Nhân ngày Quốc tế Lao động (1/5): Chăm lo, bảo vệ quyền lợi người lao động
Đời sống - Ngày đăng : 10:34, 29/04/2014
Nâng cao vai trò của công đoàn
Vừa qua, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam (LĐVN) tổ chức công bố Quyết định thành lập Ban Quan hệ lao động Tổng Liên đoàn LĐVN. Đề cập tới việc cần thiết phải thành lập Ban Quan hệ lao động, Phó Chủ tịch Tổng Liên đoàn LĐVN Mai Đức Chính khẳng định: Trong điều kiện phát triển nền kinh tế thị trường theo định hướng XHCN những năm qua và dự báo những năm tiếp theo, tình hình quan hệ lao động sẽ còn diễn biến phức tạp và tiềm ẩn nhiều nguy cơ xung đột; từ đó đòi hỏi Công đoàn Việt Nam cần tăng cường thực hiện những nhiệm vụ liên quan đến chức năng đại diện bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của người lao động.
Trên thực tế, vai trò của công đoàn, nhất là công đoàn cơ sở trong các doanh nghiệp hiện nay còn hạn chế, chưa đáp ứng được yêu cầu bảo vệ quyền lợi cho người lao động. Khảo sát của Viện Công nhân - Công đoàn cho thấy: 38,6% số công đoàn cơ sở thiếu kinh phí hoạt động; 27,3% số công đoàn cơ sở không bố trí được thời gian cho các hoạt động công đoàn. Mặc dù nghị quyết của Tổng Liên đoàn LĐVN kêu gọi “Hướng về cơ sở”, khuyến khích các hoạt động của công đoàn cơ sở, lấy việc bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của công nhân lao động là nhiệm vụ số một, quán xuyến các hoạt động khác của tổ chức công đoàn. Nhưng do nhiều nguyên nhân, trên 70% số ý kiến của công nhân lao động khi được hỏi, đã cho rằng, công đoàn cơ sở hiện chỉ mới tổ chức tốt việc thăm hỏi, hiếu, hỷ. Cũng theo khảo sát, có trên 60% số công nhân cho rằng, công đoàn cơ sở chưa hiệu quả trong việc đại diện thương lượng với người sử dụng lao động về các khoản tiền lương, tiền thưởng, phụ cấp, hướng dẫn ký kết hợp đồng lao động, công tác kiểm tra, giám sát việc thực hiện thỏa ước lao động tập thể. Công đoàn cơ sở cũng chưa phối hợp tốt với người sử dụng lao động giải quyết những khó khăn, bức xúc của người lao động....
Người lao động cần được tạo điều kiện để yên tâm làm việc
Thực tế trên một lần nữa cho thấy, rất cần thiết phải nâng cao năng lực cho công đoàn cơ sở. Cụ thể, cần tập trung đẩy mạnh các hoạt động nhằm phát triển đoàn viên, thành lập công đoàn cơ sở, tập hợp đông đảo công nhân lao động ở các doanh nghiệp gia nhập tổ chức công đoàn. Đề cao trách nhiệm của công đoàn cấp trên cơ sở trong việc đại diện cho đoàn viên và công đoàn cơ sở. Đổi mới nội dung, phương pháp đào tạo, bồi dưỡng cán bộ công đoàn, nhất là cán bộ công đoàn cơ sở, cán bộ công đoàn xuất thân từ công nhân, cán bộ nữ. Tăng cường hình thức bồi dưỡng tại cơ sở, chú trọng các nội dung về chính sách, pháp luật lao động, kỹ năng hoạt động công đoàn và năng lực, bản lĩnh đại diện bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của người lao động.
Chăm lo mọi mặt đời sống người lao động
Vấn đề tiền lương hiện là nguyên nhân chính dẫn đến các tranh chấp lao động. Tại TP Hồ Chí Minh, trong năm 2013 xảy ra 98 vụ tranh chấp lao động tập thể, có sự tham gia của hơn 34.000 lao động. Nguyên nhân chính là do DN khó khăn dẫn đến việc chậm chi trả lương, nợ lương và không có khả năng thanh toán lương. Theo nhận định của Ban chỉ đạo Xây dựng quan hệ lao động TP Hồ Chí Minh, tình hình kinh tế còn khó khăn sẽ dẫn đến việc DN khó thực hiện đầy đủ chế độ cho người lao động. Ðặc biệt, số vụ tranh chấp lao động liên quan đến việc chủ DN nợ lương, nợ bảo hiểm xã hội có dấu hiệu gia tăng.
Ngoài vấn đề chậm, nợ lương, tiền lương tối thiểu hiện nay cũng chưa đáp ứng được nhu cầu cuộc sống của người lao động. Tiền lương tối thiểu đang được xây dựng dựa trên các yếu tố: nhu cầu tối thiểu của người lao động, điều kiện kinh tế, xã hội và mức tiền công trên thị trường, tuy nhiên, mức tiền lương này chưa tính tới yếu tố giá cả thị trường.
Nói về vấn đề điều chỉnh tiền lương tối thiểu, bà Trương Thị Mai, Chủ nhiệm Ủy ban các vấn đề của Quốc hội cho rằng, dù có phải gánh nặng thì ngân sách và doanh nghiệp cũng phải chấp nhận vì cán bộ công chức, người lao động phải có lương tối thiểu để có thể đáp ứng được nhu cầu tối thiểu của cuộc sống.
Với sự điều chỉnh nhằm giảm bớt khó khăn cho người lao động, từ 1/1/2014, mức lương tối thiểu vùng áp dụng đối với doanh nghiệp là 2,7 triệu đồng/tháng tại vùng I; 2,4 triệu đồng/tháng tại vùng II; tại vùng III là 2,1 triệu đồng/tháng và vùng IV là 1,9 triệu đồng/tháng. Mức lương này theo tính toán cũng mới chỉ đáp ứng được 66% đến 79% mức sống của người lao động, tuy nhiên, sự điều chỉnh này cũng thể hiện sự quan tâm, tháo gỡ khó khăn, bảo vệ quyền lợi cho người lao động.
Tiếp tục thực hiện có hiệu quả Chương trình mục tiêu việc làm - dạy nghề
Bên cạnh đó, người lao động cần được chăm lo nhiều mặt để yên tâm làm việc. Đó là đầu tư xây dựng nhà ở, nhà văn hóa tập trung, nhà trẻ cho công nhân tại các khu công nghiệp hoặc tạo điều kiện chính sách để doanh nghiệp đầu tư xây dựng nhà ở, nhà văn hóa tập trung, nhà trẻ cho công nhân. Chỉ đạo phát triển tổ chức Đảng, đoàn thể trong doanh nghiệp ngoài nhà nước. Phân bổ thêm ngân sách tuyên truyền phổ biến pháp luật trong công nhân lao động tại các DN. Xây dựng cơ chế phối hợp và trách nhiệm các cơ quan chức năng trong việc thực hiện pháp luật lao động. Các cơ sở đào tạo tập trung đào tạo tác phong công nghiệp, ý thức kỷ luật cho người lao động.
Trước thực trạng đình công, bãi công hiện nay, cần tăng cường đối thoại nơi làm việc giữa chủ sử dụng lao động và người lao động. Đây là một giải pháp giúp người sử dụng nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của người lao động, kịp thời giải tỏa những bức xúc của họ và không để xảy ra đình công, bãi công.
Về phía Nhà nước, cần tập trung nguồn lực đầu tư cho phát triển kinh tế - xã hội, duy trì nhịp độ tăng trưởng để tạo tiền đề vững chắc cho nhiệm vụ ổn định việc làm và tăng thu nhập cho người lao động; Có nguồn ngân sách để đầu tư xây dựng nhà trọ, nhà ở cho công nhân, cho công nhân thuê tại các khu công nghiệp, khu kinh tế đáp ứng được các dịch vụ cho người lao động như chợ, y tế… Tiếp tục thực hiện có hiệu quả Chương trình mục tiêu việc làm - dạy nghề, đề án đào tạo nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, thực hiện có hiệu quả công tác dạy nghề để phục vụ công tác quy hoạch chuyển đổi ngành nghề trong địa bàn nông thôn.
Tại buổi làm việc với Tổng Liên đoàn LĐVN gần đây, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cho biết: Năm 2014, Chính phủ và Tổng Liên đoàn LĐVN xác định tập trung phối hợp trên các mặt hoạt động như phối hợp xây dựng pháp luật, chính sách liên quan trực tiếp đến công nhân, viên chức, lao động; đẩy mạnh công tác kiểm tra, giám sát, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của công nhân, viên chức, lao động. Thủ tướng mong muốn Tổng Liên đoàn LĐVN tập trung phối hợp thực hiện tốt công tác chăm lo, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người lao động, cải thiện đời sống của người lao động; coi đây là một trọng tâm công tác để nhằm cụ thể hóa chủ trương, quan điểm của Đảng và Nhà nước về chăm lo đời sống của người lao động.