Hãy làm bạn cùng con
Mới đây, câu chuyện cậu học sinh lớp 6 bỏ lại tờ giấy với dòng chữ “Con xin lỗi bố mẹ con học kém, con chào bố mẹ con đi” gây xôn xao dư luận. Nam sinh sau đó được gia đình tìm thấy gần nhà, nhưng sự việc khiến chúng ta phải nhìn lại cách dạy con và làm bạn với con.
Theo bố mẹ nam sinh lớp 6 (ở phường Trung Hòa, quận Cầu Giấy, Hà Nội) cho biết, ngày 22/4, dù trời đã tối nhưng không thấy con về nhà như mọi ngày nên đã đi tìm và phát hiện ra tờ giấy con để lại với dòng chữ “Con xin lỗi bố mẹ con học kém, con chào bố mẹ con đi”.
Gia đình ngay lập tức báo cho cơ quan Công an để tìm kiếm. Đến 22 giờ đêm cùng ngày, người thân phát hiện cậu bé ở dưới chân tòa nhà chung cư gần đó.
Phụ huynh của cậu bé cho biết, gia đình không áp lực chuyện học hành nhưng gần đây khi biết con bị điểm kém, mẹ của cậu có mắng vài câu. Cậu cũng nhắn tin cho bạn nói rằng mình áp lực tâm lý, sau đó là tờ giấy nhắn cho bố mẹ và cậu bỏ đi.
Gia đình cậu bé đã may mắn tìm được con an toàn, nhưng đó là bài học khiến cho phụ huynh của nam sinh và cả chúng ta phải tự nhìn lại trong cách dạy dỗ, chia sẻ với con trong cuộc sống, cũng như chuyện học hành.
Thực tế, không ít đứa trẻ khi chỉ mới bước chân vào lớp 1 đã phải gánh vác trên vai kỳ vọng quá lớn của bố mẹ. Điều đó thể hiện ngay từ lúc cha mẹ chọn trường cho con.
Các phụ huynh bằng mọi giá, mọi cách xin cho con vào ngôi trường có tiếng, không phải vì con mà vì để bố mẹ "oai" với bạn bè, đồng nghiệp khi khoe con học trường nọ, lớp kia. Rất ít bố mẹ biết con mình thực sự cần gì, năng lực của con ra sao.
Có nhiều trường hợp các em học sinh quá áp lực trong việc phải đạt thành tích cao như kỳ vọng của bố mẹ nhưng không đạt đã chọn cách tiêu cực nhất để giải thoát như nữ sinh lớp 8 ở Bắc Ninh, nam sinh lớp 10 ở Hà Nội hay cậu học sinh lớp 8 ở Hà Đông.
Theo một cuộc thăm dò tâm lý học sinh nho nhỏ, khi trả lời câu hỏi “Những câu đáng nhớ mà bố mẹ nói với em hàng ngày”, thì câu trả lời phổ biến của các em lại là những câu trách móc nhấn vào trách nhiệm và nghĩa vụ kiểu như: “Bố mẹ vất vả kiếm tiền nuôi con, mà con học hành như thế đấy”; “Cả ngày chỉ có ăn với học mà cũng không xong”,…
Phổ biến hơn nữa là những câu so sánh kiểu “con nhà người ta”: “Nhìn bạn A đấy, vừa học giỏi vừa ngoan”, “Ôi bạn B nói tiếng Anh như gió, được giải quốc tế, chả bù cho con nhà mình, vừa lười vừa dốt”.
Có nhiều phụ huynh cho rằng mình chưa bao giờ yêu cầu con phải học thế này, thế kia, cũng không đánh mắng, nhưng thái độ, hành động buồn bã, thở dài khi thấy con bị điểm kém lại khiến trẻ vô cùng áp lực, nhất là những trẻ đang ở tuổi dậy thì.
Không chỉ áp lực từ gia đình, các em còn bị áp lực từ chính trường, lớp khi phải gồng mình vì thành tích tập thể.
Nhiều phụ huynh vì tham vọng của mình, vì muốn điểm tô cho sự sĩ diện, thích khoe khoang mà thúc ép con phải đạt điểm 10, đạt thành tích xuất sắc, ép con học ngoại ngữ, đàn hát, vẽ tranh mà không biết rằng con thực sự không có năng khiếu. Phụ huynh tự biến con thành đứa trẻ “toàn năng” theo suy nghĩ sai lầm của mình.
Thực tế một đứa trẻ biết cư xử lễ phép, biết vui chơi, suy nghĩ đúng lứa tuổi, biết học tập theo sở thích và năng lực của mình mới là đứa trẻ thành công.
Cha mẹ nào cũng thương con, nhưng không phải cách thương nào cũng đúng. Thương con không đồng nghĩa với việc bắt đứa trẻ phải hoàn hảo vì mình đã lo cho nó đầy đủ, thương con cũng không phải bố mẹ luôn đúng, con cái bắt buộc phải nghe.
Xin hãy làm bạn với con và bước vào thế giới của chúng, đặc biệt là ở giai đoạn tuổi dậy thì, lắng nghe, chia sẻ và cùng tìm cách tháo gỡ mọi vấn đề. Đừng để đến khi quá muộn, người lớn phải ngậm ngùi nói với nhau hai chữ “giá như...".