Thầy ra thầy, trò ra trò
Giáo dục là rường cột của quốc gia, là gốc rễ của văn hóa. Nhưng khi chính quyền phải ra văn bản khẩn để yêu cầu ngành giáo dục tăng cường, chấn chỉnh các hành vi lệch chuẩn về đạo đức, lối sống của một số thầy giáo, học sinh thì nó rất đáng buồn.
Đó là chuyện ở tỉnh Quảng Trị. Thời gian qua, trên địa bàn tỉnh liên tiếp xảy ra nhiều vụ việc gây xôn xao dư luận, liên quan đến các thầy giáo cũng như học sinh.
Nổi cộm như vụ Hiệu trưởng và Phó Hiệu trưởng Trường Tiểu học Ngư Thủy Bắc, huyện Lệ Thủy "choảng" nhau trong sân trường; nữ sinh bắt bạn quỳ giữa lớp rồi tát liên tiếp 7 cái vào mặt, xảy ra ở Trường THCS số 1 Bắc Lý, thành phố Đồng Hới. Rồi có cả vụ án mạng, thầy giáo tiểu học đâm chết bố vợ vì mâu thuẫn gia đình.
Trước “bệnh trạng” thầy không ra thầy, trò không ra trò thì lãnh đạo tỉnh chỉ thị yêu cầu chấn chỉnh cũng là phải lẽ. Nhưng, vẫn là một câu hỏi từ rất lâu rồi chưa có lời đáp: Gốc rễ từ đâu?
Nếu ngồi thống kê sự vụ xảy ra tại các cơ sở giáo dục thì có lẽ cả ngày cũng không liệt kê cho hết. Đối với những người quan tâm đến giáo dục, ai mà không thảng thốt, không phiền não.
Nhưng suốt cả một thập kỷ qua, những cảm xúc ấy đeo đẳng khiến người không quen cũng thành quen. Đến khi ra đường nhìn đám trẻ mặt “búng ra sữa” đánh nhau họ cũng thây kệ, chẳng thèm can. Hay Hiệu trưởng có đấm Hiệu phó thì cũng xem như chuyện thường tình, đọc lướt để biết. Bởi bạo lực học đường ở đâu cũng thấy, năm nào cũng có.
Khi những mối quan tâm không được đáp ứng, khi các vấn đề không được giải quyết một cách căn cơ, triệt để thì dù có đau đáu đến mấy họ cũng nhắm mắt, quay lưng. Đó là mối nguy của giáo dục.
Học trò có lỗi là chuyện thường, thế chúng mới cần đến trường để thầy uốn nắn, dưỡng dục. Nhưng đến trường mà thầy cũng không ra thầy thì đó là câu chuyện khác.
Làm thầy là một công việc rất khó. Trường lớp cũng như một xã hội thu nhỏ. Học trò có đứa ngoan, có đứa khó bảo, có đứa giỏi, đứa còn tối dạ. Làm thầy của một xã hội như thế không bao giờ dễ dàng.
Đối với người thầy không đủ nhẫn nại, không đủ bao dung thì việc đó còn khó hơn, không chỉ trong giáo dục học sinh mà còn ứng xử với đồng nghiệp. Hiệu trưởng đấm Hiệu phó, học sinh đánh học sinh…há chẳng phải “thượng bất chính, hạ tất loạn”?
Thầy như thế còn có thể tự tin đứng trên bục thao thao nói về đạo đức, truyền thụ đạo học cho trò nữa chăng?
Có một thời gian, người ta chất vấn nhau, triết lý giáo dục của chúng ta là gì? Có hay không có? Nhưng thiết nghĩ, khi chưa xây dựng được môi trường giáo dục lành mạnh, thực chất thì một khẩu hiệu trên giấy sẽ giải quyết được điều gì?
Phải thấu đáo rằng, giáo dục không đơn thuần chỉ là truyền dạy kiến thức mà quan trọng là dạy đạo làm người.
Sinh thời, cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng từng nói: "Trường ra trường, lớp ra lớp, thầy ra thầy, trò ra trò, dạy ra dạy, học ra học". Không cần phải đề án đổi mới cao siêu nào cả, đó chính là “minh triết giáo dục”.