Các nước châu Âu muốn biến Biển Bắc thành “động cơ điện xanh”
Tại hội nghị thượng đỉnh ở Ostend, Bỉ diễn ra ngày 24/4, các nhà lãnh đạo từ các quốc gia châu Âu xung quanh Biển Bắc cam kết sẽ mở rộng sản xuất năng lượng tái tạo trong khu vực để tăng cường an ninh năng lượng.
Bảy quốc gia thuộc Liên minh châu Âu (EU) bao gồm Pháp, Đức và Hà Lan, cùng với hai quốc gia ngoài EU là Na Uy và Vương quốc Anh đã cam kết thúc đẩy việc xây dựng các trang trại gió, phát triển các "đảo năng lượng" hoặc các địa điểm phát điện tái tạo được kết nối trên biển và các dự án thu giữ, tái tạo hydro trong khu vực.
Mục đích của cam kết này là nhằm hạn chế sự phụ thuộc vào khí đốt của Nga và giảm sử dụng nhiên liệu hóa thạch thải CO2 hiện vẫn đang chiếm ưu thế.
Na Uy năm ngoái đã trở thành nhà cung cấp khí đốt lớn nhất của châu Âu, sau khi Nga cắt giảm nguồn khí đốt cung cấp cho châu Âu kể từ khi diễn ra xung đột Nga-Ukraine.
Chín quốc gia này cam kết sẽ đạt được tổng công suất điện gió ngoài khơi Biển Bắc là 120 gigawatt (GW) vào năm 2030 và 300GW vào năm 2050, nhiều hơn gấp bốn lần so với mức 25GW hiện tại.
Hà Lan và Anh cho biết họ có kế hoạch xây dựng một liên kết điện xuyên biên giới lớn nhất châu Âu được kết nối với một trang trại gió ngoài khơi.
EU và Na Uy hôm thứ Hai cũng cam kết phát triển cơ sở hạ tầng để thu và lưu trữ CO2 từ khí thải công nghiệp ở các mỏ khí đốt đã cạn kiệt ở Biển Bắc.
Tuy nhiên, các công ty châu Âu, bao gồm Orsted (công ty điện lực đa quốc gia của Đan Mạch) và Equinor (công ty dầu khí đa quốc gia của Na Uy) cho biết năng lực của họ không thể hỗ trợ mở rộng cơ sở hạ tầng và cần phải tăng cường các chính sách hỗ trợ và các nguồn đầu tư để đạt được các mục tiêu đó.
Các khoản đầu tư vào các trang trại gió ngoài khơi châu Âu đã chạm mức thấp nhất trong vòng 10 năm vào năm 2022 khi các nhà đầu tư phải đối mặt với lạm phát cao kỷ lục, lãi suất tăng cao và thị trường năng lượng biến động.