Kiến nghị xử lý trách nhiệm đối với những vi phạm tại Kho bạc Nhà nước

Đời sống - Ngày đăng : 21:15, 07/08/2014

Thanh tra Chính phủ vừa công bố Kết luận thanh tra số 1728 ngày 25/7/2014 về việc chấp hành chính sách, pháp luật tại Kho bạc nhà nước Việt Nam.

Theo đó, có rất nhiều vi phạm của một số địa phương trong cả nước liên quan đến việc điều tiết ngân sách Nhà nước không đúng tại kho bạc.

Nhiều dự án không có trong danh mục được tạm ứng vốn

Cụ thể, tại Kho bạc Nhà nước (KBNN) của 8 tỉnh, thành phố (gồm Hà Nội, Thái Nguyên, Yên Bái, Hà Tĩnh, Nghệ An, TP. Hồ Chí Minh, Bà Rịa -Vũng Tàu, Đắk Lắk) và Sở Giao dịch, đã có tình trạng điều tiết không đúng theo phân cấp ngân sách ở một số nơi với số tiền lên tới 130 tỷ đồng. Trong đó, điều tiết không đúng cho ngân sách Trung ương là 111,39 tỷ đồng; điều tiết không đúng cho ngân sách địa phương là trên 38,77 tỷ đồng.

Một số KBNN điều tiết không đúng phân cấp ngân sách Nhà nước thời kỳ từ năm 2010 đến tháng 6/2012 với số tiền trên 78 tỷ đồng. Kết luận thanh tra nêu rõ: Việc này không ảnh hưởng đến việc điều tiết ngân sách các cấp, nhưng phản ánh thông tin sai lệch về hoạt động của các ngành kinh tế quốc dân thông qua số liệu thu ngân sách Nhà nước. Từ đó có thể dẫn tới việc đưa ra những chính sách, quyết định không chuẩn khác khi điều hành nền kinh tế vĩ mô.

Kiến nghị xử lý trách nhiệm đối với những vi phạm tại Kho bạc Nhà nước

Thanh tra cũng phát hiện ra việc KBNN khá lỏng lẻo trong làm thủ tục, hồ sơ tạm ứng. Cụ thể, có 468 dự án của 17 tỉnh, thành phố không có trong danh mục dự án đề nghị tạm ứng được Bộ Tài chính phê duyệt nhưng đã được UBND tỉnh, thành phố cấp vốn ứng là hơn 1.176 tỷ đồng. Có 148 dự án của 14 tỉnh, thành phố được ứng vốn nhiều hơn số vốn được Bộ Tài chính phê duyệt trên 328 tỷ đồng. Có 381 dự án của 19 tỉnh, thành phố được ứng vốn ít hơn hoặc không được ứng theo phê duyệt của Bộ Tài chính hơn 1.765 tỷ đồng. Đáng chú ý, có 12 tỉnh, thành phố được KBNN tạm ứng vốn nhưng không giải ngân cho các dự án đã đề nghị tạm ứng mà nhập vào ngân sách tỉnh, thành phố trên 2.459 tỷ đồng.

Điển hình tại Yên Bái được Bộ Tài chính phê duyệt tạm ứng năm 2010 là 20 tỷ đồng, năm 2011 là 100 tỷ đồng nhưng UBND tỉnh không giải ngân cho các dự án mà nhập vào ngân sách tỉnh. Tỉnh Thái Nguyên, số vốn KBNN tạm ứng năm 2009 không giải ngân cho các dự án mà nhập vào ngân sách tỉnh là 122,806 tỷ đồng; tại TP. Hồ Chí Minh năm 2012 là 2.000 tỷ đồng…

Việc quản lý thu phí ứng vốn của KBNN chưa thực hiện đúng quy định tại Thông tư số 49/2005/TT-BTC. Cụ thể, một số KBNN tỉnh (Vĩnh Long, Bình Định, Bắc Kạn, Đắk Nông) sau khi thu phí tạm ứng thì chậm nộp về KBNN để quản lý tập trung, chưa thu phí kịp thời theo quy định. Tính đến ngày 25/10/2012 tổng số phí tạm ứng vốn đến hạn phải thu nhưng chưa thu là hơn 2.123 tỷ đồng.

Không kiểm soát chi chặt chẽ một số hạng mục

Đối với việc kiểm soát chi đầu tư xây dựng cơ bản, hồ sơ kiểm soát chi tại một số KBNN còn có trường hợp chưa đầy đủ, thiếu một số giấy tờ, chữ ký theo quy định; thời gian kiểm soát chi vượt quá thời gian quy định; một số trường hợp giải ngân chưa đúng các điều khoản ghi trong hợp đồng; chưa kiểm tra việc quản lý, sử dụng tiền tạm ứng và thu hồi tiền tạm ứng theo quy định…

Một số chủ đầu tư, nhà thầu xây lắp, đơn vị tư vấn đã vi phạm quy định về đấu thầu; thanh toán không đúng chi phí tư vấn, chi phí quản lý dự án; ký hợp đồng xây lắp nội dung không đúng quy định về hợp đồng xây dựng; thanh toán không đúng khối lượng, đơn giá, chế độ xây dựng cơ bản…

Đặc biệt, việc kiểm soát chi mua sắm xe ôtô còn vi phạm quy định về lựa chọn nhà thầu; mua xe không đúng đối tượng, mục đích quy định. Thanh tra Chính phủ phát hiện một số trường hợp vi phạm như việc lựa chọn nhà thầu, mua sai đối tượng, vượt định mức quy định. Cụ thể có 65 cơ quan, đơn vị mua 73 chiếc ô tô không thực hiện việc đấu thầu; 5 cơ quan, đơn vị mua ôtô vượt định mức quy định là 539 triệu đồng. Ngoài ra, còn có 9 cơ quan đơn vị mua 9 chiếc ôtô vượt số lượng xe theo quy định, mua xe khi đã có văn bản chỉ đạo tạm dừng mua xe của Thủ tướng Chính phủ, sử dụng nguồn kinh phí tổ chức đền bù giải phóng mặt bằng để mua xe ôtô... Tổng số tiền vi phạm trên 5,6 tỷ đồng.

Với nhiều sai phạm được phát hiện, ngành Thanh tra đã kiến nghị các biện pháp xử lý về kinh tế và hành chính trong việc thu hồi về tài khoản tạm giữ của Thanh tra Chính phủ số tiền 4,492 tỷ đồng và yêu cầu KBNN tỉnh Yên Bái thu hồi 800 triệu đồng cho ngân sách Nhà nước. Đồng thời, kiến nghị Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo Bộ Tài chính tiến hành kiểm điểm trách nhiệm trong việc phê duyệt tạm ứng vốn KBNN cho các địa phương không có danh mục dự án, không đúng đối tượng tạm ứng theo quy định tại Thông tư số 49/2005 của Bộ Tài chính; chỉ đạo UBND các tỉnh, thành phố tiến hành kiểm điểm trách nhiệm trong việc vi phạm quy định về tạm ứng vốn KBNN nêu trong kết luận thanh tra; chỉ đạo Bộ GTVT tiến hành kiểm điểm trách nhiệm đối với tập thể và cá nhân có liên quan (Cục giám định quản lý chất lượng công trình giao thông, Ban quản lý dự án 85 thuộc Bộ GTVT) trong việc thẩm định, phê duyệt phương án thi công điều chỉnh dự toán bổ sung gói thầu số 2 “Nạo vét luồng và khu quay trở tàu” thuộc dự án xây dựng bến số 2 Cảng Vũng Áng giai đoạn 2 không đúng quy định. Chỉ đạo UBND tỉnh, thành phố tiến hành kiểm điểm trách nhiệm trong việc vi phạm quy định tạm ứng vốn KBNN.

TTCP kiến nghị KBNN tiến hành kiểm điểm trách nhiệm của Tổng Giám đốc, Phó Tổng Giám đốc KBNN thời kỳ thanh tra trong việc chỉ đạo, điều hành hoạt động của KBNN đã để xảy ra những vi phạm nêu trong kết luận thanh tra. Yêu cầu Tổng Giám đốc KBNN tiến hành kiểm điểm, xem xét, xử lý trách nhiệm đối với lãnh đạo và các Vụ, đơn vị thuộc hệ thống KBNN đã để xảy ra những vi phạm trong việc hạch toán, điều tiết thu NSNN; ứng vốn KBNN, quản lý điều hòa vốn KBNN; thu tiền lãi tại các ngân hàng thương mại…

Mai Thoa