Những trận thủy chiến nổi tiếng trong lịch sử Việt Nam (kỳ 4): Trận Cửa Eo - Chúa Nguyễn xung trận
Đời sống - Ngày đăng : 08:36, 01/08/2014
Đây là lần đầu tiên trong lịch sử, thủy quân Việt Nam đã đánh thắng một lực lượng thủy quân của châu Âu.
•Thuỷ quân Việt Nam đã đánh thắng một lực lượng thủy quân của châu Âu
Đàng Ngoài nhờ cậy Hà Lan
Trong thời kỳ Trịnh-Nguyễn phân tranh, chúa Trịnh đã 3 lần cử đại binh vào Nam đánh chúa Nguyễn (tới năm 1637) nhưng đều phải chịu thất bại. Nhận ra rằng khó mà có thể đánh bại được Chúa Nguyễn bằng chính sức lực của mình, để giành được chiến thắng, chúa Trịnh Tráng gửi một bức thư cho Toàn quyền Đông Ấn Hà Lan tại Batavia (Jakarta ngày nay) có tên Anthony van Diemen. Bức thư cho biết Trịnh Tráng muốn phía Hà Lan chuyển cho ông 2 hoặc 3 tàu, 200 lính bắn giỏi để giúp chúa Trịnh.
Ngoài ra chúa Trịnh còn cần người Hà Lan gửi cho Đàng Ngoài 50 thuyền chiến với binh lính chọn lọc và đại bác có sức công phá mạnh để cùng quân Trịnh đi đánh Đàng Trong. Để đổi lại sự giúp đỡ này, chính quyền Đàng Ngoài sẽ tặng cho binh lính Hà Lan 20.000-30.000 lạng bạc. Ngoài ra, chúa Trịnh Tráng cũng hứa hẹn với người Hà Lan rằng ông sẽ tặng luôn Quảng Nam cho họ cai trị và bắt dân chúng Đàng Trong phải nộp cống cho Toàn quyền Đông Ấn Hà Lan và phía Hà Lan sẽ chia cho Đàng Ngoài một ít để hai bên cùng có lợi.
Ngày 14/5/1641, Toàn quyền Đông Ấn Hà Lan chuyển cho Trịnh Tráng biết rằng họ đã sẵn sàng cử tàu tới phối hợp cùng quân Trịnh xâm chiếm Đàng Trong.
Tháng 11 cùng năm, hai tàu Hà Lan là chiếc Gulden Buis và Maria de Medici bị đắm ở vùng biển Đàng Trong, sát Cù lao Chàm. 82 người Hà Lan sống sót đều bị bắt giam ở Hội An và chính quyền Đàng Trong tịch thu cả 2 chiếc tàu. Đầu năm 1642, phía Hà Lan đã bắt được tổng cộng 120 người dân Đàng Trong để ngỏ ý muốn trao đổi với những người Hà Lan đang bị chúa Nguyễn Phúc Lan giam giữ. Tuy nhiên, trong khi phía Hà Lan đã thả hết người thì phía Đàng Trong từ chối trả người nếu Công ty Đông Ấn không chịu giao luôn viên đại diện của họ Trịnh. Phía Hà Lan từ chối vì không muốn bỏ rơi sứ thần Đàng Ngoài. Đàm phán thất bại và phía Hà Lan giữ luôn 2 người được chính quyền Nguyễn ở Phú Xuân cử đi (1 ông quan và 1 thông dịch viên tên là Francisco). Sau đó, đại diện Hà Lan là Jacob Van Liesvelt nhổ neo về Batavia.
Tháng 5 năm 1642, Công ty Đông Ấn Hà Lan cử 5 tàu cùng 125 thủy thủ và 70 binh lính do Jan Van Linga chỉ huy đi lùng bắt dân chúng Đàng Trong ở ven biển và dọa sẽ giết hết một nửa và đem những người còn lại về Đàng Ngoài nếu đề nghị của họ bị bác bỏ trong 48 tiếng. Sau đó, tất cả bọn họ tiến lên phía Bắc, nơi biên giới với Đàng Ngoài và chờ quân Trịnh tới phối hợp.
Chiến thuyền của Hà Lan
Ngày 3 tháng 5 năm 1642, người Hà Lan cập vịnh Quy Nhơn, đốt nhà và kho thóc rồi bắt 38 người. Jan Van Linga quyết định dùng vũ lực để giải quyết dứt khoát chuyện Đàng Trong bắt giữ và giam cầm những người Hà Lan lúc trước. Dù vậy, họ chỉ bắt được thêm 11 người trong 10 ngày sau đó. Jacob Van Liesvelt đề nghị tiến tới Cù lao Chàm để bắt thêm người nhưng cư dân tại đây đã báo cho quan trên và trinh sát của chúa Nguyễn Phúc Lan đã phát hiện được đoàn thuyền Hà Lan nên khi vừa tới nơi, mới bước lên bờ thì Jacob Van Liesvelt cùng 150 binh sĩ dưới quyền đã bị tấn công và hạ sát.
Có một điều mà người Hà Lan không biết là chúa Nguyễn Phúc Lan đã xem xét nghiêm túc sự đe dọa của người Hà Lan và ông đã thả 50 người từ tháng 3 năm 1642 nhưng mãi tới năm 1643 Công ty Đông Ấn Hà Lan mới biết chuyện này.
Chiến thắng vì lòng quả cảm
Tháng 7 năm 1643, một hạm đội Hà Lan do Pieter Baek dẫn đầu tiến vào Đàng Trong. Khi còn cách phía Nam sông Gianh 5 dặm thì họ bị 50 chiến thuyền của quân đội chúa Nguyễn tấn công. Theo Đại Nam thực lục tiền biên thì sự kiện này lại xảy ra ở gần Cảng Eo (tức Thuận An, Phú Vang, Thừa Thiên - Huế ngày nay).
Trận chiến diễn ra ngày 7 tháng 7. Đoàn thuyền gồm 7 chiếc của người Hà Lan được chia làm hai nhóm. Nhóm 1 gồm 5 chiến thuyền tiến thẳng ra Đàng Ngoài để hội quân với chúa Trịnh. Nhóm 2 gồm ba chiến thuyền. Nhóm này do gió bão đánh dạt mà tình cờ chạy về phía Cảng Eo của Đàng Trong thay vì ra Đàng Ngoài.
Ngày 3 tháng 6 cả hai đoàn đều cùng xuất phát từ Batavia nhờ gió Nồm tiến lên. Ở phía Bắc, chúa Trịnh Tráng cũng đem đại binh Đàng Ngoài tới hơn 100.000 người có cả vua Lê đi cùng với Issac Davids tham gia trận chiến. Cả hai đoàn quân giao ước sẽ gặp nhau tại sông Gianh.
Khi đoàn thuyền của Baeck lên đường ra Đàng Ngoài thì tại Phú Xuân, chúa Nguyễn Phúc Lan đã biết được tin này. Sách Đại Nam thực lục đã ghi lại:
"Bấy giờ, giặc Ô Lan đậu thuyền ngoài biển, cướp bóc lái buôn. Quân tuần biển báo tin. Chúa đương bàn kế đánh dẹp. Thế tử (tức Nguyễn Phúc Tần) tức thì mật báo với chưởng cơ Tôn Thất Trung (con thứ tư của Hy Tông), ước đưa thủy quân ra đánh. Trung lấy cớ chưa bẩm mệnh, ngần ngại chưa quyết. Thế tử tự đốc suất chiến thuyền của mình tiến thẳng ra biển. Trung bất đắc dĩ cũng đốc suất binh thuyền theo đi, đến cửa biển thì thuyền của thế tử đã ra ngoài khơi. Trung lấy cờ vẫy lại, nhưng thế tử không quay lại. Trung bèn giục binh thuyền tiến theo. Chiếc thuyền trước sau lướt nhanh như bay, giặc trông thấy thất kinh hoảng sợ"
Theo những sử sách của Việt Nam thì chúa Thượng (Nguyễn Phúc Lan) họp quần thần chưa rõ có nên đưa chiến thuyền của ông ra đánh người Hà Lan hay không thì những người này không dám hứa là chắc thắng. Khi ông hỏi một người Hà Lan đang giúp việc thì người này trả lời: "Tàu Hà Lan chỉ sợ mãnh lực và quân đội của trời thôi". Điều này khiến ông cảm thấy bị xúc phạm nên Nguyễn Phúc Lan và Thế tử Nguyễn Phúc Tần tự mình thân hành đến Cửa Eo, ra lệnh cho thuỷ quân chèo thuyền ra đánh thẳng vào 3 chiếc tàu của Hà Lan.
Bốn mặt tàu Hà Lan đều bị tấn công. Nhờ thuyền nhỏ cơ động, nhanh nhẹn nên mặc dù bị một số đạn, thuyền Việt Nam vẫn bao vây tấn công vào tàu Hà Lan quyết liệt. Thủy quân của Đàng Trong nhờ thuyền nhỏ hơn, nhanh nhẹn và lại đông hơn hẳn nên mặc dù bị một số đạn, họ vẫn có thể bao vây tấn công vào tàu Hà Lan. Chiếc nhỏ nhất luồn lách để tìm đường rút lui. Chiếc thứ hai bị đâm vào đá, cả đoàn thuỷ thủ và tàu chìm nghỉm xuống biển. Chiếc thứ ba lớn nhất chống cự lại quyết liệt nhưng bị các thuỷ quân chúa Nguyễn bám sát, tràn lên tàu bẻ bánh lái. Một số nhảy lên tàu, chặt gãy cột buồm. Bị dồn vào thế tuyệt vọng, thuyền trưởng Hà Lan cho nổ kho thuốc súng. Có 7 thủy thủ trên tàu nhảy xuống biển, cố bơi thoát nhưng đều bị bắt lại. Nhà nghiên cứu Buch ghi lại chi tiết hơn, ông ghi rằng sau tàu Wijdenes bị nổ tung vì chính kho thuốc súng dự trữ của nó, tất cả thủy thủ trên tàu, kể cả Baeck đều chết.
Theo các ghi chép lại của Giáo sĩ Alexandre de Rhodes năm 1651thì: Đoàn tàu (Hà Lan) vô ý tới gần một hải cảng Đàng Trong vì bị gió đánh dạt, đúng lúc tình cờ Chúa đang có mặt với mấy thuyền chiến. Chúa nhận thấy đây là viện trợ người Hoà Lan gửi chúa Đàng Ngoài để gây chiến. Cơn giận nổi lên (như thể chúng dám táo bạo thách thức ở biên giới), chúa liền bàn xem có nên cho thuyền đuổi theo. Chúa hỏi ý kiến một người Hà Lan mấy năm nay sống sót sau cơn bão biển và ở lại phục vụ Chúa lo việc binh đao. Tên lính này kiêu căng và khinh thị đáp rằng đoàn tàu này chỉ sợ có thế lực và thịnh nộ võ khí của ông Trời. Tức giận vì thái độ hỗn xược, chúa không thèm đáp, nhưng ra lệnh cho các thuyền trưởng lập tức cho nhổ neo rời bến và tấn công đoàn tàu Hà Lan trông rõ ngoài khơi. Nhờ lúc này biển lặng, chỉ có gió nhẹ thổi, nên việc tấn công mang lại kết quả: chỉ có chiếc tàu nhỏ hơn cả của người Hà Lan nhờ gió nhẹ thổi mà chạy thoát, còn chiếc kia muốn chạy trốn đoàn thuyền rượt theo, mất hướng đụng phải cồn vỡ tan và chìm dưới làn sóng. Chiếc thứ ba lớn hơn hết dĩ nhiên nặng nề hơn cả, gió không đẩy nổi, liền bị bốn thuyền chiến bao vây và chiếm giữ, sau khi hết sức chống cự và bắn vô hiệu vào đoàn thuyền chiến rất thấp đã tới sát nách. Tay lái và cột buồm bị phá. Trong cơn nguy khốn cùng cực, thuyền trưởng và lính Hà Lan mất hết hy vọng cứu thoát giữa biển khơi, liền châm lửa vào kho thuốc súng đốt chiếc tàu cùng thuỷ thủ, tất cả chừng hai trăm, trừ bảy người tránh ngọn lửa nhảy xuống biển trôi theo làn sóng, được thuyền chiến Đàng Trong vớt và đem đi trình chúa ở trên bến đang đợi đoàn tàu chiến thắng trở về.
Chúa thấy bảy người Hà Lan thoát hoả tai và đắm tàu chiến quỳ phục dưới chân, liền quay về phía người Hà Lan xấc xược đã khoe tàu nước họ vô địch và chế giễu hắn:"Này ngươi, hãy hỏi xem lính nước ngươi ở đâu mà đến?". Xấu hổ, hắn lí nhí trong miệng và run sợ thưa: "Chúng thoát nạn do tàu chiến của Chúa đánh bại tàu người Hà Lan." Chúa tiếp:"Thế thì chẳng phải đợi thế lực võ trang của Trời để thắng, vì đoàn thuyền chiến của ta đủ để phá vỡ".
Rồi Chúa truyền cho binh sĩ của Chúa:"Bớ ba quân, bây giờ hãy chặt đầu tên kiêu căng và gỡ cho thế giới thoát khỏi loài sâu bọ không đáng sống này".
Trận đánh quyết định
Đây là lần đầu tiên trong lịch sử, thuỷ quân Việt Nam đã đánh thắng một lực lượng thủy quân của Châu Âu. Theo nhà nghiên cứu Lê Thành Khôi thì trong trận này tàu Wijdenes bị triệt tiêu, Baek bị giết, 2 tàu khác phải mở đường mà tháo chạy. Theo Đại Nam thực lục tiền biên thì quân đội chúa Nguyễn được chuẩn bị sẵn vì một nhóm trinh sát gọi là hải tuần đã mật báo từ trước.
Sau trận chiến này, phía Hà Lan kết luận rằng "Chúa của Đàng Ngoài đã ngán ngẩm chiến tranh Đàng Trong rồi".
Công ty Đông Ấn Hà Lan, với một lực lượng hải thuyền khá mạnh, trang bị vũ khí tối tân (vào thời bấy giờ), đã chinh phục được Batavia và vùng quần đảo Indonesia nhưng không thể chiến thắng được Đàng Trong chứng tỏ quân đội chúa Nguyễn khá mạnh, giúp Chúa Nguyễn thắng thế trong cuộc chiến với họ Trịnh vào thế kỷ 18.
Sau trận này, Công ty Đông Ấn Hà Lan không còn gửi tàu bè đến Đàng Trong. Đến năm 1648, khi chúa Nguyễn Phúc Tần, thay cha cầm quyền (cầm quyền ở Đàng Trong 1648-1687), muốn thương lượng với người Hà Lan thì Công ty Đông Ấn Hò Lan mới gởi đại diện đến Đàng Trong.