Tòa án

Chánh án TANDTC chủ trì Hội nghị sơ kết hoạt động của Tòa Gia đình và người chưa thành niên

Dương Vương 18/04/2023 21:11

Ngày 18/4, tại Khánh Hòa, TANDTC phối hợp với Liên minh châu Âu và Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc (UNICEF) tại Việt Nam tổ chức Hội nghị sơ kết hoạt động của Tòa Gia đình và người chưa thành niên (Tòa GĐ&NCTN).

Đồng chí Nguyễn Hòa Bình, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Chánh án TANDTC chủ trì hội nghị.

Tham dự Hội nghị có đồng chí Nguyễn Trí Tuệ, Phó Chánh án Thường trực TANDTC; đồng chí Phạm Quốc Hưng, Phó Chánh án TANDTC; các thành viên Hội đồng Thẩm phán TANDTC; TAND cấp cao tại TP.HCM, TAND cấp cao tại Hà Nội; Chánh án và Phó Chánh án TAND các tỉnh.

Đại diện các tổ chức có ông Giorgio Aliberti – Đại sứ Liên minh châu Âu tại Việt Nam; bà Lesley Miller – Phó trưởng Đại diện UNICEF tại Việt Nam.

chanh-an-chu-tri-hoi-nghi-voi-lien-minh-chau-au.jpg
Chánh án TANDTC Nguyễn Hòa Bình phát biểu khai mạc Hội nghị.

Phát biểu khai mạc Hội nghị sơ kết, đồng chí Nguyễn Hòa Bình nhấn mạnh: “Việc ra đời của Tòa GĐ&NCTN trong tổ chức bộ máy của TAND là dấu ấn quan trọng và là một trong những thành công của tiến trình cải cách tư pháp; là bước đi cụ thể nhằm triển khai có hiệu quả các quan điểm, chủ trương của Đảng và pháp luật của Nhà nước về bảo vệ, phát triển gia đình Việt Nam”.

Sự ra đời của Tòa GĐ&NCTN, góp phần bảo vệ, chăm sóc, giáo dục trẻ em nói chung và xử lý người chưa thành niên vi phạm pháp luật nói riêng; chứng tỏ cam kết mạnh mẽ của Việt Nam trong việc bảo đảm quyền trẻ em, đặc biệt là trẻ em trong hoạt động tư pháp, thông qua việc xây dựng một hệ thống tư pháp trẻ em toàn diện mà Tòa GĐ&NCTN là trung tâm, với sự tham gia, phối hợp chặt chẽ của các cơ quan, tổ chức có liên quan.

Đến nay, TAND đã tổ chức được 41 Tòa GĐ&NCTN tại 39 TAND cấp tỉnh, 2 TAND cấp cao (tại Hà Nội và TP.HCM).

Chánh án TANDTC Nguyễn Hòa Bình ghi nhận và đánh giá cao những đóng góp của Liên minh châu Âu, Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc (UNICEF) trong công tác bảo vệ trẻ em nói chung và việc xây dựng hệ thống tư pháp thân thiện cho trẻ em ở Việt Nam nói riêng, trong đó có sự ra đời của Tòa GĐ&NCTN.

tandtc_hoi_nghi_khanh_hoa-3-.jpg
Ông Giorgio Aliberty - Đại sứ Liên minh châu Âu tại Việt Nam phát biểu tại Hội nghị.

Ông Giorgio Aliberty - Đại sứ Liên minh châu Âu tại Việt Nam phát biểu: “Hội thảo này được tổ chức rất đúng thời điểm, khi mà TANDTC vừa mới trình đưa Dự án Luật Tư pháp NCTN vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh 2024 của Quốc hội. Đây là một bước tiến tích cực vì một đạo luật toàn diện về tư pháp NCTN sẽ tạo cơ sở pháp lý thống nhất để bảo vệ một cách chuyên biệt, cá thể hóa đối với các em gái và em trai có liên quan đến hệ thống tư pháp, phù hợp với Công ước Quyền trẻ em”.

Do đó, hệ thống tư pháp cần được điều chỉnh cho phù hợp với nhu cầu và năng lực của người chưa thành niên. Công ước quyền trẻ em yêu cầu thiết lập một hệ thống riêng, với cách tiếp cận chuyên biệt, cá thể hóa khi xử lý NCTN phạm tội.

Các chủ thể tham gia trong hệ thống tư pháp NCTN cần hiểu rõ về sự phát triển của NCTN, tính dễ bị tổn thương của các em, cần được trang bị những kỹ năng chuyên sâu để giải quyết các vụ án liên quan đến NCTN theo cách thức thân thiện và nhạy cảm giới.

Chương trình Tăng cường tiếp cận pháp luật và tư pháp tại Việt Nam (EU JULE) đang và sẽ tiếp tục hỗ trợ Chính phủ Việt Nam, đặc biệt là Bộ Tư pháp và TANDTC trong lĩnh vực này.

tandtc_hoi_nghi_khanh_hoa-4-.jpg
Các đại biểu tham dự Hội nghị. 

Đại sứ Liên minh châu Âu tại Việt Nam Giorgio Aliberty kiến nghị 2 nội dung: “Một là, việc tăng cường hơn nữa năng lực về tư pháp NCTN của Thẩm phán, Thư ký Tòa án và Thẩm tra viên. Hai là, nhanh chóng hình thành Tòa GĐ&NCTN và bổ nhiệm Thẩm phán chuyên trách ở cả cấp tỉnh và huyện”.

Bà Lesley Miller - Phó trưởng Đại diện UNICEF tại Việt Nam cho biết: “Tòa án chuyên trách cho NCTN là một trong những thành tố then chốt của hệ thống tư pháp thân thiện với NCTN. Việc hình thành Tòa GĐ&NCTN tại 41 TAND ở Việt Nam là một thành tựu mang tính đột phá, đã được Ủy ban Quyền trẻ em của Liên hợp quốc ghi nhận trong Khuyến nghị kết luận mới đây trên cơ sở xem xét Báo cáo lần 5 và 6 của Việt Nam về tình hình thực hiện Công ước Quyền trẻ em”.

Ủy ban Quyền trẻ em của Liên hợp quốc cũng khuyến nghị Việt Nam nhanh chóng hình thành Tòa GĐ&NCTN trên toàn quốc, bổ nhiệm Thẩm phán chuyên trách và nâng cao năng lực chuyên sâu cho Thẩm phán.

“UNICEF mong muốn được tiếp tục mối quan hệ chặt chẽ với TANDTC và tất cả đối tác, nhằm xây dựng một hệ thống tư pháp và pháp luật nhạy cảm cho mọi trẻ em gái cũng như trai, phù hợp với Công ước về Quyền trẻ em và các chuẩn mực quốc tế về quyền con người”, bà Lesley Miller bày tỏ.

tandtc_hoi_nghi_khanh_hoa-5-.jpg
Hội đồng Thẩm phán TANDTC nghiên cứu tài liệu, tham luận và tham gia thảo luận.

Qua báo cáo sơ kết của Tòa GĐ&NCTN, từ năm 2016 đến nay, TANDTC đã chủ trì, phối hợp xây dựng, ban hành 3 Thông tư, 1 Nghị quyết, 2 Thông tư liên tịch và 1 Công văn hướng dẫn.

Trong đó, quy định phòng xử án được trang bị rèm che, hoặc màn che không để người chưa thành niên nhìn thấy bị cáo, thiết bị thu phát lấy lời khai của trẻ em; phòng hòa giải thiết kế nền tường màu xanh, treo tranh, ảnh về thiên nhiên, con người và bàn thiết kế hình tròn hoặc hình bầu dục; phòng chờ sơn màu sáng, trang trí không gian ấm áp, có đồ chơi, trò chơi, sách vở,…

Theo thống kê, kết quả hoạt động của Tòa GĐ&NCTN đã thụ lý 5.783 vụ án hình sự, giải quyết 5.562 vụ án (tương đương 96%); thụ lý 108.490 vụ án hôn nhân gia đình, giải quyết 104.936 vụ án (tương đương 96,7%).

Số bị cáo phạm tội thường ở độ tuổi từ 16 đến 18 tuổi, chủ yếu về tội cố ý gây thương tích, gây tổn hại sức khỏe cho người khác, tội trộm cắp tài sản, tội gây rối trật tự công cộng.

Tại Hội nghị, các đại biểu đã lắng nghe tham luận gồm: Nâng cao hiệu quả hoạt động của Tòa GĐ&NCTN và thúc đẩy sự tham gia tố tụng của NCTN tại Tòa án (do PGS.TS. Trung tướng Trần Văn Độ - nguyên Phó Chánh án TANDTC trình bày); Kinh nghiệm quốc tế về hệ thống chế tài xử phạt đối với NCTN, nguyên tắc áp dụng chế tài và biện pháp xử lý đối với NCTN phạm tội, thủ tục tố tụng đối với NCTN là bị hại và người làm chứng trong vụ án hình sự (bà Shelley Casey – chuyên gia quốc tế của UNICEF về tư pháp cho trẻ em trình bày).

Tham luận Nguyên tắc bảo đảm vì lợi ích tốt nhất của NCTN trong hoạt động tư pháp và định hướng hoàn thiện (Thẩm phán Nguyễn Đình Tiến – Chánh Tòa Tòa GĐ&NCTN thành phố Hà Nội); Tổ chức, hoạt động của Tòa GĐ&NCTN tại TPCHM hạn chế, bất cập và đề xuất kiến nghị (TAND TP. HCM); Giải quyết các vụ việc có NCTN tham gia tố tụng tại TAND, hạn chế, bất cập và đề xuất kiến nghị (TAND tỉnh Khánh Hòa).

tandtc_hoi_nghi_khanh_hoa-1-.jpg
PGS.TS. Trung tướng Trần Văn Độ - nguyên Phó Chánh án TANDTC trình bày tham luận tại Hội nghị.

Bên cạnh đó, đại biểu tham dự Hội nghị trao đổi và thảo luận về tổ chức Tòa GĐ&NCTN, tăng cường năng lực của Thẩm phán, tăng cường hoàn thiện thể chế pháp luật, thúc đẩy hình thành và hoạt động của Tòa GĐ&NCTN.

Kết luận Hội nghị, đồng chí Phạm Quốc Hưng – Phó Chánh án TANDTC cảm ơn sự đóng góp của Hội đồng Thẩm phán TANDTC, Liên minh châu Âu, Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc UNICEF đã hỗ trợ Việt Nam trong thời gian qua và góp ý thông qua các nội dung tham luận.

Phó Chánh án TANDTC Phạm Quốc Hưng nhấn mạnh: “Có thể nói, kết quả mà Hội nghị này mang lại rất có ý nghĩa về lý luận, thực tiễn, giúp TANDTC định hướng các hoạt động liên quan đến Tòa GĐ&NCTN từng bước hoàn thiện tốt nhất”.

Dương Vương