Kinh tế

Xây dựng hành lang pháp lý cho doanh nghiệp theo Nghị quyết 27

Quốc Huy 19/04/2023 15:56

Sáng nay, 19/4, Báo Pháp luật Việt Nam và Viện Khoa học pháp lý phối hợp tổ chức Tọa đàm "Đưa Nghị quyết 27-NQ/TW vào cuộc sống – xây dựng hành lang pháp lý đáp ứng yêu cầu mới cho doanh nghiệp”.

Đây là Tọa đàm đầu tiên nằm trong chuỗi các Tọa đàm do Báo Pháp luật Việt Nam, Viện Khoa học pháp lý và Vụ Pháp luật Dân sự - Kinh tế, Bộ Tư pháp phối hợp tổ chức nhằm đẩy mạnh tuyên truyền nhiệm vụ xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền XHCN Việt Nam trong giai đoạn mới.

TS Vũ Hoài Nam, Tổng Biên tập Báo Pháp luật Việt Nam; TS Nguyễn Văn Cương, Viện trưởng Viện Khoa học pháp lý; TS Nguyễn Thanh Tú, Vụ trưởng Vụ Pháp luật Dân sự - Kinh tế, Phó Trưởng Ban Quản lý Chương trình 585 đồng chủ trì Tọa đàm.

img-2756-9687.jpeg
Quang cảnh buổi Toạ đàm

Buổi Tọa đàm có sự tham gia của nhiều chuyên gia pháp lý, nhà quản lý, doanh nghiệp, doanh nhân.

Một trong những nhiệm vụ và giải pháp mà Nghị quyết số 27-NQ/TW đã đề ra là tiếp tục hoàn thiện hệ thống pháp luật và cơ chế tổ chức thực hiện pháp luật nghiêm minh, hiệu quả, bảo đảm yêu cầu phát triển đất nước nhanh và bền vững.

Cùng với đó, xây dựng hệ thống pháp luật dân chủ, công bằng, nhân đạo, đầy đủ, kịp thời, đồng bộ, thống nhất, công khai, minh bạch, ổn định, khả thi, dễ tiếp cận, đủ khả năng điều chỉnh các quan hệ xã hội, lấy quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của người dân, tổ chức, doanh nghiệp làm trung tâm, thúc đẩy đổi mới sáng tạo. Tập trung hoàn thiện hệ thống pháp luật trên tất cả các lĩnh vực, tháo gỡ kịp thời khó khăn, vướng mắc, khơi dậy, phát huy mọi tiềm năng và nguồn lực, tạo động lực mới cho phát triển nhanh và bền vững của đất nước…

Tại buổi Tọa đàm, các đại biểu đã cùng thảo luận, cho ý kiến về những khó khăn, bất cập của các quy định pháp luật trong lĩnh vực sản xuất, kinh doanh…; đồng thời đề xuất những giải pháp hữu hiệu, khả thi nhằm xây dựng một hành lang pháp lý hoàn thiện, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp phát triển và kiến tạo trong giai đoạn mới, theo đúng tinh thần Nghị quyết 27 đã xác định.

Tham luận tại buổi Tọa đàm, PGS.TS Vũ Văn Phúc, Phó Chủ tịch Hội đồng Khoa học các cơ quan Đảng Trung ương, nguyên Tổng Biên tập Tạp chí Cộng sản đã nêu bật các vấn đề đặt ra trong thực tiễn và định hướng giải pháp hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng XHCN. Một trong những định hướng giải pháp có tính đột phá để hoàn thiện thể chế phát triển nền kinh tế thị trường định hướng XHCN là xây dựng và ban hành các văn bản quy phạm pháp luật đảm bảo nguyên tắc thị trường định hướng XHCN.

img-3006-4796.jpeg
Ông Nguyễn Kim Tinh, Phó Bí thư Thường trực Đảng ủy Bộ Tư pháp phát biểu tại Tọa đàm.

Theo đó, cần xây dựng và ban hành các văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến huy động, phân bổ và sử dụng các nguồn lực xã hội theo hướng “tự do hóa” thị trường các nhân tố đầu vào (tất nhiên có quản lý nhà nước, với phương thức mới)… Đồng thời, nghiên cứu, rà soát các luật, văn bản quy phạm pháp luật nhằm quy định rõ hơn về phương thức quản lý (can thiệp) Nhà nước đối với các hoạt động kinh tế - xã hội theo hướng: Tôn trọng quyền tự do kinh doanh; chỉ can thiệp khi các hoạt động sản xuất kinh doanh có tác động tiêu cực ảnh hưởng đến lợi ích cộng đồng, dân cư, lợi ích quốc gia, dân tộc…

Nghiên cứu xây dựng ban hành và tổ chức triển khai thực hiện một số luật mới phù hợp với bối cảnh mới (cuộc CMCN 4.0) như: Luật Giao dịch điện tử và Kinh tế số (sửa đổi, bổ sung Luật Giao dịch điện tử 2005); Luật Chính phủ số; Luật Công nghiệp công nghệ số, Luật Du lịch số, Luật Y tế số...

 PGS.TS Vũ Trọng Phúc đề nghị cần hoàn thiện đồng bộ thể chế phát triển, trước hết là thể chế phát triển nền kinh tế thị trường định hướng XHCN; đổi mới quản trị quốc gia theo hướng hiện đại, hiệu quả. Ngoài ra, cần phát triển đầy đủ và đồng bộ các yếu tố thị trường và các loại thị trường, đặc biệt thị trường các nhân tố sản xuất…

Luật sư Đường Ngọc Hân, Công ty Luật Hợp danh Đông Nam Á cho rằng: Những nội dung tại Nghị quyết 27 là tiền đề kiến tạo hành lang pháp lý phù hợp với nhu cầu, thực tiễn của doanh nghiệp nói chung và nền kinh tế nói riêng trong giai đoạn mới. Cụ thể, Nghị quyết 27 tập trung vào các nhiệm vụ như: Xây dựng hệ thống pháp luật lấy quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của doanh nghiệp làm trung tâm, thúc đẩy đổi mới sáng tạo; xây dựng mạng lưới, nâng cao năng lực của hệ thống dịch vụ pháp lý, trợ giúp pháp lý và hỗ trợ pháp lý giúp doanh nghiệp dễ tiếp cận pháp luật; hoàn thiện cơ chế tiếp nhận, xử lý kịp thời, hiệu quả kiến nghị, phản ánh của người dân, doanh nghiệp.

“Nghị quyết 27 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng đã đề ra những nhiệm vụ cụ thể, mang tính thiết thực, phù hợp nhu cầu của nền kinh tế thị trường và doanh nghiệp, kiến tạo hành lang pháp lý vững chắc cho môi trường đầu tư, kinh doanh tại Việt Nam. Tuy nhiên, để Nghị quyết 27 có thể đi vào đời sống, vấn đề cải cách môi trường pháp lý về đầu tư, kinh doanh phải đặc biệt được chú trọng”, luật sư Hân kiến nghị.

Phát biểu tại buổi Toạ đàm, ông Nguyễn Kim Tinh, Phó Bí thư Thường trực Đảng ủy Bộ Tư pháp nêu rõ, Nghị quyết 27 là chủ trương lớn của Đảng, Tọa đàm là một hoạt động góp phần đưa Nghị quyết vào cuộc sống, đến với người dân, doanh nghiệp.

Đồng thời khẳng định, cán bộ Bộ Tư pháp luôn sẵn sàng tinh thần phục vụ, công tâm trong công việc, tích cực thúc đẩy đưa Nghị quyết 27 vào cuộc sống, vì nhân dân, vì doanh nghiệp, vì sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.

snapedit-1681873862241-9591.jpg
TS Vũ Hoài Nam, Tổng Biên tập Báo Pháp luật Việt Nam tại buổi Toạ đàm.

TS Vũ Hoài Nam – Tổng Biên tập Báo Pháp luật Việt Nam đánh giá cao những ý kiến đóng góp của các đại biểu. Các phát biểu đã khái quát quá trình hình thành một số vấn đề lý luận về Nhà nước pháp quyền XHCN, hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng XHCN gắn với hội nhập quốc tế, vấn đề cải cách môi trường pháp lý và đầu tư tại Việt Nam, một số vấn đề trong hoạt động thực tiễn của doanh nghiệp.

Qua các tham luận và ý kiến phát biểu đã cho thấy nhận thức về Nhà nước pháp quyền ngày càng được nâng cao trong cán bộ, đảng viên và nhân dân. Lý luận về Nhà nước pháp quyền XHCN ở Việt Nam ngày càng hoàn thiện, góp phần to lớn vào sự phát triển toàn diện của đất nước, trong đó có kinh tế - xã hội. Thể chế kinh tế thị trường định hướng XHCN ngày càng đáp ứng yêu cầu thực tiễn. Tuy nhiên, cần phải tiếp tục có những giải pháp mạnh mẽ hơn nữa, tạo bước đột phá trong hoàn thiện thể chế, cải cách môi trường đầu tư kinh doanh.

Theo TS Vũ Hoài Nam, các ý kiến phát biểu tại Tọa đàm sẽ là những kinh nghiệm hết sức quý báu không chỉ cho các đơn vị chủ trì Tọa đàm, mà còn cho cơ quan, doanh nghiệp hiểu hơn về tinh thần Nghị quyết số 27-NQ/TW, về chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước với sự phát triển của doanh nghiệp. Các ý kiến này sẽ được đúc kết để đưa ra kiến nghị với các cơ quan chức năng...

Quốc Huy