NÓNG 24h: Máy bay Mỹ 2 lần bay qua khu vực giàn khoan Trung Quốc; Không phạt đội mũ bảo hiểm rởm
Đời sống - Ngày đăng : 07:52, 02/07/2014
Máy bay Mỹ 2 lần bay qua khu vực giàn khoan Trung Quốc
Theo thông tin từ Bộ Tư Lệnh CSB Việt Nam, từ 8h 35'đến 10h 34' ngày 30/6, các tàu Cảnh sát biển Việt Nam làm nhiệm vụ tại Hoàng Sa đã phát hiện máy bay EP3 của Mỹ bay qua khu vực giàn khoan Hải Dương-981 (Haiyang Shiyou) ở độ cao khoảng 200m.
Sau đó, từ 10h46' tới 12h 56' cùng ngày, Cảnh sát biển tiếp tục phát hiện máy bay RC135 của Mỹ bay ở độ cao 3.000m.
Ngoài ra, lực lượng chấp pháp trên biển Việt Nam cũng phát hiện một máy bay cánh bằng không rõ số hiệu khác bay ở độ cao 200m.
Cũng theo thông tin tổng hợp từ Bộ Tư lệnh Cảnh sát biển, trong ngày 30/6, Trung Quốc đã sử dụng 118 tàu bảo vệ, 5 tàu chiến, 41 tàu hải cảnh, 3 tàu hải giám, 18 tàu kéo, 15 tàu vận tải và 33 tàu cá hoạt động xung quanh giàn khoan Hải Dương-981.
Các tàu Cảnh sát biển mang số hiệu 9001, 9002, 8003, 4032, 4033, 4034 của Việt Nam vẫn kiên trì cơ động, tiếp cận giàn khoan Hải Dương-981 để tổ chức tuyên truyền, quay phim chụp ảnh khẳng định chủ quyền.
Không phạt đội mũ bảo hiểm rởm
Người phát ngôn của Chính phủ khẳng định, không xử phạt những người đội mũ bảo hiểm kém chất lượng.
Trước đó, theo quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ - đường sắt, từ ngày 1/7, người đi xe máy (kể cả xe máy điện) đội mũ bảo hiểm không đạt chuẩn sẽ bị phạt 100.000-200.000 đồng.
Mũ bảo hiểm phải có cấu tạo đủ 3 bộ phận: vỏ mũ, đệm hấp thụ xung động bên trong vỏ mũ (đệm bảo vệ) và quai đeo. Mũ bảo hiểm phải được gắn dấu hợp quy CR, có ghi nhãn hàng hóa, tên và địa chỉ cơ sở sản xuất, cỡ mũ; tháng, năm sản xuất.
Tuy nhiên, thông tin từ người phát ngôn của Chính phủ, Bộ trưởng Nguyễn Văn Nên tại cuộc họp báo thường kỳ tháng 6/2014, vừa diễn ra cuối ngày 1/7 lại khẳng định sẽ không xử phạt những người đội mũ bảo hiểm kém chất lượng.
Bộ trưởng Nguyễn Văn Nên cũng cho rằng, thông tin về xử phạt người đội mũ bảo hiểm kém chất lượng thời gian qua “làm cho người dân bất an”. Bộ trưởng đề nghị phóng viên nói lại cho người dân yên tâm rằng, Chính phủ đã bàn và thống nhất, chỉ xử phạt hai hành vi gồm “không đội mũ bảo hiểm và đội mũ nhưng không cài dây”.
Công bố 14.000 điện thoại bị nghe lén?
Chiều 1/7 Công an Hà Nội và Sở TT&TT đã thông tin với báo chí về vụ Công ty Việt Hồng tổ chức nghe lén 14 nghìn điện thoại.
Qua kiểm tra 40 điện thoại đầu tiên bị nghe lén, ông Dương Văn Giáp - rưởng phòng CSHS Công an thành phố Hà Nội cho biết, phần lớn các trường hợp này để liên quan đến đời tư, chứ chưa liên quan đến an ninh quốc gia. Đây là lời cảnh tỉnh cho những công ty viết bán phần mềm. Bên cạnh đó, người dân cũng không nên đi thuê người khác cài phần mềm nghe lén điện thoại của người khác vì điều này cũng là vi phạm pháp luật.
Đối với trách nhiệm của nhà mạng hiện giờ chưa có căn cứ xử lý. Việc xử lý thế nào phải điều tra xem trách nhiệm đến đâu. Bên cạnh đó đến giờ vẫn chưa có căn cứ nào chứng minh giám đốc Công ty Việt Hồng có liên quan đến vi phạm trong vụ án này.
Trả lời câu hỏi của phóng viên có nên công bố công khai 14 nghìn điện thoại bị nghe lén, ông Giáp cho biết đây là vấn đề tế nhị. "Nếu vợ hoặc chồng biết mình bị nghe trộm sẽ bỏ nhau luôn. Có công bố hay không phải xin ý kiến của lãnh đạo”.
Nổ bom liên tiếp tại dinh tổng thống Ai Cập, 5 người thương vong
Vụ nổ bom thứ ba tại Dinh Tổng thống Ai Cập, ở phía Đông Cairo, đã sát hại thêm một cảnh sát, một thời gian ngắn sau khi hai quả bom phát nổ trước đó trong sáng 30/6.
Phát biểu trong cuộc họp báo cùng ngày, Bộ trưởng Nội vụ Mohamed Ibrahim tuyên bố sẽ tiếp tục cuộc chiến chống khủng bố và khẳng định: "Những hành động hèn nhát sẽ làm cho cảnh sát quyết tâm hơn để đối đầu với chủ nghĩa khủng bố đang cố gắng gây mất an ninh và an toàn của người Ai Cập."
Kể từ khi chính quyền của Tổng thống Hồi giáo Mohamed Moisi bị quân đội lật đổ vào ngày 3/7/2013 và việc giải tán các trại biểu tình tại Quảng trường Rabaa Al-Adawiya và Al-Nahda của những người Hồi giáo ủng hộ ông Morsi, đã xẩy ra nhiều cuộc tấn công vào lực lượng an ninh, làm ít nhất 500 cảnh sát và quân đội bị thiệt mạng.
Nhóm Agnad Misr, chính thức bị một Tòa án Ai Cập liệt vào danh sách tổ chức khủng bố trong tháng 5/2014, trước đó đã nhận trách nhiệm về một số vụ tấn công, trong đó có vụ đánh bom tại Đại học Cairo trong tháng 4 vừa qua.