Hoàng Sa, chủ quyền Việt Nam không thể tranh cãi (Kỳ 3)

Đời sống - Ngày đăng : 15:53, 31/05/2014

Ngày 14/10/1950, Chính phủ Pháp chính thức chuyển giao quyền kiểm soát quần đảo Trường Sa và quần đảo Hoàng Sa cho chính phủ Quốc gia Việt Nam, do Bảo Đại đứng đầu.

Ngày 6/9/1951, tại Hội nghị San Francisco về Hiệp ước Hoà bình với Nhật Bản, vốn không chính thức xác định rõ các quốc gia nào có chủ quyền trên quần đảo, Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Quốc gia Việt Nam Trần Văn Hữu tuyên bố rằng cả quần đảo Trường Sa và quần đảo Hoàng Sa đều thuộc lãnh thổ Việt Nam, và không gặp phải kháng nghị hay bảo lưu nào từ 51 nước tham dự hội nghị. Tuyên bố này nhằm lợi dụng tất cả mọi cơ hội minh định trên diễn đàn quốc tế xác nhận chủ quyền đã có từ lâu đời trên quần đảo Spratlys và Paracels của nước Việt Nam, để dập tắt những mầm mống các tranh chấp sau này. Tại hội nghị này, đại biểu Liên Xô đã đề nghị trao hai quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa cho Trung Quốc, nhưng đề nghị này đã bị bác bỏ với 46 phiếu chống, 3 phiếu thuận và văn kiện của hội nghị ký ngày 8 tháng 9 năm 1951 chỉ ghi về hai quần đảo là"Nhật Bản từ bỏ mọi quyền, danh nghĩa và đòi hỏi đối với hai quần đảo".

Hoàng Sa, chủ quyền Việt Nam không thể tranh cãi (Kỳ 3)

Bia chủ quyền của Việt Nam ở quần đảo Hoàng Sa trước năm 1974

Năm 1954 - Hiệp định Geneva quy định lấy vĩ tuyến 17 làm ranh giới quân sự tạm thời (bao gồm cả trên đất liền và trên biển). Quần đảo Hoàng Sa nằm ở phía Nam vĩ tuyến 17, được giao cho chính quyền Quốc gia Việt Nam (Quốc trưởng Bảo Đại đứng đầu) quản lý.

Ngày 26/10/1956, Quốc hội Lập hiến Quốc gia Việt Nam chính thức ban hành Hiến pháp đổi tên Quốc gia Việt Nam thành Việt Nam Cộng hòa. Việt Nam Cộng hòa kế thừa Quốc gia Việt Nam quản lý quần đảo Hoàng Sa theo đúng công pháp quốc tế. Riêng hai đảo lớn nhất là Phú Lâm và Linh Côn đã bị Cộng hoà Nhân dân Trung Hoa đưa quân ra đóng trước khi quân đội Việt Nam Cộng hòa ra đóng quân. Việt Nam Cộng hòa đã đảm nhiệm việc quản lý hai quần đảo Hoàng Sa và quần đảo Trường Sa theo đúng trách nhiệm mà Hiệp định Gineva năm 1954 quy định.

Trong thời gian này, chính phủ Việt Nam Cộng hòa đã luôn khẳng định và duy trì các quyền chủ quyền của mình một cách liên tục và hoà bình đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa bằng các hoạt động nhà nước.

Ngày 1/6/1956, Ngoại trưởng Việt Nam Cộng hoà Vũ Văn Mẫu xác nhận lại chủ quyền của Việt Nam trên cả hai quần đảo.

Hoàng Sa, chủ quyền Việt Nam không thể tranh cãi (Kỳ 3)

Ngôi mộ của Cai đội thủy quân Hoàng Sa. (Ảnh: Công Đạt)

Ngày 22/8/1956, một đơn vị hải quân Việt Nam Cộng hòa cắm cờ trên quần đảo Trường Sa và dựng bia đá.

Năm 1956, Trung Quốc chiếm giữ toàn bộ phía Đông quần đảo Hoàng Sa bao gồm Phú Lâm và Linh Côn

Ngày 13/7/1961, Tổng thống Ngô Đình Diệm ban hành Sắc lệnh số 174 NV, trong đó ấn định: "Quần đảo Hoàng Sa thuộc tỉnh Quảng Nam. Một đơn vị hành chánh xã bao gồm trọn quần đảo này được thành lập và lấy danh hiệu là xã Định Hải trực thuộc quận Hòa Vang. Xã Định Hải đặt dưới quyền một phái viên hành chánh".

Ngày 21/10/1969, Thủ tướng Chính phủ Việt Nam Cộng hòa ký nghị định số 709-BNV/HCĐP để "Sáp nhập xã Định Hải thuộc quận Hòa Vang tỉnh Quảng Nam vào xã Hòa Long cùng quận".

Ngày 19/1/1974, quân đội Trung Quốc tấn công quân đồn trú Việt Nam Cộng hòa và cưỡng chiếm các đảo phía tây thuộc quần đảo Hoàng Sa trong trận Hải chiến Hoàng Sa năm 1974. Từ thời điểm này Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa chiếm đóng trái phép toàn bộ quần đảo Hoàng Sa.

Hoàng Sa, chủ quyền Việt Nam không thể tranh cãi (Kỳ 3)

Trạm Khí tượng Thủy văn trên đảo Hoàng Sa thời Việt Nam Cộng hòa

Ngày 20/1/1974, Chính phủ Cách mạng Lâm thời Cộng hòa Miền Nam Việt Nam (Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam) đã ra bản tuyên bố phản đối hành động này của phía Trung Quốc.

Ngày 14/2/1974, Việt Nam Cộng hòa ra tuyên cáo xác định chủ quyền đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa.

Năm 1975, Bộ Ngoại giao Việt Nam Cộng hòa công bố một sách trắng trình bày những chứng cớ lịch sử và xác định chủ quyền pháp lý của Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa.

(Còn nữa)

Thái Văn