Chú trọng vào công tác xoá mù chữ
Công tác xoá mù chữ của địa phương cần có sự chung tay, đồng hành của nhiều cơ quan, ban ngành, hội, đoàn thể như hội phụ nữ, bộ đội biên phòng, đoàn thanh niên… để thực hiện cho hiệu quả.
Đó là vấn đề được ông Lê Như Xuyên, Phó vụ trưởng Vụ dân tộc, Bộ GD&ĐT nhấn mạnh tại buổi làm việc với tỉnh Điện Biên về khảo sát hướng dẫn thực hiện tiểu dự án 1 và dự án 5 thuộc quyết định số 1719 QĐ-TTg.
Chia sẻ từ địa phương
Tại buổi làm việc với tỉnh Điện Biên về khảo sát hướng dẫn thực hiện tiểu dự án 1 và dự án 5 thuộc quyết định số 1719 QĐ-TTg, ông Nguyễn Văn Đoạt – Giám đốc Sở GD&ĐT Điện Biên cho biết: “Về quy trình triển khai thực hiện các dự án thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia (CTMTQG) tỉnh Điện Biên luôn chú trọng bám sát các quy định, hướng dẫn của Trung ương.
Địa phương đã thành lập Ban chỉ đạo các CTMTQG, ngành Giáo dục Điện Biên cũng đã thành lập Ban chỉ đạo của ngành, Giám đốc sở GD&ĐT làm trưởng ban, phân công cụ thể nhiệm vụ đến với từng thành viên để triển khai.
Trong quá trình triển khai tiểu dự án 1, dự án 5 thuộc quyết định số 1719 QĐ-TTg, chúng tôi đã gặp phải một số khó khăn như: Việc đầu tư cho các trường Phổ thông Dân tộc nội trú (PTDTNT), Dân tộc bán trú (DTBT) nằm trên địa bàn không phải là vùng đồng bào dân tộc thiểu số miền núi cụ thể là các trường này đặt ở trung tâm thị trấn của huyện, thành phố Điện Biên do đó đối chiếu phạm vi Chương trình mục tiêu quốc gia dân tộc thiểu số (MTQGDTTS) thì các trường này chưa đủ căn cứ để được đầu tư.
Một số trường đạt chuẩn quốc gia về cơ sở vật chất theo các tiêu chí cũ của Bộ GD&ĐT ban hành. Tuy nhiên, Bộ GD&ĐT đã ban hành thông tư 17, 18, 19 đặt ra các tiêu chí mới thì các trường này lại không đạt chuẩn. Do đó, chúng tôi mong Bộ GD&ĐT tham mưu với lãnh đạo Bộ để có phương án tháo gỡ khó khăn cho địa phương”.
Cũng trong buổi làm việc, ông Nguyễn Văn Đoạt cho biết thêm: “Để thực hiện công tác xoá mù chữ theo tiểu dự án 1 và dự án 5 thì địa phương phải bản hành văn bản quy phạm pháp luật. Việc ban hành văn bản mới cần phải có thời gian, nhanh nhất cũng phải 6 tháng mới hoàn thành.
Hiện nay, Sở GD&ĐT Điện Biên đang tích cực triển khai nhiệm vụ này, phấn đấu trong kỳ họp tới của Hội đồng nhân dân tỉnh sẽ tham mưu UBND tỉnh trình Hội đồng nhân dân tỉnh ban hành.
Công tác xoá mù chữ cần sự chung tay của tất cả
Sau khi lắng nghe ý kiến, ông Lê Như Xuyên, Phó vụ trưởng Vụ dân tộc, Bộ GD&ĐT ghi nhận và đánh giá cao những ý kiến mà các sở, ban ngành của tỉnh Điện Biên đưa ra.
“Tôi nhận thấy các văn bản, hướng dẫn của Điện Biên cơ bản đầy đủ, sát sao. Tuy nhiên, tỉnh Điện Biên chưa có văn bản quy định nội dung, mức hỗ trợ kinh phí cho người tham gia dạy và học viên học xoá mù chữ. Đối với công tác này, tôi đề nghị Sở GD&ĐT cần sớm tham mưu với tỉnh để xây dựng và ban hành.
Bên cạnh đó, công tác xoá mù chữ của địa phương cần có sự chung tay, đồng hành của nhiều cơ quan, ban ngành, hội, đoàn thể như hội phụ nữ, bộ đội biên phòng, đoàn thanh niên… để thực hiện cho hiệu quả”.
Ông Lê Như Xuyên cho biết thêm: “Thực hiện công điện 71 của Thủ tướng Chính Phủ, Bộ GD&ĐT được giao và đã trả lời đầy đủ 8 kiến nghị, đề xuất của địa phương đối với các chương trình mục tiêu quốc gia; các tháo gỡ kịp thời của Bộ đã được các địa phương ghi nhận và đánh giá cao.
Bộ GD&ĐT cũng đã tổ chức các cuộc khảo sát thực tế tại các địa phương để nắm bắt những vấn đề đang nảy sinh, bất cập, khó khăn xảy ra trong quá trình thực hiện để có những tham mưu kịp thời với lãnh đạo Bộ GD&ĐT.
Ông Lê Như Xuyên cũng mong muốn: “Ngoài những kiến nghị, ý kiến ở buổi làm việc, nếu Điện Biên còn khó khăn, vướng mắc nào thêm có thể gửi văn bản về Bộ GD&ĐT.
Chúng tôi sẽ tiếp nhận và có những đề xuất lên các cơ quan có thẩm quyền để kịp thời hướng dẫn, hỗ trợ Điện Biên tháo gỡ nhằm hoàn thành các mục tiêu, nhiệm vụ của chương trình, mang lại quyền lợi tốt nhất cho người dân, đặc biệt là học sinh vùng đồng bào dân tộc thiểu số”.
Ông Lò Xuân Nam – Phó trưởng Ban dân tộc tỉnh Điện Biên cho biết: “Đào tạo và nâng cao năng lực cho giáo viên dạy tiếng dân tộc thiểu số ở Điện Biên rất được chú trọng. Tuy nhiên hiện nay, tại Điện Biên chưa có đơn vị nào đủ năng lực để đảm nhiệm công tác đào tạo, bồi dưỡng giáo viên dạy tiếng dân tộc, do đó đây là vấn đề mà chúng tôi đang lo lắng”.