Chính trị

TANDTC đề nghị đưa vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh của Quốc hội 2 dự án Luật và 1 Pháp lệnh

Mai Thoa 10/04/2023 10:50

Sáng 10/4, tại Phiên họp thứ 22, Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) cho ý kiến về Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2024, điều chỉnh Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2023.

19-9481.jpg
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ phát biểu khai mạc Phiên họp thứ 22 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội

Tại phiên họp, TANDTC trình UBTVQH đề nghị đưa vào Chương trình xây dựng luật của Quốc hội Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức TAND năm 2014; Luật Tư pháp người chưa thành niên và Pháp lệnh chi phí tố tụng.

Trình bày Tờ trình của TANDTC, Phó Chánh án TANDTC Nguyễn Văn Tiến cho biết: Thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn theo quy định của Luật Tổ chức TAND, Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật, ngày 28/02/2023, TANDTC đã có các Công văn số 35, 37, 40/TANDTC-PC gửi UBTVQH hồ sơ đề nghị xây dựng các dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức TAND, Luật Tư pháp người chưa thành niên, Pháp lệnh chi phí tố tụng.

Luật sửa đổi bổ sung một số điều Luật Tổ chức TAND với 6 chính sách

Về đề nghị xây dựng Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức TAND, Phó Chánh án TANDTC Nguyễn Văn Tiến cho biết, TANDTC dự kiến xây dựng dự án Luật này với 6 chính sách, cụ thể như sau:

Chính sách 1 - Hoàn thiện quy định về vị trí, chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và các nguyên tắc tổ chức, hoạt động của Tòa án.

Nội dung của chính sách này là: Quy định đầy đủ, cụ thể trong Luật nhiệm vụ, quyền hạn của Toà án; các nguyên tắc tổ chức và hoạt động của Toà án. Mở rộng thẩm quyền của Tòa án trong xét xử các vi phạm hành chính; xem xét, quyết định một số vấn đề liên quan đến quyền con người, quyền công dân; xem xét, quyết định văn bản quy phạm pháp luật trái với Hiến pháp, luật, nghị quyết của Quốc hội, pháp lệnh, nghị quyết của UBTVQH theo quy định của luật. Bỏ quy định Tòa án có thẩm quyền ra quyết định khởi tố vụ án hình sự tại phiên tòa. Bỏ quy định về thẩm quyền, trách nhiệm thu thập chứng cứ của Tòa án trong quá trình giải quyết, xét xử các vụ án hình sự, hành chính, vụ việc dân sự. Tòa án hỗ trợ đương sự thu thập chứng cứ trong vụ án hành chính, vụ việc dân sự khi đương sự có yêu cầu.

Chính sách 2 - Hoàn thiện quy định về tổ chức bộ máy của TAND.

Nội dung của chính sách này là: Sắp xếp lại các đơn vị sự nghiệp công lập ở TANDTC theo Nghị quyết số 19-NQ/TW ngày 25/10/2017. Thành lập các TAND sơ thẩm chuyên biệt theo địa hạt pháp lý để giải quyết các vụ án, vụ việc đặc thù (như sở hữu trí tuệ, hành chính, phá sản). Bổ sung, điều chỉnh chức năng, nhiệm vụ của một số Tòa án (do chuyển một số vụ án, vụ việc đặc thù cho TAND sơ thẩm chuyên biệt và mở rộng thẩm quyền của Tòa án như đã nêu ở Chính sách 1). Thành lập các Tòa chuyên trách tương ứng ở TAND cấp cao khi UBTVQH cho phép thành lập TAND sơ thẩm chuyên biệt.

Chính sách 3 - Sửa đổi, bổ sung chức năng, nhiệm vụ, thành phần của Hội đồng tuyển chọn, giám sát Thẩm phán quốc gia.

Bổ sung một số nhiệm vụ cho Hội đồng tuyển chọn, giám sát Thẩm phán quốc gia, gồm: hoạch định chính sách, đề xuất biên chế, đề xuất ngân sách hàng năm cho Tòa án; giám sát việc thực hiện công tác quản trị nội bộ của Toà án. Thay đổi thành phần tham gia Hội đồng để nâng cao hiệu quả hoạt động; giám sát công tác thi đua, khen thưởng, kỷ luật Thẩm phán; thực hiện nhiệm vụ bảo vệ Thẩm phán.

Chính sách 4 - Hoàn thiện quy định về các chức danh tư pháp trong TAND.

Sửa đổi, bổ sung quy định về tiêu chuẩn, điều kiện; cơ cấu ngạch, bậc, phân bổ các chức danh tư pháp và các chế độ chính sách đặc thù đối với từng chức danh tư pháp theo hướng: xác định Thẩm phán là người thực hiện nhiệm vụ xét xử và thực hiện quyền tư pháp của Tòa án, có đủ tiêu chuẩn, điều kiện bổ nhiệm theo quy định của Luật; bổ sung quy định về chế độ Thẩm phán dự bị; sửa đổi quy định về ngạch, bậc Thẩm phán gồm Thẩm phán TANDTC, Thẩm phán và Thẩm phán dự bị; xác định thang, bảng lương riêng đối với từng ngạch, bậc Thẩm phán.

Chính sách 5 - Bảo đảm nguồn lực để xây dựng Tòa án hiện đại, hoạt động hiệu lực, hiệu quả.

Sửa đổi, bổ sung quy định về số lượng Thẩm phán, biên chế của TAND. Bổ sung quy định về nguyên tắc phân bổ số lượng Thẩm phán, Thẩm tra viên, Thư ký Tòa án trên cơ sở vị trí việc làm; quy mô dân số, diện tích tự nhiên; quy mô phát triển kinh tế - xã hội; tình hình tranh chấp, vi phạm và tội phạm; chức năng, nhiệm vụ của Tòa án.

Chính sách 6 - Đổi mới và hoàn thiện cơ chế nhân dân tham gia xét xử tại Tòa án.

Sửa đổi, bổ sung quy định về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, tiêu chuẩn, bầu, miễn nhiệm, bãi nhiệm Hội thẩm; chế độ chính sách đối với Hội thẩm. Bổ sung quy định về việc bầu, miễn nhiệm, bãi nhiệm Hội thẩm tham gia xét xử tại các TAND sơ thẩm chuyên biệt; tiêu chuẩn của Hội thẩm tham gia xét xử tại các Tòa án này phải là các chuyên gia, có kinh nghiệm công tác, có kiến thức chuyên môn cao để tham gia xét xử các vụ án thuộc lĩnh vực đặc thù tương ứng.

z4251918435640_3595045e64d848dafef7acdb181a53a7(1).jpg
Phó Chánh án TANDTC Nguyễn Văn Tiến trình bày Tờ trình của TANDTC đề nghị đưa vào chương trình một số dự án Luật, Pháp lệnh.

Luật Tư pháp người chưa thành niên

Về xây dựng Luật Tư pháp người chưa thành niên, Phó Chánh án Nguyễn Văn Tiến cho biết: TANDTC dự kiến xây dựng dự án Luật này với 6 chính sách, cụ thể như sau:

Chính sách 1 - Đổi mới, xây dựng quy trình thủ tục tố tụng thân thiện: Quy định thủ tục tố tụng thân thiện; Cho phép Viện kiểm sát được quyền truy tố người chưa thành niên theo mức hình phạt chỉ bằng 1/2 mức hình phạt trong khung hình phạt tương ứng; Quy định trình tự, thủ tục tố tụng đối với trường hợp người chưa thành niên được áp dụng biện pháp xử lý chuyển hướng tại phiên tòa theo 2 giai đoạn.

Chính sách 2 - Xây dựng, hoàn thiện các quy định pháp luật về hình phạt đối với người chưa thành niên: Kế thừa, phát triển một số quy định hiện hành và sửa đổi, bổ sung như sau: Hệ thống hình phạt áp dụng với người chưa thành niên bao gồm: Cải tạo không giam giữ; Giáo dục tại trường giáo dưỡng; Tù có thời hạn; Quy định cụ thể khung hình phạt áp dụng đối với người chưa thành niên.

Chính sách 3 - Xây dựng, hoàn thiện quy định của pháp luật về biện pháp xử lý chuyển hướng. Chính sách này kế thừa, phát triển các quy định hiện hành về các biện pháp giám sát, giáo dục áp dụng trong trường hợp được miễn trách nhiệm hình sự và sửa đổi, bổ sung như sau: Quy định điều kiện áp dụng biện pháp xử lý chuyển hướng; xác định 7 biện pháp chuyển hướng; Quy định trình tự, thủ tục và thi hành biện pháp xử lý chuyển hướng.

Chính sách 4 - Quy định cơ chế điều phối quốc gia về tư pháp người chưa thành niên, trong đó đề xuất quy định: Giao Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội là cơ quan thực hiện chức năng điều phối về tư pháp người chưa thành niên; Chức năng, nhiệm vụ của cơ quan điều phối; Nguyên tắc, tiêu chí và điều kiện quản lý, sử dụng quỹ hỗ trợ tư pháp người chưa thành niên.

Chính sách 5 - Quy định chức năng, nhiệm vụ quyền hạn của người làm công tác xã hội trong tư pháp hình sự người chưa thành niên. Quy định điều kiện, quyền và nghĩa vụ của người làm công tác xã hội tham gia hoạt động tư pháp người chưa thành niên.

Chính sách 6 - Đổi mới cơ chế thi hành án và tái hoà nhập cộng đồng đối với người chưa thành niên. Quy định trình tự, thủ tục thi hành án phạt cải tạo không giam giữ, thi hành án treo; thi hành án phạt giáo dục tại trường giáo dưỡng; thi hành án phạt tù và tái hòa nhập cộng đồng.

Pháp lệnh Chi phí tố tụng

Về đề nghị xây dựng Pháp lệnh Chi phí tố tụng, TANDTC dự kiến xây dựng dự án Pháp lệnh Chi phí tố tụng với 2 chính sách.

Chính sách 1 - Xây dựng, hoàn thiện quy định pháp luật về chi phí tố tụng. Chính sách này dự kiến, quy định chi tiết các chi phí tố tụng trong các đạo luật tố tụng; chi phí ủy thác tư pháp ra nước ngoài, chi phí xem xét, thẩm định tại chỗ, chi phí giám định, định giá, chi phí cho người làm chứng, người phiên dịch, chi phí cho người dịch thuật, người chứng kiến, người bào chữa trong trường hợp chỉ định bào chữa.

Chính sách 2 - Xây dựng, hoàn thiện quy định miễn, giảm chi phí tố tụng: Quy định miễn, giảm một số loại chi phí tố tụng cho những đối tượng nhất định nhằm tằng cường khả năng tiếp cận công lý của người dân; bảo đảm tính khả thi, hiệu quả của hoạt động tố tụng. Đồng thời, bổ sung quy định về miễn, giảm chi phí xem xét, thẩm định tại chỗ; bổ sung một số đối tượng được miễn, giảm; kế thừa quy định hiện hành đang có hiệu lực, thực tiễn thi hành không có vướng mắc, bất cập.

Tại phiên họp, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long trình bày Tờ trình Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2024, điều chỉnh Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2023.

Mai Thoa