Tâm điểm dư luận

Giải “bài toán” nhà ở công nhân

Trung Nguyễn 10/04/2023 - 11:35

Cùng với tham gia tích cực, vào cuộc của cả hệ thống chính trị, đến nay công tác phát triển nhà ở xã hội đã đạt một số kết quả đáng ghi nhận. Tuy nhiên, với số lượng nhà ở công nhân hoàn thành khoảng 2,7 triệu m2 như hiện nay mới đáp ứng hơn 340 nghìn người lao động, chưa đạt được mục tiêu đề ra.

Theo khảo sát của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, hiện có 60% số công nhân lao động đang phải thuê trọ tại các khu nhà trọ do người dân tự đầu tư xây dựng.

Vẫn còn nhiều khu trọ thiếu tiện ích, không bảo đảm an ninh, an toàn với giá thành thuê nhà khoảng 1,5 đến 4 triệu đồng/tháng, chiếm tới 25% đến 30% thu nhập của công nhân, người lao động…

Trên thực tế, phần lớn dự án nhà ở xã hội hiện nay do các doanh nghiệp tham gia đầu tư bằng nguồn vốn ngoài ngân sách, có sự hỗ trợ của Nhà nước thông qua các chính sách ưu đãi để tạo điều kiện thuận lợi thông thoáng cho các tổ chức, đơn vị tham gia đầu tư phát triển nhà ở xã hội. Tuy nhiên, việc phát triển nhà ở xã hội, trong đó có nhà ở công nhân theo phương thức này còn nhiều bất cập do sự chồng chéo trong các quy định của pháp luật.

Chính sách chưa đủ mạnh để hấp dẫn nhà đầu tư xây dựng nhà ở xã hội là một trong những điểm nghẽn lớn nhất trong thời gian qua và thường xuyên được đề cập tới khi bàn về những nguyên nhân chính dẫn đến việc số lượng nhà ở công nhân đưa vào sử dụng chỉ như "muối bỏ bể".

Nhiều doanh nghiệp mong muốn có thể đứng ra mua hoặc thuê nhà ở xã hội để bố trí chỗ ở cho người lao động của mình. Tuy nhiên, Luật Nhà ở 2014 quy định loại hình này chỉ được bán, cho thuê, cho thuê mua, cho đối tượng là các hộ gia đình, cá nhân chứ không có quy định bán cho tổ chức.

Điều này dẫn đến tình trạng doanh nghiệp xây dựng nhà ở xã hội không bán được nhà ở, tính khả thi dự án không cao kéo theo hệ quả các doanh nghiệp không tham gia đầu tư.

Mặt khác, theo Luật Nhà ở 2014, diện tích đất xây dựng nhà ở có thể nằm trong hoặc ngoài khu công nghiệp, nhưng theo Luật Đất đai 2013, trong các khu công nghiệp lại không thể xây dựng các dự án nhà ở dẫn đến một số chủ doanh nghiệp đầu tư hạ tầng khu công nghiệp hay doanh nghiệp sử dụng nhiều lao động không thể tiến hành đầu tư nhà ở công nhân.

Ông Hà Quang Hưng, Phó Cục trưởng Cục Phát triển nhà và bất động sản (Bộ Xây dựng) cho rằng, vốn tín dụng dành để cấp bù lãi suất cho các chủ đầu tư dự án và các đối tượng được ưu đãi vay để mua, thuê mua nhà ở xã hội (trong đó có công nhân) vẫn còn thiếu.

Trong dự thảo Luật Nhà ở (sửa đổi) vừa được đưa ra thảo luận tại Phiên họp thứ 21 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, điểm mới đáng chú ý là quy định Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam là chủ đầu tư nhà ở xã hội, nhà lưu trú cho công nhân.

Khoản 3, Điều 81 của dự thảo Luật Nhà ở (sửa đổi) quy định: Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam được tham gia đầu tư xây dựng nhà ở xã hội tại khu công nghiệp theo pháp luật về nhà ở. Ngoài ra, khoản 3, Điều 89 của dự thảo Luật cũng quy định: Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam chủ trì, phối hợp với doanh nghiệp kinh doanh hạ tầng khu công nghiệp hoặc doanh nghiệp có chức năng kinh doanh bất động sản để đầu tư xây dựng nhà lưu trú công nhân và các công trình phục vụ nhu cầu ở của công nhân.

Nhiều ý kiến cho rằng, nếu như quy định này được thông qua sẽ gỡ được “nút thắt”, góp phần giải “bài toán” về đầu tư xây dựng nhà ở xã hội, nhà lưu trú cho công nhân.

Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường cho rằng, dự thảo quy định Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam là một đơn vị được tham gia thực hiện nhiệm vụ này, được đấu giá, đấu thầu theo quy định của pháp luật về nhà ở là cần thiết. Quy định này sẽ góp phần quan trọng vào việc tháo gỡ điểm nghẽn và vướng mắc trong những năm vừa qua.

Trung Nguyễn