Sức Khỏe

Thủng ruột vì ăn táo đỏ cả hạt

Chí Tâm 12/04/2023 06:23

Sau khi ăn nguyên quả táo đỏ chưng cùng tổ yến mà không bỏ hạt, người phụ nữ bị sốt, đau bụng suốt 3 ngày.

Ngày 12/4, ThS.BS Tào Minh Châu - Khoa Phẫu thuật Cấp cứu Tiêu hóa, Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức cho biết, bệnh viện vừa phẫu thuật nội soi cấp cứu thành công trường hợp nữ bệnh nhân N.T.L.(67 tuổi, Hà Nội) thủng ruột do dị vật là hạt táo đỏ. 

phau-thuat.jpeg
Sức khỏe bệnh nhân ổn định sau ca phẫu thuật

Trước thời điểm nhập viện 3 ngày, bà L. có biểu hiện đau bụng, sốt. Khi đi khám tại một bệnh viện tư, bác sĩ chẩn đoán theo dõi dị vật ở ruột non.

Khi được chuyển đến Bệnh viện Việt Đức, bệnh nhân được chẩn đoán thủng ruột do dị vật.

Sau khi nhập viện, bà L. được các bác sĩ chỉ định mổ cấp cứu kịp thời bằng phương pháp phẫu thuật nội soi ổ bụng, qua đó xác định vị trí tổn thương ở ruột non do bị dị vật có đầu nhọn đâm thủng thành ruột. 

Dị vật được lấy ra là hạt táo đỏ cứng chắc, nhọn 2 đầu dài 2cm đâm thủng hai thành của quai ruột tổn thương.

Sau mổ 1 ngày, người bệnh tỉnh táo, mạch, huyết áp ổn định, không sốt, bụng đau nhẹ ở vị trí vết mổ và đã có thể ăn nhẹ.

Táo đỏ là thức ăn bổ dưỡng tốt cho sức khỏe thường được người dân sử dụng. Tuy nhiên, nếu không được sử dụng đúng cách sẽ gây hậu quả vô cùng nghiêm trọng.

ThS.BS Tào Minh Châu chia sẻ, ở bệnh nhân nói trên, phẫu thuật nội soi đã phát huy được những ưu thế như giúp đánh giá xác định tổn thương ổ bụng, xử lý tốt, tránh đường mổ mở dài, có tính thẩm mĩ cao. Sau phẫu thuật, người bệnh đỡ đau hơn, giảm nguy cơ nhiễm trùng vết mổ, có thể vận động được sớm sau mổ. Do đó, người bệnh sớm hồi phục hơn so với phương pháp mổ mở thông thường. 

Theo BS Châu, hạt táo đỏ cứng, 2 đầu sắc nhọn là dị vật nguy hiểm nếu ăn không nhằn hạt. Vì thế, mọi người khi ăn các loại quả có hạt nên bỏ hạt, nhất là với các hạt sắc nhọn 2 đầu như táo đỏ.

Chí Tâm