Giáo dục

Vận dụng "4 Đúng - 3 Không" trong quá trình tổ chức Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2023

Anh Tuấn(TH) 18/04/2023 - 13:55

Ngày 17/4, Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) Phạm Ngọc Thưởng chủ trì Hội nghị tập huấn về công tác thi tốt nghiệp THPT năm 2023 tại Trường Đại học Bách khoa, Đại học Đà Nẵng.

Tham dự Hội nghị có hơn 400 đại biểu, bao gồm Ban Chỉ đạo cấp quốc gia Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2023 (Kỳ thi); đại diện lãnh đạo các cục, vụ của Bộ GD&ĐT; đại diện lãnh đạo 61/63 Sở GD&ĐT và lãnh đạo Phòng Quản lý chất lượng, khảo thí của 63 Sở GD&ĐT; đại diện Bộ Công an, lãnh đạo A03 của 63 tỉnh/thành; lãnh đạo Đại học Đà Nẵng, Trường Đại học Bách khoa - Đại học Đà Nẵng…

tap-huan-thi-tot-nghiep-thpt1(1).jpg
Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Phạm Ngọc Thưởng phát biểu tại Hội nghị.

Phát biểu khai mạc Hội nghị toàn quốc đầu tiên chuẩn bị cho Kỳ thi, Thứ trưởng Phạm Ngọc Thưởng - Trưởng Ban Chỉ đạo Kỳ thi cấp quốc gia nhấn mạnh, tính chất quan trọng của Kỳ thi đòi hỏi các khâu phải chính xác, chặt chẽ, đúng quy trình. Trong đó, công tác chuẩn bị đóng vai trò đặc biệt quan trọng, góp phần quyết định sự thành công. Mọi sự chuẩn bị phải kỹ lưỡng, chủ động, chu đáo, từ xây dựng kế hoạch cho đến lường trước các tình huống có thể xảy ra, dự phòng những giải pháp để xử lý.

Thứ trưởng đánh giá, với tinh thần trách nhiệm cao, kinh nghiệm tổ chức nhiều kỳ thi, trình độ chuyên môn nghiệp vụ và sự phối hợp nhịp nhàng, hiệu quả của các Bộ, ban, ngành Trung ương, các Sở địa phương, sự chủ động tham mưu của các Sở, các Kỳ thi tốt nghiệp THPT những năm qua đã được tổ chức tốt.

tap-huan-thi-tot-nghiep-thpt-1.jpg
Đại biểu tham dự Hội nghị

Để công tác tập huấn đạt kết quả như mong đợi, Thứ trưởng yêu cầu đại biểu tập trung cao độ; báo cáo viên phải giải thích, lưu ý những điểm mới của Quy chế và hướng dẫn thi, những lỗi thường gặp, những vấn đề có thể xảy ra rủi ro. Đặc biệt, phương pháp tập huấn theo hướng hai chiều hỏi - đáp, thảo luận, trao đổi thẳng thắn trên tinh thần xây dựng, cầu thị.

Nhấn mạnh mục tiêu cao nhất là tổ chức một Kỳ thi nghiêm túc, công bằng, an toàn, hiệu quả, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho thí sinh, Thứ trưởng Phạm Ngọc Thưởng nhắc tới từ khoá “4 Đúng - 3 Không” để các đại biểu nghiên cứu, vận dụng phù hợp trong quá trình tổ chức Kỳ thi.

4 Đúng: Đúng quy chế và hướng dẫn thi; đúng và đủ quy trình; đúng vị trí, chức trách nhiệm vụ được giao; đúng thời điểm (kịp thời xử lý tình huống, sự cố bất thường).

3 Không: Không lơ là, chủ quan; không tự ý xử lý tình huống, sự cố bất thường; không căng cứng, áp lực thái quá.

“Chúng tôi tin rằng, với sự chuẩn bị chu đáo, kỹ lưỡng, tinh thần trách nhiệm, sự phối hợp của các bộ ban ngành, các Sở, địa phương, Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2023 sẽ được tổ chức thành công”, Thứ trưởng Phạm Ngọc Thưởng nói.

Báo cáo tại Hội nghị, Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng Huỳnh Văn Chương đã giới thiệu tóm tắt những điểm mới của quy chế thi, hướng dẫn tổ chức Kỳ thi, những lưu ý trong quá trình tổ chức Kỳ thi.

tap-huan-thi-tot-nghiep-thpt-22.jpg
Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng Huỳnh Văn Chương báo cáo tại Hội nghị

Tại Hội nghị, hơn 400 đại biểu tham dự đã lắng nghe lãnh đạo Cục A03, A06, Bộ Công an trao đổi về công tác phối hợp đảm bảo an ninh, an toàn Kỳ thi, giải pháp nâng cao hiệu quả năm 2023, hướng dẫn phát hiệu các thiết bị công nghệ cao có thể gian lận trong Kỳ thi.

Bên cạnh đó, Vụ Giáo dục Đại học thông báo một số nội dung về tuyển sinh Đại học, trình độ Cao đẳng ngành Giáo dục Mầm non năm 2023; công tác đăng ký xét tuyển Đại học, Cao đẳng.

Hội nghị dành nhiều thời lượng để ghi nhận tham luận, trao đổi của đại diện các Sở GD&ĐT và thảo luận, giải đáp thắc mắc về quy chế, hướng dẫn, công tác đảm bảo an ninh, an toàn Kỳ thi.

Trong khuôn khổ Hội nghị, cán bộ phụ trách CNTT của các Sở và các đơn vị liên quan tham dự phiên tập huấn Hệ thống phần mềm Quản lý thi và đăng ký dự thi trực tuyến cho thí sinh.

Anh Tuấn(TH)