Bị ngã sau 2 tháng mới phát hiện bị tụ máu dưới màng cứng
Sau tai nạn, ông L. vẫn tỉnh táo, sinh hoạt bình thường nên không đi khám. Gần đây, ông thường xuyên mệt mỏi, khi đi khám bác sĩ yêu cầu phải mổ cấp cứu.
Trước khi vào viện 2 tháng, ông Đ.K.L. (63 tuổi, ở Cẩm Khê, Phú Thọ) bị ngã ở độ cao khoảng 2m. Sau ngã, ông L. tỉnh táo, sinh hoạt bình thường nên không vào viện điều trị.
Tuy nhiên, hơn 1 tháng gần đây, bệnh nhân có những biểu hiện đau đầu, buồn nôn, người uể oải, mệt mỏi, đi lại không vững nên đã đến Trung tâm y tế huyện Cẩm Khê (Phú Thọ) kiểm tra.
Tại đây, các bác sĩ thăm khám, chụp cộng hưởng từ sọ não, kết quả phát hiện bệnh nhân bị tụ máu dưới màng cứng mạn tính cần được phẫu thuật.
BSCKII Giang Hoài Đức - Trưởng khoa Ngoại Tổng hợp, Trung Tâm Y tế huyện Cẩm Khê, người trực tiếp phẫu thuật cho bệnh nhân L. cho biết, các bác sĩ phải khoan sọ một lỗ, bơm rửa dẫn lưu máu tụ để lấy máu tụ dưới màng cứng. Đây là phương pháp tối ưu, không can thiệp mổ hộp sọ, giảm nguy cơ biến chứng hậu phẫu, phục hồi nhanh. Chỉ vài ngày sau phẫu thuật, bệnh nhân có thể sinh hoạt bình thường.
Cũng theo BS Đức, tụ máu dưới màng cứng cấp đe dọa đến tính mạng cần được phẫu thuật cấp cứu. Với các trường hợp bán cấp hoặc mãn tính, tùy theo mức độ có thể được điều trị bảo tồn bằng nội khoa hoặc phẫu thuật.
"Những bệnh nhân khi bị chấn thương đầu cần phải được chụp cắt lớp vi tính hoặc cộng hưởng từ để đánh giá chính xác mức độ tổn thương, từ đó bác sĩ có cơ sở để đưa ra phương pháp điều trị phù hợp, kịp thời, giúp bệnh nhân không để lại những biến chứng và di chứng nguy hiểm", BS Đức khuyến cáo.