Người chăn nuôi mòn mỏi chờ tiền hỗ trợ dịch tả lợn châu Phi
Bị ảnh hưởng nặng nề bởi dịch tả lợn châu Phi nên thời điểm hiện tại, các hộ chăn nuôi đang trong cảnh "tiến thoái lưỡng nan". Vừa khó khăn về vốn để tái đàn, vừa phải đối diện với nguy cơ dịch bệnh quay lại.
Gia đình ông Phan Văn Nghĩa (ở xóm Hợp Xuân, xã Hồng Thành, huyện Yên Thành, tỉnh Nghệ An) đầu tư chăn nuôi 100 con lợn (trong đó có 8 con lợn đẻ, 46 con lợn nhỡ từ 25-30kg/con, và lợn con) với hy vọng gia đình có thêm nguồn thu nhập.
Thế nhưng đầu năm 2022, đàn lợn trong chuồng nhà ông Nghĩa có biểu hiện ốm, bỏ ăn rồi chết dần. Ông Nghĩa liền báo chính quyền địa phương. Sau đó, cán bộ Thú y ở huyện về lấy mẫu xét nghiệm. Kết quả xét nghiệm dương tính với dịch tả lợn châu Phi.
“Chỉ trong vòng chưa đầy một tháng, đàn lợn của gia đình chết sạch. Tổng thiệt hại khoảng 250 triệu đồng. Giờ tôi và nhiều người chăn nuôi khác rất mong nhận được tiền hỗ trợ khi lợn bị dịch bệnh, để có thể vớt vát phần nào thiệt hại, hay có vốn để tái đàn”, ông Nghĩa cho biết.
Lợn chết, gia đình vừa mất công vừa mất của. Số tiền mua cám cho lợn ăn vừa rồi ông mới trả hết. Giờ đây, thay vì tiếp tục tái đàn, ông Nghĩa chỉ nuôi 2 con lợn để ăn thịt, một phần vì khó khăn về vốn, phần vì không biết dịch sẽ quay lại lúc nào. Số chuồng trại trước đây chăn nuôi, bây giờ phần lớn bỏ không, hay tận dụng làm nơi chứa đồ vặt.
Là xã bị dịch tả lợn châu Phi hoành hành kéo dài ở huyện Diễn Châu (Nghệ An). Đến nay người chăn nuôi ở xã Diễn Nguyên (huyện Diễn Châu) đang trông chờ chính sách hỗ trợ từ cấp trên, để có thể tiếp tục chăn nuôi hay trang trải nợ nần.
Bởi những hộ chăn nuôi nhỏ lẻ thì thiệt hại ít, còn với những hộ chăn nuôi quy mô lớn, khi dịch “quét qua” coi như trắng tay.
Không chăn nuôi số lượng lớn như hộ ông Nghĩa, nhưng chị Nguyễn Thị Bình (trú ở xóm Tân Phong, xã Diễn Nguyên, huyện Diễn Châu) cũng cảm thấy “sốt ruột” vì đến nay chưa có hỗ trợ gì khi gia đình tiêu hủy lợn do bị dịch tả lợn châu Phi.
Chị Bình cho biết: “Cuối năm 2021, đàn lợn của gia đình gồm 3 lợn đẻ trọng lượng khoảng 1,5 tạ/con và 7 con lợn nhỡ từ 40-50kg/con bị ốm, sau đó phải tiêu hủy do bị dịch tả lợn châu Phi. Gia đình thiệt hại cả đàn lợn có giá trị khoảng 30 triệu đồng. Đến nay, không chỉ tôi mà nhiều người dân đang vẫn đang trông chờ vào chính sách hỗ trợ”.
Sau khi gia đình báo cho chính quyền địa phương, cán bộ Thú y ở huyện cũng đã về lấy mẫu xét nghiệm, cân trọng lượng lợn chết và tiến hành tiêu hủy theo quy định.
Giờ đây, chị Bình chỉ nuôi khoảng chục con gà và một con bò, còn lại chuồng trại nuôi lợn thì đã phá bỏ để sử dụng vào mục đích khác.
Ông Đàm Xuân Chính – Chủ tịch UBND xã Diễn Nguyên cho biết: “Nhiều người dân có hỏi về chế độ hỗ trợ lợn bị dịch tả lợn châu Phi, tuy nhiên địa phương cũng chỉ biết kiến nghị lên cấp trên để các cấp xem xét, bố trí kinh phí hỗ trợ”.
Việc chậm trễ trong chính sách hỗ trợ không chỉ ảnh hưởng đến việc tái đàn của người chăn nuôi, mà hơn thế nữa còn ảnh hưởng đến công tác phòng, chống dịch bệnh, khi nhiều hộ dân sẽ giấu dịch, hay bán tháo để vớt vát mất mát cho gia đình, ảnh hưởng đến vấn đề an toàn thực phẩm và khiến dịch bệnh có nguy cơ lây lan hơn.