Phòng chống dịch bệnh Ebola: Giám sát chặt chẽ hành khách nhập cảnh
Đời sống - Ngày đăng : 11:33, 15/08/2014
Nhằm bảo vệ sức khỏe cho người lao động Việt Nam đang làm việc ở nước ngoài, vừa qua, Cục Quản lý lao động ngoài nước đã có văn bản số 1161/QLLĐNN-PCTH yêu cầu các doanh nghiệp hoạt động dịch vụ đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng thực hiện nghiêm túc việc phòng, chống dịch bệnh Ebola.
Theo đó, Cục Quản lý lao động ngoài nước yêu cầu các doanh nghiệp kiểm tra, rà soát, báo cáo Cục Quản lý lao động ngoài nước trước ngày 16/8/2014 về lao động do doanh nghiệp đưa sang làm việc tại khu vực có dịch bệnh nói riêng (nếu có) và khu vực Châu Phi nói chung. Tuyên truyền cho người lao động đang sống, làm việc tại các khu vực có dịch bệnh tự để chủ động phòng chống bệnh hiệu quả
Cục cũng yêu cầu các doanh nghiệp không đưa lao động sang các vùng đang có dịch bệnh cũng như các vùng có khả năng lây dịch cao. Trường hợp nghi ngờ có biểu hiện nhiễm vi rút, yêu cầu người lao động thông báo ngay cho người sử dụng lao động, cơ quan đại diện ngoại giao Việt Nam tại nước sở tại và các cơ quan y tế để được cách ly và điều trị.
Kiểm tra thân nhiệt của hành khách tại sân bay Tân Sơn Nhất
Bệnh do vi rút Ebola là một bệnh truyền nhiễm cấp tính nguy hiểm thuộc nhóm A có khả năng lây lan nhanh và tỷ lệ tử vong rất cao. Bệnh lây từ người sang người qua tiếp xúc trực tiếp với máu, dịch tiết, bộ phận cơ thể của người mắc bệnh, động vật bị bệnh hoặc trực tiếp với môi trường và dụng cụ bị ô nhiễm dịch bệnh. Hiện nay dịch bệnh đã bùng phát trở lại tại 04 quốc gia vùng Tây Phi là: Guinera, Leberia, Sierra Leone và Nigeria. Tổ chức Y tế thế giới đã tuyên bố tình trạng khẩn cấp và đưa ra các khuyến cáo nhằm hạn chế việc lây lan của vi rút Ebola.
Ngày 11/8, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Thị Bích Ngọc đã trực tiếp kiểm tra công tác kiểm dịch y tế quốc tế tại cửa khẩu quốc tế sân bay Nội Bài. Cùng ngày, Bộ Y tế cũng đã tổ chức họp với các bộ, ngành về công tác triển khai phòng, chống dịch bệnh Ebola. Theo nhận định của các chuyên gia, Ebola là dịch bệnh tối nguy hiểm với khả năng lây lan rộng. Do đó, ngay tại thời điểm này, Việt Nam tập trung mọi giải pháp, quyết tâm không để dịch bệnh xâm nhập.
Tại cửa khẩu quốc tế Nội Bài, trung bình mỗi ngày tiếp nhận từ 50 đến 60 chuyến bay quốc tế, tương ứng với khoảng 6.000-7.000 khách quốc tế nhập cảnh. Tại đây, Trung tâm Kiểm dịch y tế quốc tế đã thành lập 2 phòng cách ly tại Nhà ga T1 với các trang thiết bị cấp cứu cần thiết, bảo đảm 2 máy giám sát thân nhiệt từ xa hoạt động tốt và chuẩn bị đầy đủ các điều kiện để thực hiện tờ khai y tế đối với những hành khách đến từ vùng có dịch. Trung tâm cũng đã phối hợp với Cảng vụ hàng không miền Bắc và Công an cửa khẩu Nội Bài áp dụng tờ khai y tế đối với chuyến bay đầu tiên trở về từ Ai Cập.
Tuy nhiên, theo Giám đốc Sở Y tế Hà Nội Nguyễn Khắc Hiền, trở ngại lớn trong công tác kiểm dịch tại cửa khẩu là do sân bay Nội Bài cũng như các cảng hàng không khác không có đường bay thẳng từ Châu Phi về nên việc tổ chức giám sát người đến từ vùng có dịch rất khó khăn. Sở Y tế Hà Nội đã chỉ đạo giám sát tất cả những hành khách đến từ Châu Phi rải rác tại tất cả các chuyến bay quốc tế đến thông qua hộ chiếu của hành khách. Tại sân bay sẽ phân loại hành khách, nếu khách đến các khu dân cư trong cộng đồng thì danh sách sẽ được báo đến trung tâm y tế các quận, huyện.
Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Thị Bích Ngọc nhấn mạnh, không chỉ giám sát chặt hành khách nhập cảnh, Trung tâm Kiểm dịch y tế quốc tế Hà Nội cần phối hợp với cơ quan quản lý nhà nước tại cửa khẩu tăng cường tuyên truyền giám sát hàng hóa nhập khẩu từ vùng có dịch. Không chỉ tăng cường việc giám sát dịch bệnh xâm nhập tại cửa khẩu quốc tế Nội Bài, ngay trong thành phố, Sở Y tế phối hợp Sở VH-TT&DL tập huấn, truyền thông phòng chống dịch Ebola đến các cơ sở nhà nghỉ, khách sạn trong thành phố. Bởi trên địa bàn thành phố hiện có 1.700 nhà nghỉ, khách sạn, là khu vực lưu trú lớn khách trong và ngoài nước.
Trước tình hình trên, Bộ Ngoại giao đã thực hiện tuyên truyền về tình hình dịch bệnh Ebola cho Việt kiều tại các nước trong vùng dịch. Hiện Nigeria là một trong 4 nước ở Tây Phi đang có diễn biến bất thường, khó kiểm soát về dịch Ebola. Tại đây, hiện có 15 công dân Việt Nam đang sinh sống, trong đó 10 công dân ngoài vùng dịch, 5 công dân trong vùng dịch. Đến thời điểm này, chưa có công dân Việt Nam có triệu chứng của bệnh Ebola. Bộ Ngoại giao đang phối hợp chặt với các cơ quan Nigeria tiếp tục theo dõi tình hình dịch bệnh và có phương án ứng phó khẩn cấp khi cần thiết.
Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long đề nghị, bên cạnh việc giám sát hành khách nhập cảnh bằng đường hàng không, các ngành chức năng cần chú trọng giám sát các trường hợp đi, về từ vùng có dịch nhập cảnh qua đường bộ, đường thủy. Mặt khác, Bộ Y tế cũng đề nghị Bộ NN&PTNT tăng cường giám sát việc nhập các vật nuôi, sản phẩm về từ vùng có dịch. Bởi vì Tổ chức Y tế thế giới đã cảnh báo virus Ebola trong tự nhiên tồn tại trên các động vật hoang dã như tinh tinh, dơi ăn quả, nhím, lợn rừng...