Chính trị

Hội thảo vận hành thí điểm khu cảnh quan thác Bản Giốc (Việt Nam) - Đức Thiên (Trung Quốc)

Nguyễn Liên 18/04/2023 17:29

Ngày 18/4, tại tỉnh Cao Bằng diễn ra Hội thảo 'Triển khai vận hành thí điểm Khu cảnh quan thác Bản Giốc (Việt Nam) - Đức Thiên (Trung Quốc)'.

Dự hội thảo có các đồng chí: Lê Hoài Trung, Ủy viên Trung ương Đảng, Trưởng ban Đối ngoại Trung ương; Nguyễn Minh Vũ, Ủy viên dự khuyết Trung ương Đảng, Thứ trưởng Thường trực, Chủ nhiệm Ủy ban biên giới Quốc gia, Bộ Ngoại giao; đại diện các bộ, ngành Trung ương; cùng các chuyên gia, học giả, nhà báo.

Ngày 5/11/2015, nhân chuyến thăm của Tổng Bí thư Trung Quốc Tập Cận Bình tới Việt Nam, hai nước đã ký Hiệp định hợp tác bảo vệ và khai thác tài nguyên du lịch thác Bản Giốc (Việt Nam) - Đức Thiên (Trung Quốc), trong đó nhất trí thành lập khu cảnh quan thác Bản Giốc và hợp tác khai thác, bảo vệ có hiệu quả và hợp lý tài nguyên du lịch trong khu vực này.

a1.nn.jpg
Hội thảo nhận định khu cảnh quan thác Bản Giốc (Việt Nam) - Đức Thiên (Trung Quốc) khi được đưa vào vận hành sẽ trở thành mô hình hợp tác phát triển du lịch kiểu mẫu

Đây là thành quả rất lớn, thể hiện sự thiện chí và quyết tâm của cả hai nước xây dựng đường biên giới Việt Nam-Trung Quốc hòa bình, hữu nghị và hợp tác, phát triển. Khu cảnh quan thác Bản Giốc (Việt Nam) - Đức Thiên (Trung Quốc) khi được đưa vào vận hành sẽ trở thành mô hình hợp tác phát triển du lịch kiểu mẫu, chưa có tiền lệ ở khu vực biên giới hai nước Việt-Trung, vận hành theo hình thức “hai khu, hai nước”.

Trong phát biểu khai mạc Hội thảo và định hướng trao đổi, Thứ trưởng Thường trực Bộ Ngoại giao Nguyễn Minh Vũ bày tỏ mong muốn Hội thảo tập trung làm rõ một số nội dung sau:

Thứ nhất, thống nhất phạm vi thí điểm trong Khu cảnh quan thác Bản Giốc (Việt Nam) - Đức Thiên (Trung Quốc), xây dựng kế hoạch/lộ trình triển khai vận hành thí điểm trong phạm vi Khu cảnh quan.

Thứ hai là các hạng mục, kinh phí xây dựng cơ sở hạ tầng; công tác quy hoạch; tổ chức bộ máy để vận hành thí điểm Khu cảnh quan; công tác quản lý, bảo vệ trong thời gian thí điểm...

Thứ ba, xác định các nội dung, sản phẩm du lịch đặc trưng, gắn với văn hóa, có thể thu hút khách du lịch; lộ trình tour, tuyến du lịch, kế hoạch quảng bá, tuyên truyền... trong phạm vi thí điểm.

Thứ tư, cơ chế chính sách, hành lang pháp lý và đãi ngộ để xây dựng Khu cảnh quan, trước mắt là Khu thí điểm được xây dựng bài bản, đầy đủ chức năng, đậm đà bản sắc văn hóa, dân tộc với mục tiêu phát huy tiềm năng nhưng cũng xây dựng, bảo tồn di sản chung, mang đến lợi ích lâu dài như mong muốn của nhân dân hai bên biên giới.

a2343.jpg
Đồng chí Nguyễn Minh Vũ, Thứ trưởng Thường trực, Chủ nhiệm Ủy ban biên giới Quốc gia, Bộ Ngoại giao phát biểu khai mạc hội thảo.

Theo báo cáo của UBND tỉnh, Hiệp định hợp tác bảo vệ và khai thác tài nguyên du lịch thác Bản Giốc (Việt Nam) - Đức Thiên (Trung Quốc) được Chính phủ hai nước ký ngày 5/11/2015 và chính thức có hiệu lực song phương từ ngày 16/6/2016. Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, tỉnh Cao Bằng được giao chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành Trung ương triển khai thực hiện hiệp định. Tỉnh tiến hành khảo sát thực địa, tiến hành 2 cuộc hội đàm cấp ủy ban điều phối, lãnh đạo tỉnh Cao Bằng (Việt Nam) và Quảng Tây (Trung Quốc), 8 cuộc cấp văn phòng thường trực tỉnh Cao Bằng và tổ công tác liên ngành Quảng Tây, thống nhất được phương án mở lối mở, xây dựng trạm kiểm soát, hàng rào biên giới, phương án quản lý, phương án vận hành thí điểm cho du khách hai bên qua lại khu cảnh quan...

Tỉnh tập trung giải phóng mặt bằng khu vực mốc 834/1 - 835 và khu vực chân thác với tổng diện tích gần 12 ha; dỡ bỏ khoảng 300 lều lán, nhà kho, nhà vệ sinh tạm, bãi đỗ xe tự phát, trả lại cảnh quan cho khu du lịch; xây dựng trạm kiểm soát biên giới; bố trí lực lượng, trang thiết bị kiểm soát; xây dựng đoạn hàng rào nằm trên đường biên giới từ mốc 834/1 về phía mốc 835; hoàn thành công trình trạm kiểm soát, bãi đỗ xe điện, rải áp phan mặt đường từ trạm kiểm soát nối với Quốc lộ 4A, làm đường vào thác...

Tuy nhiên, trong quá trình triển khai thực hiện hiệp định, phát sinh một số khó khăn, vướng mắc như: Vấn đề điều chỉnh quy hoạch cục bộ khu trung tâm du lịch (quy mô 156,7 ha); công tác bồi thường, hỗ trợ, giải phóng mặt bằng, bố trí tái định cư, tạo sinh kế cho người dân trong khu cảnh quan; việc đầu tư xây dựng các công trình biên giới, tôn tạo mốc giới phải trao đổi, thống nhất với phía Trung Quốc và được phê chuẩn của Ủy ban liên hợp biên giới trên đất liền Việt Nam - Trung Quốc; vấn đề nguồn lực đầu tư hạ tầng cơ sở, xây dựng các công trình đặc sắc tại khu vực biên giới để thu hút du khách…

Hiện nay, tỉnh xây dựng phương án vận hành thí điểm Khu cảnh quan thác Bản Giốc và dự kiến sớm đưa vào vận hành. Để thực hiện hiệu quả kế hoạch, Cao Bằng đề xuất, kiến nghị Chính phủ, các bộ, ngành tiếp tục quan tâm, hỗ trợ trong việc triển khai thực hiện hiệp định đối với một số lĩnh vực cụ thể như: Vấn đề hội đàm, trao đổi với phía Trung Quốc trong công tác quản lý biên giới, xây dựng công trình biên giới; vấn đề đảm bảo an ninh trật tự, kiểm soát du khách qua lại khu cảnh quan; công tác quy hoạch, điều chỉnh quy hoạch; đề xuất hỗ trợ kinh phí và việc hoàn thiện đề án cơ chế chính sách đặc thù để thực hiện hiệp định…

Tại Hội thảo, Bí thư Tỉnh ủy Trần Hồng Minh khẳng định: Tiềm năng, thế mạnh về phát triển du lịch dịch vụ trên địa bàn tỉnh Cao Bằng được Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIX xác định là 1 trong 3 mục tiêu trọng tâm của toàn khoá. Cao Bằng với nhiều di tích lịch sử, danh lam thắng cảnh, trong đó có thác Bản Giốc - danh lam thắng cảnh của quốc gia là một lợi thế rất lớn. Thác Bản Giốc còn là vùng lõi, vùng đặc sắc của Công viên địa chất toàn cầu non nước Cao Bằng được UNESCO công nhận vào tháng 4 năm 2018. Việc đưa Khu cảnh quan thác Bản Giốc vào vận hành thí điểm có ý nghĩa vô cùng quan trọng, nhằm thực hiện nhận thức chung của lãnh đạo cấp cao hai nước trong Tuyên bố chung Việt Nam - Trung Quốc, tại chuyến thăm Trung Quốc của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng từ ngày 30/10 - 1/11/2022. Đồng thời, giúp tỉnh Cao Bằng phát huy các thế mạnh, tiềm năng du lịch để phát triển kinh tế, thúc đẩy hợp tác, giao lưu kinh tế, văn hóa, xã hội của địa phương biên giới hai nước Việt Nam - Trung Quốc.

Hội thảo là cơ hội lắng nghe ý kiến của đại diện các bộ, ngành và các chuyên gia, học giả từ góc độ chuyên môn chia sẻ các biện pháp, các khuyến nghị cho UBND tỉnh Cao Bằng trong việc đưa vào vận hành thí điểm Khu cảnh quan thác Bản Giốc (Việt Nam) - Đức Thiên (Trung Quốc), theo ghi nhận tại Tuyên bố chung Việt Nam-Trung Quốc tại chuyến thăm Trung Quốc của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng từ ngày 30/10-1/11/2022.

Kết luận hội thảo, Chủ tịch UBND tỉnh Cao Bằng Hoàng Xuân Ánh ghi nhận những ý kiến đóng góp, thảo luận của các đại biểu, đây sẽ là cơ sở để tỉnh Cao Bằng, Bộ Ngoại giao hoàn thiện các phương án, giải pháp vận hành thí điểm Khu cảnh quan thác Bản Giốc (Việt Nam) - Đức Thiên (Trung Quốc) theo đúng kế hoạch. Sau hội thảo, UBND tỉnh sẽ xây dựng kế hoạch, lộ trình triển khai vận hành thí điểm Khu cảnh quan thác Bản Giốc trong thời gian sớm nhất. Tỉnh cũng rà soát, xác định lại phạm vi khu cảnh quan; quan tâm đầu tư hạ tầng cơ sở tối thiểu để đảm bảo đáp ứng khi khu cảnh quan đưa vào vận hành thí điểm. Phát triển thêm các sản phẩm du lịch để phục vụ yêu cầu phát triển du lịch khi khu cảnh quan được vận hành. Hoàn thiện lại bộ máy quản lý khu du lịch.

Đối với vấn đề quản lý du khách, an ninh trật tự, môi trường…, Chủ tịch Hoàng Xuân Ánh cho biết, tỉnh sẽ có phương án, kế hoạch chi tiết, cụ thể nhằm vận hành thí điểm Khu cảnh quan thác Bản Giốc với hiệu quả cao nhất, góp phần phát triển kinh tế - xã hội tỉnh, đồng thời bảo vệ chủ quyền, an ninh biên giới quốc gia.

Hiệp định hợp tác bảo vệ và khai thác tài nguyên du lịch thác Bản Giốc (Việt Nam) - Đức Thiên (Trung Quốc) được Chính phủ hai nước ký ngày 6/11/2015 và chính thức có hiệu lực song phương từ ngày 16/6/2016. Kế hoạch thực hiện Hiệp định được Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 1806/QĐ-TTg,ngày 14/11/2017, trong đó UBND tỉnh Cao Bằng là cơ quan chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành triển khai thực hiện.

Nguyễn Liên