Đời sống

Xây dựng nền báo chí, truyền thông chuyên nghiệp, nhân văn và hiện đại

Dương Vương 13/04/2023 12:41

Ngày 13/4, tại Khánh Hòa, Hội Nhà báo Việt Nam tổ chức Hội nghị toàn quốc tổng kết công tác năm 2022 và triển khai nhiệm vụ năm 2023.

Tham dự Hội nghị có Uỷ viên Trung ương Đảng, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà; ông Lê Quốc Minh - Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương, Tổng Biên tập Báo Nhân dân, Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam.

Tham dự còn có ông Lê Ngọc Quang - Ủy viên Trung ương Đảng, Tổng Giám đốc Đài Truyền hình Việt Nam; bà Vũ Việt Trang - Tổng Giám đốc Thông tấn xã Việt Nam; ông Trần Thanh Lâm - Phó trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương; ông Nguyễn Thanh Lâm - Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông; bà Trịnh Thị Thủy - Thứ trưởng Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch; lãnh đạo các cơ quan báo chí Trung ương và địa phương.

Về địa phương, có ông Nguyễn Hải Ninh - Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Khánh Hòa; ông Nguyễn Khắc Toàn - Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh; ông Nguyễn Tấn Tuân - Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa và các đơn vị trong tỉnh.

hoi_nghi_bao_chi_khanh_hoa-1-.jpg
Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà tham dự và chỉ đạo Hội nghị 

Phát biểu tại Hội nghị, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà ghi nhận sự đóng góp, cống hiến của người làm báo, góp phần ổn định xã hội và phát triển đất nước. Thời gian tới, các cấp hội cần định hướng các cơ quan báo chí bám sát thực tiễn sự nghiệp đổi mới, phát triển của đất nước, các vấn đề thời sự; phản ánh sâu sắc, sinh động hơi thở, nhịp đập của cuộc sống để có nhiều tác phẩm báo chất lượng, có tính chiến đấu cao, giá trị nhân văn sâu sắc, chân thực, chạm tới cảm xúc của khán giả, từ đó định hướng dư luận, tạo đồng thuận xã hội, không ngừng củng cố niềm tin của nhân dân vào Đảng, Nhà nước.

Thực hiện tốt vai trò là vũ khí sắc bén, là công cụ đắc lực của Đảng trên mặt trận tư tưởng, văn hóa; quán triệt tinh thần văn kiện Đại hội XIII của Đảng về “Xây dựng nền báo chí, truyền thông chuyên nghiệp, nhân văn và hiện đại”.

Các cơ quan báo chí cần xây dựng đội ngũ có tính chuyên nghiệp, có thể coi là những chuyên gia, người am hiểu sâu về lý luận, ngoại giao, kinh tế, nghệ thuật, công nghệ, chuyển đổi số…

Đầu tư nhiều hình thức thể hiện, chuyển tải đa dạng, phong phú để trở thành “món ăn tinh thần hàng ngày” không thể thiếu của không chỉ người dân mà cả các nhà quản lý. Mỗi người làm báo phải luôn không ngừng trau dồi kiến thức, học hỏi kinh nghiệm, cập nhật thông tin; năng động, sáng tạo, bắt kịp với sự thay đổi nhanh chóng của xu hướng công nghệ mới.

Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà đề nghị Hội Nhà báo Việt Nam phải tiên phong trong bồi dưỡng và xây dựng bản lĩnh chính trị cho các nhà báo, hội viên, đồng thời tạo lập không gian văn hóa trong hoạt động báo chí; từ đó, giúp chấn chỉnh những lệch chuẩn về đạo đức nghề nghiệp, nhân lên những giá trị nhân văn trong hoạt động báo chí.

hoi_nghi_bao_chi_khanh_hoa-2-.jpg
Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam Lê Quốc Minh phát biểu khai mạc Hội nghị.

Phát biểu khai mạc Hội nghị, ông Lê Quốc Minh - Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam khẳng định báo chí luôn là lực lượng xung kích tuyên truyền hiệu quả các chủ trương chính sách của Đảng và Nhà nước, gắn bó và đồng hành trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc; các cấp Hội Nhà báo Việt Nam luôn sát cánh cùng các hội viên, các cơ quan báo chí hoạt động một cách chủ động, hiệu quả, linh hoạt, bám sát cơ sở, phản ánh kịp thời, trung thực, khách quan các hoạt động của nhân dân và của cả hệ thống chính trị, góp phần rất quan trọng vào việc định hướng dư luận, tạo đồng thuận trong xã hội, củng cố niềm tin của nhân dân vào sự lãnh đạo của Đảng, Nhà nước.

Trong năm 2022, báo chí đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức. Tuy vậy, nền kinh tế - xã hội của đất nước có những chuyển biến phục hồi tích cực, đạt được những kết quả quan trọng và khá toàn diện trên nhiều lĩnh vực sau đại dịch Covid-19. Đây cũng là năm đầu tiên của nhiệm kỳ Đại hội XI Hội Nhà báo Việt Nam, các cấp Hội đã và đang nỗ lực phấn đấu thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội.

Hiện nay, toàn quốc có 254 tổ chức Hội được đổi, cấp thẻ; trong đó có 171 Chi hội trực thuộc Trung ương, 63 Hội Nhà báo các tỉnh/thành phố và 20 Liên Chi hội. Giai đoạn năm 2021-2026, có 20.677 hội viên được đổi thẻ.

Tính đến tháng 3/2023, Hội có 23.700 hội viên đang sinh hoạt tại 301 đơn vị. Riêng năm 2022, Hội đã kết nạp 1.816 hội viên, công nhận 1 Ban Chấp hành Hội Nhà báo tỉnh, 1 BCH Liên Chi hội và 26 Ban Thư ký Chi hội; kiện toàn 18 đơn vị cấp Hội. Thành lập 13 Chi hội Nhà báo trực thuộc Hội, giải thể 1 Chi hội, đổi tên 5 Chi hội, sáp nhập 3 Chi hội, xóa tên 498 hội viên.

Triển khai thực hiện kịp thời Chỉ thị 43-CT/TW ngày 08/4/2020 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với hoạt động của Hội Nhà báo Việt Nam trong tình hình mới; thực hiện Kế hoạch số 154/KH/BTGTW ngày 10/6/2022 của Ban Tuyên giáo Trung ương về phong trào thi đua “Xây dựng môi trường văn hóa trong các cơ quan báo chí” và triển khai công tác thi đua, khen thưởng.

hoi_nghi_bao_chi_khanh_hoa-4-.jpg
Đồng chí Tô Thị Lan Phương – Phó Tổng Biên tập Báo Công lý (áo trắng, ngồi giữa) cùng lãnh đạo các cơ quan báo chí tham dự Hội nghị.

Đối với công tác nghiệp vụ, Hội Nhà báo Việt Nam phối hợp với các đơn vị, tổ chức các Giải Báo chí toàn quốc “Báo chí với công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực”; Giải Báo chí toàn quốc về xây dựng Đảng (Búa liềm vàng lần thứ VII); Giải Báo chí về phòng chống thiên tai lần thứ 2; Giải Báo chí “Vì sự nghiệp giáo dục Việt Nam”; Giải Báo chí “Vì sức khỏe nhân dân” lần thứ nhất; Giải thưởng báo chí tuyên truyền về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả năm 2022;…

Đặc biệt, Giải Báo chí Quốc gia lần thứ XVI nhận được sự quan tâm tích cực của người làm báo, tham gia với 1.761 tác phẩm thuộc 11 loại giải tác phẩm báo chí; Lan tỏa không khí nhân kỷ niệm Ngày Báo chí cách mạng Việt Nam; Bồi dưỡng nghiệp vụ với 126 lớp học, trong đó có 9 lớp học do tổ chức nước ngoài tài trợ (chiếm 7%).

hoi_nghi_bao_chi_khanh_hoa-5-.jpg
Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà trao quyết định phê duyệt Điều lệ Hội Nhà báo Việt Nam.

Bên cạnh thành tựu báo chí đạt được, Hội nghị chỉ ra các tồn tại, hạn chế cần khắc phục về mô hình tổ chức bộ máy chưa thống nhất; hiện tượng vi phạm pháp luật và đạo đức nghề nghiệp người làm báo; công tác kiểm tra, giám sát chưa thường xuyên và chưa nghiêm khắc; ảnh hưởng tâm tư hội viên trong thực hiện Quy hoạch phát triển và quản lý báo chí toàn quốc đến năm 2025.

Phương hướng và nhiệm vụ trọng tâm năm 2023, Hội Nhà báo Việt Nam đưa ra kế hoạch 15 mục tiêu. Điển hình là việc đẩy mạnh thực hiện Chỉ thị 05 của Bộ Chính trị về “Tiếp tục học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh" nhằm nâng cao đạo đức, văn hóa người làm báo; thực hiện tốt công tác quy hoạch báo chí; bồi dưỡng nghiệp vụ và kỹ năng tác nghiệp; tổ chức tốt Giải Báo chí Quốc gia lần thứ XVII; Kỷ niệm 98 năm Ngày Báo chí cách mạng Việt Nam;…

Tham gia tham luận Hội nghị, có 21 bài trình bày liên quan về chuyển đổi số, kinh tế báo chí, chuẩn mực người làm báo, bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, nâng cao hoạt động và phát triển hội viên ở Hội Nhà báo các địa phương.

hoi_nghi_bao_chi_khanh_hoa-3-.jpg
Hội nghị với sự tham dự khoảng 500 đại biểu.

Tại Hội nghị, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà đã trao Quyết định số 375/QĐ-TTg ngày 12/4/2023 phê duyệt Điều lệ Hội Nhà báo Việt Nam.

Theo kế hoạch, chiều 13/4, Hội nghị tổ chức tổng kết công tác thi đua, khen thưởng năm 2022, triển khai nhiệm vụ năm 2023 và sơ kết công tác hỗ trợ báo chí chất lượng cao.

Dương Vương