OCOP cầu nối đưa các sản phẩm xứ Thanh ra thế giới
Hơn 300 sản phẩm OCOP đã được xếp hạng có đầy đủ mã số vùng trồng, sản xuất, quy trình sản xuất sạch từ trồng, thu hoạch, chế biến sau hơn 4 năm triển khai tại Thanh Hóa. Điều đó đã bắc cầu để các sản phẩm mang thương hiệu xứ Thanh ra thế giới. Người nông dân, đơn vị sản xuất được trang bị kiến thức, bảo vệ thương hiệu, có trách nhiệm với sản phẩm mình cung ứng ra thị trường.
OCOP sản phẩm gắn với thương hiệu và danh dự
Ngay sau khi Thủ tướng Chính phủ ký quyết định phê duyệt Chương trình OCOP tại Quyết định số 490/QĐ-TTg ngày 7/5/2018, UBND tỉnh Thanh Hóa đã ban hành các kế hoạch, quyết định phê duyệt và khởi động Chương trình OCOP và giao Văn phòng Điều phối Chương trình xây dựng nông thôn mới tỉnh này triển khai thực hiện.
Xác định công tác tuyên truyền, tập huấn là yếu tố tiên quyết, quan trọng để người dân hiểu để thực hiện, Văn phòng Điều phối Chương trình xây dựng nông thôn mới của tỉnh Thanh Hóa đã phối hợp với các cơ quan chức năng đẩy mạnh công tác tuyên truyền sâu rộng về nội dung Chương trình OCOP. Qua đó, giúp các cấp, ngành, địa phương, các thành phần kinh tế tư nhân, tập thể trên địa bàn tỉnh hiểu được mục đích, ý nghĩa, tầm quan trọng, nội dung, cách thức triển khai thực hiện Chương trình OCOP.
Sau hơn 4 năm triển khai, tỉnh Thanh Hóa đã tổ chức tập huấn cho trên 7.300 lượt người là lãnh đạo, chuyên viên các sở, ngành, hội, đoàn thể các cấp; các doanh nghiệp, hợp tác xã và các tổ chức, cá nhân trên địa bàn có liên quan đến Chương trình OCOP.
Bên cạnh đó, HĐND tỉnh Thanh Hóa đã ban hành Nghị quyết số 185/2021/NQ-HĐND, ngày 10/12/2021 về chính sách phát triển nông nghiệp, nông thôn, nông dân trên địa bàn tỉnh, giai đoạn 2022-2025, trong đó có các chính sách hỗ trợ phát triển sản phẩm OCOP. Các huyện, thị xã, thành phố trên địa bàn đã có cơ chế, chính sách hỗ trợ để thực hiện Chương trình OCOP.
Đến nay, tỉnh Thanh Hóa đã có 317 sản phẩm OCOP. Trong đó, có 1 sản phẩm xếp hạng 5 sao quốc gia, 51 sản phẩm OCOP đạt hạng 4 sao. Để các sản phẩm OCOP có chỗ đứng ở các “sân chơi” lớn, Thanh Hóa đã đẩy mạnh chuỗi liên kết, quảng bá, xúc tiến thương mại. Nhiều chương trình hội chợ, triển lãm thu hút sự chú ý, quan tâm của người tiêu dùng, thị trường, với các gian hàng giới thiệu sản phẩm OCOP tại: siêu thị Co.opMart, Khách sạn Sao Mai, Hội nghị toàn quốc tổng kết Chương trình OCOP giai đoạn 2018-2020 tại Hà Nội; bãi biển Sầm Sơn trong dịp khai trương hè Sầm Sơn…
Vươn mình ra thế giới
Thông qua các buổi giới thiệu sản phẩm, kênh bán hàng chính thức có nhiều sản phẩm OCOP của xứ Thanh vươn mình xuất khẩu như: Mắm tôm, mắm tép Lê Gia xuất khẩu vào thị trường Nga, Hàn Quốc, Đài Loan và Nam Phi; Đồ thủ công mỹ nghệ, các sản phẩm từ cói của Công ty CP Sản xuất và chế biến cói xuất khẩu Việt Anh, Công ty TNHH Việt Trang của huyện Nga Sơn xuất khẩu trực tiếp và bán tại các siêu thị ở Hoa Kỳ; Ghế tre thư giãn cao cấp của Công ty TNHH Sản xuất và thương mại BambooVina của huyện Hà Trung xuất khẩu đi các thị trường châu Âu…
Chương trình OCOP không chỉ giúp cho các doanh nghiệp, hợp tác xã, cơ sở sản xuất có nhiều thương hiệu mạnh, tạo nhiều việc làm, nâng cao thu nhập, phát triển kinh tế cho các địa phương, mà còn góp phần quan trọng để bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa trong từng nhóm sản phẩm đặc thù của từng địa phương.
Những gian hàng OCOP chính là tấm vé thông hành và cũng là sự cạnh tranh lành mạnh giữa các nhà sản xuất, khuyến khích được sự tham gia của cộng đồng. Khai thác, duy trì và phát huy được những giá trị tiềm năng của các nghề, làng nghề, làng nghề truyền thống, đặc sản vùng miền; tạo ra nguồn sản phẩm phong phú, đảm bảo về chất lượng, góp phần thiết thực vào thực hiện Chương trình Mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới.
Những người nông dân, các hợp tác xã được trang bị kiến thức, có trách nhiệm với từng sản phẩm của mình cung ứng ra thị trường. Trong đó có nhiều loại sản phẩm được chế biến từ nông, hải, thủy sản truyền thống. Đó là xu thế tất yếu khi các khâu trồng, sản xuất, đóng gói, bảo quản, giao hàng đều phải minh bạch, đảm bảo an toàn cho người sử dụng. Mỗi khâu chuẩn chỉ là mỗi bước vững chắc cho người dân trên con đường hội nhập quốc tế.
OCOP là tên viết tắt của cụm từ “One Commune One Product” được hiểu là “Mỗi xã một sản phẩm”. Thủ tướng Chính phủ ban hành OCOP như một chương trình phát triển kinh tế khu vực nông thôn nhằm thực hiện mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới và khuyến khích thực hiện trên phạm vi toàn quốc.