Kinh tế

Thanh Hóa thu ngân sách quý I ước đạt 10.382 tỷ đồng

Thanh Phương 14/04/2023 - 16:17

Tại cuộc Họp báo thông tin tình hình kinh tế- xã hội quý I năm 2023 vào chiều 14/4, lãnh đạo tỉnh Thanh Hóa đã thông tin nhiều nội dung quan trọng diễn ra trong 3 tháng đầu năm. Theo đó thu ngân sách Nhà nước trên địa bàn ước đạt 10.382 tỷ đồng, giảm 20% so với cùng kỳ.

Theo đánh giá, trong quý I, có nhiều khó khăn thử thách kìm hãm sự phát triển. Tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm trên địa bàn tỉnh (GRDP) quý I/2023 ước đạt 6,21%.

Tỉnh đã đưa vào hoạt động một số dự án chăn nuôi quy mô lớn trong lĩnh vực nông nghiệp như: Khu liên hợp sản xuất, chăn nuôi công nghệ cao Xuân Thiện Thanh Hóa; Dự án Chăn nuôi bò sữa quy mô công nghiệp tại tỉnh Thanh Hóa; Khu chăn nuôi lợn giống và thương phẩm ứng dụng công nghệ cao DABACO Thanh Hóa...

hopbaothuongky.jpg
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa Đầu Thanh Tùng chủ trì buổi họp báo

Sản xuất công nghiệp - xây dựng tuy phải đối mặt với những biến động khó lường từ các thị trường trong nước và thế giới; song các doanh nghiệp đã nỗ lực khắc phục khó khăn về nguồn nguyên, vật liệu, tìm kiếm thị trường tiêu thụ, tập trung đẩy mạnh sản xuất ngay từ đầu năm, có thêm một số cơ sở công nghiệp mới đi vào hoạt động, nên sản xuất công nghiệp vẫn duy trì đà tăng trưởng.

Chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) ước tăng 4,55% so với cùng kỳ; có 17/26 sản phẩm công nghiệp chủ yếu tăng so với cùng kỳ. Công tác lập, trình phê duyệt quy hoạch được các đơn vị tích cực thực hiện.

Quy hoạch tỉnh Thanh Hóa thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2045 và Quy hoạch chung đô thị Thanh Hóa, tỉnh Thanh Hóa đến năm 2040 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Đây là tỉnh thứ 4 được phê duyệt quy hoạch tỉnh theo quy định của Luật Quy hoạch.

a4hopbaothanhhoa.jpg
Tháng 4/2023, Thanh Hóa sẽ khai trương nhiều khu du lịch biển nổi tiếng

Các ngành dịch vụ tiếp tục phát triển, doanh thu bán lẻ hàng hóa và một số ngành dịch vụ tăng 18% so với cùng kỳ. Tổng lượng khách du lịch quý I ước đạt 2,249 triệu lượt, tăng 26% so với cùng kỳ; doanh thu du lịch tăng 24,5%.

Hoạt động vận tải tăng trưởng cao, vận chuyển hành khách tăng 66,2%; vận tải hàng hóa tăng 30%, doanh thu vận tải tăng 35,4% so với cùng kỳ.

Huy động vốn của các tổ chức tín dụng, tăng 4,2% so với đầu năm; tổng dư nợ tăng 0,4%. Các tổ chức tín dụng đã thực hiện cho vay theo gói hỗ trợ 2% lãi suất từ nguồn ngân sách Nhà nước đối với 182 khách hàng với dư nợ 884,5 tỷ đồng. Thu ngân sách Nhà nước trên địa bàn ước đạt 10.382 tỷ đồng, bằng 29% dự toán và giảm 20% so với cùng kỳ.

Trên địa bàn tỉnh đã thu hút được 14 dự án đầu tư (1 dự án F1) với tổng số vốn đăng ký đầu tư khoảng 7.738 tỷ đồng và 1 triệu USD, điều chỉnh tăng vốn 1 dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài với tổng vốn 42 triệu USD. Huy động vốn đầu tư phát triển ước đạt 32.526 tỷ đồng, bằng 23,2%.

a3hopbaothanhhoa.jpg
Thanh Hóa thành lập 5 tổ công tác để thúc giải ngân đầu tư công

Kế hoạch vốn đầu tư công năm 2023 do tỉnh quản lý đã được giao  chi tiết sớm ngay từ đầu năm, tạo điều kiện thuận lợi cho các đơn vị xây dựng, ban hành kế hoạch chi tiết tiến độ thực hiện, phân công lãnh đạo đơn vị chịu trách nhiệm theo dõi tiến độ của từng dự án. Đến ngày 20/3, giá trị giải ngân ước đạt 1,203,2 tỷ đồng, bằng 11,5% kế hoạch (KH) vốn đã giao.

Đến ngày 20/3, có 471 doanh nghiệp đăng ký thành lập mới, đạt 15,7% KH, đứng đầu các tỉnh Bắc Trung Bộ và thứ 8 các nước, có 270 doanh nghiệp đăng ký quay trở lại hoạt động. Đã giải quyết việc làm cho 13 500 lao động, cấp mới, cấp lại, gia hạn giấy phép lao động cho 247 lao động muốn ngoài làm việc tại tỉnh.

Công tác giảm nghèo và an sinh xã hội được quan tâm thực hiện đã tố chức chi trả trợ cấp ưu đãi đối với gần 3 nghìn người có công với cách mạng và thân nhân người có công với cách mạng, chi trả trợ cấp xã hội đối với khoảng 199 nghìn đối tượng và gia đình chăm sóc, nuôi đuông đối tượng bảo trợ xã hội.

Theo đánh giá, thời gian tới vẫn còn nhiều khó khăn, thử thách, cả hệ thống chính trị phải tiếp tục triển khai quyết liệt, đồng bộ, quyết liệt các nhiệm vụ, giải pháp đã được đề ra.

Nắm bắt tình hình sản xuất, kinh doanh, kịp thời hỗ trợ, giải quyết các khó khăn, vướng mắc, tạo thuận lợi cho các doanh nghiệp đẩy mạnh hoạt động sản xuất, nhất là các doanh nghiệp có đóng góp lớn cho tăng trưởng kinh tế, thu ngân sách và giải quyết việc làm cho nhiều lao động.

Tập trung thực hiện đồng bộ các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp về bất cập vốn vay, đơn giá vật liệu xây dựng, vật liệu san lấp trong triển khai thực hiện các dự án đầu tư, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc về công tác phòng cháy, chữa cháy… Đẩy mạnh cải cách hành chính, tạo môi trường đầu tư kinh doanh thông thoáng, hấp dẫn, tập trung khắc phục những tồn tại, hạn chế.

Siết chặt kỷ luật, kỷ cương hành chính, nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của cơ quan Nhà nước các cấp và vai trò của người đứng đầu trong chỉ đạo, điều hành các hoạt động của cơ quan, địa phương, đơn vị. Tăng cường kiểm tra, giám sát việc thực hiện nhiệm vụ, xử lý nghiêm các trường hợp gây khó khăn, phiền hà trong thực thi công vụ, đảm bảo hiệu lực, hiệu quả trong công tác chỉ đạo, điều hành và tính nghiêm minh của pháp luật. Nâng cao chất lượng hiệu qua công tác thanh tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo, phòng chống tham nhũng…

Thanh Phương