Chính trị

Cân nhắc kỹ quy định thủ tục rút gọn khi giải quyết tranh chấp tại Tòa án

Mai Thoa 06/04/2023 06:15

Nội dung trên được các đại biểu đề xuất khi thảo luận về Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (sửa đổi), tại Hội nghị đại biểu Quốc hội chuyên trách, chiều 5/4.

Báo cáo một số vấn đề lớn về việc giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (sửa đổi), Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Lê Quang Huy cho biết, về giải quyết tranh chấp tại Tòa án (mục 5 chương V) có quy định về thủ tục rút gọn nhưng có 2 loại ý kiến khác nhau:

Loại ý kiến thứ nhất đề nghị quy định rõ về việc áp dụng thủ tục rút gọn để giải quyết vụ án dân sự về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (BVQLNTD) trong dự thảo Luật, vì nếu chỉ căn cứ vào các quy định của Bộ luật Tố tụng dân sự hiện hành, thì sẽ không thể áp dụng thủ tục này đối với các vụ án, trong khi đa số là những vụ nhỏ lẻ, cần được giải quyết kịp thời. 

050420230336-z4239870783052_c7ae66f7bd65f5797bc1d84304d816a0.jpg
Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Lê Quang Huy phát biểu tại hội nghị.

Loại ý kiến thứ hai cho rằng, quy định về thủ tục rút gọn trong dự thảo Luật không thống nhất với điều kiện giải quyết vụ án theo thủ tục rút gọn quy định tại Điều 316, Điều 317 của Bộ luật Tố tụng dân sự. Điều này sẽ dẫn đến khó khăn trong quá trình áp dụng và ảnh hưởng đến việc BVQLNTD.

Bên cạnh đó, TANDTC có văn bản đề nghị không quy định về nội dung này trong Luật BVQLNTD vì: Luật BVQLNTD là luật nội dung, nhưng quy định tại Điều 69 và Điều 78 của dự thảo Luật về thủ tục rút gọn trong vụ án dân sự về BVQLNTD là quy định về thủ tục tố tụng. Vì vậy, để đảm bảo tính thống nhất, tránh mâu thuẫn, chồng chéo trong hệ thống pháp luật, đề nghị không quy định thủ tục rút gọn trong dự thảo Luật.

Sau khi nghiên cứu ý kiến ĐBQH và trên cơ sở kết luận của UBTVQH, Thường trực Ủy ban Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường thống nhất với cơ quan soạn thảo lựa chọn một phương án theo loại ý kiến thứ nhất và thể hiện như trong dự thảo Luật, quy định rõ về việc áp dụng thủ tục rút gọn để giải quyết vụ án dân sự về BVQLNTD.

Quy định như vậy tuy có thể làm gia tăng khối lượng công việc của hệ thống Tòa án, nhưng sẽ bảo vệ tốt hơn quyền lợi người tiêu dùng và phù hợp với thông lệ quốc tế. Cụ thể, dự thảo Luật đã chỉnh lý khoản 2 Điều 70 vụ án dân sự về BVQLNTD; Điều 78 sửa đổi, bổ sung một số khoản của Điều 317 Bộ luật Tố tụng dân sự, để đảm bảo tính khả thi, thống nhất của hệ thống pháp luật.

Phát biểu thảo luận, ĐBQH Nguyễn Thị Việt Nga – Đoàn Hải Dương cho rằng, các quy định về thủ tục rút gọn giải quyết vụ án dân sự BVQLNTD đang ở trạng thái “vừa thừa, vừa thiếu”, không đảm bảo thống nhất với các quy định về thủ tục tố tụng trong hệ thống pháp luật, chưa sát với tình hình xử lý trong thực tiễn.

050420230354-z4239987157635_ec6a61cd401b232f0afbf8a14cee238b.jpg
Đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga – Đoàn Hải Dương

Những nội dung quy định này dễ gây áp dụng không thống nhất khi luật được ban hành. Do vậy, đại biểu đề nghị cần tiếp tục rà soát, tổng kết từ các vụ việc thực tiễn, đặc biệt là từ công tác xét xử các vụ án liên quan đến BVQLNTD của Tòa án các cấp, để cân nhắc kỹ lưỡng việc quy định quy trình rút gọn đối với vụ án BVQLNTD, nhằm đảm bảo tính khả thi, hạn chế xảy ra các trường hợp bỏ sót các tình tiết quan trọng trong giải quyết vụ án gây ảnh hưởng đến quyền lợi người tiêu dùng và các cá nhân, tổ chức kinh doanh khác.

Đại biểu Nguyễn Thị Thuỷ - Đoàn ĐBQH tỉnh Bắc Kạn cho rằng, người tiêu dùng thuộc nhóm ưu tiên bảo vệ quy định tại Điều 8 chưa chặt chẽ.

Theo đại biểu, đây là quan hệ bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng. Và theo quy định của Bộ luật Dân sự, trách nhiệm này chỉ phát sinh khi đầy đủ cả 3 yếu tố: phải có hành vi vi phạm xảy ra, có thiệt hại thực tế xảy ra và phải có mối quan hệ nhân quả giữa hành vi vi phạm với thực tế thiệt hại xảy ra. Do đó, đại biểu đề nghị sửa quy định này chặt chẽ để đảm bảo phù hợp, thống nhất với Bộ luật Dân sự, đặc biệt phù hợp với bản chất quan hệ bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng.

Đại biểu đề nghị nghiên cứu bổ sung thêm một số hành vi bị nghiêm cấm tại Điều 10 dự thảo Luật như: Hành vi cung cấp, chia sẻ, phát tán, mua bán và trao đổi trái phép thông tin của người tiêu dùng. Đồng thời đề nghị rà soát thêm các pháp luật liên quan khác đang cấm các hành vi này để đảm bảo bao quát đấy đủ các hành vi này.

Cũng ở nội dung này, ĐBQH Dương Khắc Mai - Đoàn Đắk Nông cho rằng, cần có quy định cấm chia sẻ thông tin của người tiêu dùng cho bên thứ ba khi chưa được đồng ý.

Đại biểu đề nghị bổ sung thêm quy định: Cấm hành vi cung cấp, chia sẻ thông tin của người tiêu dùng cho bên thứ ba khi chưa được sự đồng ý của người tiêu dùng, trừ các trường hợp tổ chức, cá nhân kinh doanh chuyển giao thông tin được thu thập phù hợp với quy định của luật này và pháp luật có liên quan cho bên thứ ba lưu trữ, hoặc phân tích nhằm phục vụ hoạt động kinh doanh của bên chuyển giao và hai bên đã thỏa thuận bằng văn bản về việc bên thứ ba có trách nhiệm bảo vệ thông tin người tiêu dùng theo quy định của luật này.

050420230331-z4239896798802_3899f5293f1781081c385476b7819896.jpg
Đại biểu Dương Khắc Mai - Đoàn Đắk Nông phát biểu thảo luận.

Theo đại biểu, Luật An toàn thông tin mạng và Thông tư số 20 /2017 của Bộ TT&TT đã đưa ra yêu cầu về nghĩa vụ thông báo của bên kiểm soát dữ liệu, hoặc chủ sở hữu hệ thống dữ liệu khi có sự cố hoặc hành vi xâm phạm dữ liệu xảy ra. Vì vậy,  đề nghị cơ quan soạn thảo rà soát lại nội dung quy định tại dự thảo luật, nhằm đảm bảo sự tương thích, thống nhất nội dung trong các văn bản pháp luật có liên quan.

Phát biểu kết luận nội dung, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải đề nghị các cơ quan liên quan tích cực nghiên cứu, tiếp thu đầy đủ ý kiến của các đại biểu, hoàn thiện hồ sơ dự thảo luật. UBTVQH sẽ phối hợp với Chính phủ, chỉ đạo các cơ quan có liên quan nghiêm túc tiếp thu ý kiến của các đại biểu, để tiếp tục hoàn thiện dự thảo luật theo đúng quy định của pháp luật, trình Quốc hội xem xét, thông qua tại Kỳ họp thứ 5 sắp tới.

Mai Thoa