Đồng bào Khmer tại Trà Vinh rộn ràng đón Tết Chôl Chnăm Thmây
Tết Chôl Chnăm Thmây nhằm giáo dục con người về tấm lòng hiếu thảo, đoàn kết, gắn bó, thắt chặt tình đoàn kết thương yêu nhau trong phum sóc, cũng là dịp để mọi người gặp gỡ nhau chia phúc, chúc mừng.
Năm nay, Tết cổ truyền Chôl Chnăm Thmây còn gọi là Tết chịu tuổi của đồng bào Khmer diễn ra trong 3 ngày từ 14/4 đến 16/4. Những ngày này, đồng bào Khmer tập trung vào chùa để tham gia các nghi thức, hoạt động chào đón năm mới.
Theo ghi nhận của phóng viên, tại các chùa của đồng bào Khmer ở huyện Tiểu Cần và TP Trà Vinh được trang hoàng rất lộng lẫy, không khí vui tươi, nhộn nhịp khi rất đông người dân đến lễ Phật, thực hiện các nghi thức đón Tết theo phong tục và tham gia các trò chơi dân gian như: đập niêu, ném bột, biểu diễn văn nghệ.
Ba ngày Tết Chôl Chnăm Thmây thì ngày thứ nhất có tên gọi là Sang-kran nghĩa là bước đi, tiến tới. Ngày thứ hai gọi là Wana-bot nghĩa là thiếu hoặc thừa. Ngày thứ ba gọi là Lơn-sắtk nghĩa là tiến lên, tăng lên.
Trong sáng ngày 14/4 (ngày thứ nhất), được gọi là ngày Chôl Sang-kran Thmây, mọi người tắm rửa sạch sẽ, ăn mặc đẹp, đem theo nhang, đèn, phẩm vật đến chùa làm lễ rước đại lịch (Maha sang-kran). Maha sang-kran đặt trong khay sơn son thếp vàng đưa lên kiệu khiêng, theo sự hướng dẫn của vị A-Cha, Ban quản trị, đồng bào Phật tử Khmer mọi người đứng xếp hàng đi quanh chánh điện ba vòng, sau đó vào bên trong chánh điện tụng kinh lễ bái Tam bảo để chào mừng năm mới.
Đến đêm những người Phật tử lớn tuổi tập trung trong ngôi giảng đường hoặc chánh điện nghe Chư tăng thuyết pháp, còn các thanh niên, nam nữ trẻ tuổi thì ra sân chùa tổ chức các trò chơi dân gian và xem văn nghệ truyền thống như: múa Rom vong, Rô băm, Du kê, phim ảnh.
Anh Danh Phương (ngụ xã Tân Hòa, huyện Tiểu Cần, tỉnh Trà Vinh) cho hay, ngày Tết có ý nghĩa rất thiêng liêng với đồng bào, dù làm ăn ở đâu xa cũng cố gắng về sum họp để gặp gỡ, chúc phúc, để tăng cường tinh thần đoàn kết.
Ngày 15/4 (ngày thứ hai), được gọi là ngày “Wanabot”. Trong buổi sáng, người dân làm lễ dâng huê ẩm thực đến Chư tăng, đến chiều thì đắp những núi cát (còn gọi Puôn-Panum-Khsách), thành nhiều ngọn núi nhỏ theo tám hướng và một núi ở trung tâm, tượng trưng cho sự bền vững của vũ trụ. Tục lệ này dẫn đến tích truyện lâu đời và cho Phật tử thắp hương để cầu cho mưa thuận gió hòa trong năm và cầu phúc theo sự ước nguyện của mình.
Ngày 16/4 (ngày thứ ba), còn được gọi là “Lơn-sắtk”, là ngày có rất nhiều ý nghĩa quan trọng đối với đồng bào Khmer. Buổi sáng mọi người đến chùa dâng huê ẩm thực đến Chư tăng. Chư tăng cùng mọi người tắm các tượng Phật.
Đến giữa trưa cùng ngày, A-Cha, Ban quản trị đại diện đồng bào Phật tử Khmer cung thỉnh Chư tăng làm lễ cầu siêu (Khmer gọi là Băng-Sa-Kôl), để hồi hướng phước đến vong linh những người đã mất có quan hệ quyết thống với mình, nhất là những người có công tạo lập, các vị sư sãi quá cố đã hy sinh vì đạo pháp dân tộc, các anh hùng liệt sĩ đã hy sinh vì độc lập tự do của dân tộc.
Buổi chiều, đồng bào Khmer mọi người đều cung thỉnh Chư tăng đến gia đình tụng kinh cầu siêu cho bàn thờ tổ tiên và những mộ phạm vi gia tộc mình thể hiện lòng thành kính tri ân đến tổ tiên, ông bà đã quá cố trong năm.
Tết Chôl Chnăm Thmây không chỉ thể hiện quan niệm của người Khmer về chu kỳ vận chuyển của năm, mà còn nhằm giáo dục con người về tấm lòng hiếu thảo, đoàn kết gắn bó thắt chặt tình đoàn kết thương yêu nhau trong phum sóc, cũng là dịp để mọi người gặp gỡ nhau chia phúc, chúc mừng, thăm hỏi, bàn bạc, trao đổi kinh nghiệp chuyện tương lai.