Đời sống

Chàng trai trên chiếc xe lăn và hành trình vượt lên số phận

Bá Mạnh 10/04/2023 - 10:26

15 tuổi, Phạm Sỹ Long gặp tai nạn khiến cơ thể bị liệt hoàn toàn phải nằm bất động một chỗ. Cũng từ đó chàng trai trẻ gắn đời mình bên chiếc xe lăn, với nghị lực “tàn nhưng không phế”, anh đã vươn lên và trở thành một trong 50 tấm gương thanh niên khuyết tật tiêu biểu của cả nước.

Chàng trai trẻ bị bại liệt sau vụ tai nạn

Phạm Sỹ Long (35 tuổi, trú tại thôn Hợp Thành, xã Xuân Phổ, huyện Nghi Xuân, Hà Tĩnh) sinh ra bình thường như bao đứa trẻ khác trong một gia đình có 4 chị em.

Vào năm 2003, lúc đó Phạm Sỹ Long mới 15 tuổi, trong lúc đi chăn bò thì bất cẩn bị ngã từ trên cây xuống đất. Vụ tai nạn khiến Long bị gãy 2 đốt sống cổ, cơ thể bị liệt hoàn toàn nằm bất động một chỗ.

chang_trai_tren_chiec_lan_va_hanh_trinh_vuong_len_so_phan_1.jpg
Phạm Sỹ Long bị liệt toàn thân sau vụ tai nạn

Để chữa trị cho Long, gia đình đã chạy khắp nơi nhưng bệnh tình không hề giảm bớt, chân tay Long ngày càng teo tóp. Cũng từ đấy, cuộc đời của chàng trai trẻ phải khép lại mọi ước mơ hoài bão, gắn đời mình trên chiếc xe lăn.

Bị bại liệt nên mọi sinh hoạt đều phải phụ thuộc vào người thân, Long sinh ra chán nản, tự ti và áy náy vì bản thân phải sống trong cảnh lệ thuộc, trở thành gánh nặng cho gia đình.

“Có thời điểm tôi đã muốn kết thúc cuộc đời mình, tôi mắng chửi mẹ, phá đồ đạc khi được mẹ chăm sóc, tôi ghét bỏ cuộc sống, oán trách số phận…”, Long chia sẻ.

Phải mất hơn 4 năm, Long mới dần chấp nhận sự thật và anh bắt đầu tự vực dậy với khát khao sống, quyết tâm chứng tỏ bản thân là một người “tàn nhưng không phế”.

chang_trai_tren_chiec_lan_va_hanh_trinh_vuong_len_so_phan_2.jpg
Đối với Long, mẹ chính là nguồn động lực tiếp thêm cho mình niềm tin và nghị lực sống

“Khi bản thân đã dần chấp nhận hiện thực, tôi bắt đầu bình tĩnh hơn. Những câu chuyện về nghị lực vượt qua chính mình của những người chung cảnh ngộ đã tiếp thêm động lực rất lớn đối với tôi. Đặc biệt là sự quan tâm, chăm sóc, yêu thương vô bờ bến của mẹ và những người thân, từ đó tôi nung nấu ý chí trong đầu với quyết tâm “họ làm được, tại sao mình không?”, Phạm Sỹ Long nhớ lại.

“Mỗi ngày, Long phải lật nghiêng, lật ngửa đến 8 lần. Mỗi lần thấy con lên cơn co giật, thương con nhưng tôi cũng không biết làm sao, gia đình thì nghèo, bệnh của con thì nặng nên những lúc như thế tôi chỉ biết khóc và ôm con thức trọn cả đêm”, bà Trần Thị Hà (64 tuổi, mẹ của Long) nghẹn ngào nói.

Hành trình vượt lên số phận

Năm 2007, sau khi cổ có thể nâng lên hạ xuống được, Long nhờ người thân giơ sách lên cho đọc, tuy nhiên cũng chỉ được một lúc thì ai cũng kêu mỏi tay.

chang_trai_tren_chiec_lan_va_hanh_trinh_vuong_len_so_phan_3.jpg
Những lúc thấy con đau tôi chỉ biết khóc và ôm con thức trọn cả đêm, bà Trần Thị Hà (64 tuổi, mẹ của Long)

Để không phụ thuộc vào người khác, Long nghĩ ra cách kê cho đầu cao lên, giữa bụng để cái gối rồi cho sách tựa vào, miệng ngậm chiếc đũa để lật trang. Cũng vào hè năm ấy, khi được xem tivi và nhìn thấy hình ảnh những người khuyết tật viết bằng chân, Long đã ước bản thân có thể viết được.

“Tôi nhận ra cả cơ thể của mình không chỗ nào cử động được, chỉ còn duy nhất cái miệng. Vậy nên tôi dùng miệng. Tôi đã nhờ mẹ lấy sổ, bút để tập ngậm vào miệng và viết. Từ đó, cả ngày lẫn đêm, tôi bắt đầu dùng miệng để cầm bút. Lúc đầu chưa quen, mỗi lần ngậm bút như vậy, răng môi của tôi đau buốt”, Long kể lại.

Khi thấy Long dùng miệng cầm bút và có ý định sẽ viết chữ, mọi người nghĩ anh đang có những hành động viển vông. Thời gian đầu, do miệng chưa quen nên các cơ căng cứng, lở loét nên có thời gian Long phải húp cháo loãng vì đau. Với sự quyết tâm, Long đã bắt đầu viết được những nét chữ đầu tiên.

Ban đầu nét chữ rất to, Long phải tô đi tô lại rồi tập viết nhỏ dần đến lúc có thể viết thẳng hàng. Sau một thời gian dài rèn luyện thì miệng Long bắt đầu quen dần, viết chữ cũng bắt đầu nhanh hơn và không còn đau nữa. Những dòng chữ đầu tiên anh viết là họ tên của mình và người thân trong gia đình.

chang_trai_tren_chiec_lan_va_hanh_trinh_vuong_len_so_phan_5.jpg
Hai tác phẩm đã xuất bản là tập thơ “Miền khát vọng” và truyện dài “Không chỉ là giấc mơ” bên cạnh những tác phẩm được ghi chép bằng miệng của Long

Khi dùng miệng viết được chữ thành thạo, Long bắt đầu sáng tác thơ theo thể tự do và tập vẽ tranh, tô màu… Những bức tranh vẽ về hoa lá, tĩnh vật cứ thế dần hiện lên đầy màu sắc bằng cách vẽ đặc biệt của Long.

Ngoài vẽ tranh, Long tiếp tục làm thơ với những nội dung chủ yếu xoay quanh chủ đề về tình mẫu tử, tình yêu đôi lứa và bản thân.

Bên cạnh đó, từ năm 2010, Long dành tâm huyết viết hồi ký đời mình, tuy nhiên, đến năm 2016, khi đã được hơn 800 trang thì phải tạm dừng do các khớp miệng của anh bị lệch, răng bị mài mòn. Ngoài ra, do bút ngắn nên phải dựng sổ gần sát mặt, khoảng cách quá gần khiến Long bị choáng, mắt càng ngày càng mờ, viết được một lúc thì nước mắt chảy giàn giụa.

Được sự hỗ trợ của các nhà hảo tâm, năm 2013, Phạm Sỹ Long đã xuất bản tập thơ “Miền khát vọng” với 32 bài thơ và năm 2020 xuất bản truyện dài “Không chỉ là giấc mơ”. Đến thời điểm hiện tại, Phạm Sỹ Long đã sáng tác được 365 bài thơ, vẽ được hơn 60 bức tranh, 5 tác phẩm truyện và cuốn hồi ký dài trên 800 trang giấy.

chang_trai_tren_chiec_lan_va_hanh_trinh_vuong_len_so_phan_4.jpg
Vượt lên số phận và bản thân, Phạm Sỹ Long đã trở thành người truyền cảm hứng giúp cho nhiều người có thêm niềm tin vào cuộc sống

Khi có thể dùng bút ngậm tự chế để thao tác trên điện thoại, iPad, thông qua mạng xã hội, Long đã tiếp cận được nhiều hơn với thế giới bên ngoài và bắt đầu tham gia các khóa học về luyện giọng, đào tạo MC từ các diễn giả trong và ngoài nước. Thấy Long là người chịu khó, ham học, nhiều cơ sở đào tạo đã cấp học bổng, tiếp sức để anh theo đuổi đam mê.

Vào năm 2021, Long táo bạo khi quyết định mở lớp học online luyện giọng nói và ra mắt câu lạc bộ “Thức tỉnh giọng nói bên trong bạn” trên kênh Youtube và Facebook.

Ban đầu, câu lạc bộ mở ra nhằm tạo môi trường giao lưu, học hỏi cho những người khuyết tật nhưng đến nay, đã có những học viên là học sinh, giáo viên, công chức... tham gia. Họ đến với anh không chỉ để học một số kỹ năng cơ bản trong giao tiếp, thuyết trình mà còn mong muốn được nghe anh truyền cảm hứng, nghị lực sống.

Hiện tại, lớp học online của Long đã khai giảng khóa học thứ 8 với gần 100 học viên tham gia, mỗi khóa học kéo dài 12 buổi. Để duy trì lớp học, anh thu một khoản phí nho nhỏ; đối với những học viên khó khăn, khuyết tật nhưng có đam mê học thì anh không thu phí.

“Khi mở lớp học online, tôi như được sinh ra một lần nữa, vì tôi đã tìm thấy niềm đam mê của mình mỗi khi được chia sẻ những kiến thức mà mình đã học được. Khi chia sẻ kinh nghiệm với mọi người, tôi cũng học lại từ mọi người nhiều điều hay và có thêm những người bạn mới”, Phạm Sỹ Long cười nói.

chang_trai_tren_chiec_lan_va_hanh_trinh_vuong_len_so_phan_6.jpg
Phạm Sỹ Long vinh dự là 1 trong 50 tấm gương thanh niên khuyết tật tiêu biểu được tuyên dương trong chương trình “Tỏa sáng nghị lực Việt” năm 2022

Chị Trần Thị Hà, Bí thư Đoàn xã Xuân Phổ cho biết, anh Phạm Sỹ Long là người truyền cảm hứng về lối sống tích cực, tinh thần lạc quan đến với đoàn viên, thanh thiếu nhi trong và ngoài xã. Tại các chương trình ngoại khóa của nhiều trường học trên địa bàn huyện, anh Long trở thành nhân vật chính chia sẻ động lực, thắp lửa nhiệt huyết giúp nhiều người có thêm niềm tin vào cuộc sống.

Với ý chí vượt lên số phận, Phạm Sỹ Long đã trở thành một điển hình tiêu biểu được Đảng ủy xã Xuân Phổ vinh danh giai đoạn 2011-2025; được Trung ương Hội LHTN Việt Nam tặng bằng khen vì thành tích xuất sắc trong phong trào “Tôi yêu Tổ quốc tôi” năm 2022 và vinh dự là 1 trong 50 tấm gương thanh niên khuyết tật tiêu biểu được tuyên dương trong chương trình “Tỏa sáng nghị lực Việt” năm 2022 do T.Ư Hội Liên hiệp Thanh niên VN tổ chức.

Bá Mạnh