên cơ hữu, các học viên, cựu học viên các lớp đào tạo chung nguồn Thẩm phán, Kiểm sát viên, Luật sư tại Hà Nội và TP Hồ Chí Minh.
Phát biểu khai mạc Hội thảo, PGS.TS. Nguyễn Minh Hằng – Phó Giám đốc Học viện Tư pháp thay mặt Đảng ủy, Ban Giám đốc cảm ơn các đại biểu từ nhiều cơ quan, ban ngành, các Tòa án, Viện kiểm sát, tổ chức hành nghề luật sư, các giảng viên cơ hữu, giảng viên thỉnh giảng và các học viên ở Hà Nội và TP Hồ Chí Minh đã viết tham luận, tham dự Hội thảo trực tiếp và qua hệ thống trực tuyến Microsofteams.
Phó Giám đốc Nguyễn Minh Hằng tin tưởng, Hội thảo sẽ là diễn đàn khoa học với nhiều ý kiến đóng góp giúp Học viện Tư pháp đánh giá khách quan về thành tựu, hạn chế qua 05 năm đào tạo chung nguồn Thẩm phán, Kiểm sát viên, Luật sư; xác định triển vọng, yêu cầu và những giải pháp nhằm nâng cao chất lượng, hiệu quả của chương trình đào tạo trong thời gian sắp tới.
Triển khai thí điểm đào tạo chung nguồn bổ nhiệm Thẩm phán, Kiểm sát viên, Luật sư được xác định là một trong những giải pháp đột phá nhằm nâng cao chất lượng đào tạo, tạo nguồn nhân lực tư pháp chất lượng cao theo Quyết định số 2083/QĐ-Ttg ngày 8/11/2013 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án “Xây dựng Học viện Tư pháp thành Trung tâm lớn đào tạo các chức danh tư pháp”.
Áp dụng mô hình đào tạo mới, lần đầu tiên được triển khai tại Việt Nam, Học viện Tư pháp đã bắt đầu từ những bước đi đầu tiên trong thời gian dài với không ít khó khăn, thử thách nhằm chuẩn bị và triển khai đào tạo từ nghiên cứu kinh nghiệm quốc tế, khảo sát nhu cầu thực tiễn; xây dựng, hoàn thiện chương trình đào tạo; tập huấn giảng viên; xây dựng hồ sơ tình huống, giáo trình, tài liệu đến thực hiện hoạt động tuyển sinh và khai giảng khóa đào tạo đầu tiên vào tháng 3 năm 2018.
Các đại biểu dự Hội thảo cùng ghi nhận, sau 05 năm tổ chức đào tạo với 6 khóa học tại Hà Nội và TP Hồ Chí Minh, đào tạo chung nguồn Thẩm phán, Kiểm sát viên, Luật sư đã từng bước khẳng định được chất lượng, hiệu quả và có những bước phát triển đáng kể. Một số thành tựu của hoạt động đào tạo chung nguồn Thẩm phán, Kiểm sát viên, Luật sư đã được ghi nhận như: Xây dựng, hoàn thiện chương trình đào tạo; hoàn thiện hệ thống giáo trình, tài liệu đào tạo; phát triển đội ngũ giảng viên; gia tăng quy mô đào tạo, khẳng định chất lượng, hiệu quả đào tạo.
Trong Kế hoạch triển khai thực hiện Quyết định số 1155/QĐ-Ttg của Thủ tướng Chính phủ ngày 30/9/2022 phê duyệt Đề án Tiếp tục xây dựng Học viện Tư pháp thành trung tâm lớn đào tạo các chức danh tư pháp, đào tạo chung nguồn Thẩm phán, Kiểm sát viên, Luật sư vẫn được xác định là một trong những nhiệm vụ quan trọng góp phần thực hiện mục tiêu xây dựng Học viện Tư pháp thành trung tâm lớn đào tạo các chức danh tư pháp.
Đào tạo chung nguồn Thẩm phán, Kiểm sát viên, Luật sư cũng là hoạt động đào tạo rất có ý nghĩa góp phần thực hiện nhiệm vụ “Xây dựng nền tư pháp chuyên nghiệp, hiện đại, công bằng, nghiêm minh, liêm chính, phụng sự Tổ quốc, phục vụ Nhân dân” theo Nghị quyết số 27-NQ/TW ngày 9/11/2022 Hội nghị lần thứ 6 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII về tiếp tục xây dựng, hoàn thiện Nhà nước pháp quyền XHCN Việt Nam trong giai đoạn mới.
Tại Hội thảo, các đại biểu đã trình bày các tham luận về hoạt động tuyển sinh và quản lý đào tạo chương trình đào tạo chung nguồn Thẩm phán, Kiểm sát viên, Luật sư; chia sẻ góc nhìn từ giảng viên, từ học viên về đào tạo chung nguồn Thẩm phán, Kiểm sát viên, Luật sư và trao đổi về triển vọng, giải pháp đổi mới hoạt động đào tạo chung nguồn Thẩm phán, Kiểm sát viên, Luật sư.
Những kết quả của Hội thảo là cơ sở để Học viện Tư pháp nghiên cứu, đổi mới hoạt động đào tạo chung nguồn Thẩm phán, Kiểm sát viên, Luật sư góp phần thực hiện thành công Quyết định số 1155/QĐ-Ttg của Thủ tướng Chính phủ ngày 30/9/2022 phê duyệt Đề án Tiếp tục xây dựng Học viện Tư pháp thành trung tâm lớn đào tạo các chức danh tư pháp và góp phần giúp hoạt động đào tạo các chức danh tư pháp đáp ứng tốt hơn yêu cầu của công cuộc cải cách tư pháp, xây dựng nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam theo Nghị quyết số 27-NQ/TW.