Đời sống

Một phút nông nổi, đánh đổi tương lai

Nguyên Thảo 04/04/2023 16:11

Bước sang tuổi 32, T.N.Đ. (SN 1991, ở Bắc Ninh) đang phải thụ án 11 năm tù vì tội giết người. Phải trả giá cho tội ác bằng nhiều năm tù khi còn quá trẻ, nam phạm nhân luôn cắn rứt lương tâm với nỗi hối hận chất chồng.

Hối hận muộn màng

Gặp T.N.Đ. trong trại giam Ngọc Lý vào một ngày đầu mùa hè. Làn da trắng trẻo, gương mặt hiền lành, nếu không khoác trên mình bộ quần áo tù nhân, khó ai nghĩ nam thanh niên này đã từng gây ra tội ác tày trời.

img_4522(1).jpg
Đ. đang thụ án 11 năm tại trại giam Ngọc Lý (Tân Yên, Bắc Giang)

Bắt đầu câu chuyện bằng chất giọng đượm buồn. Đ. kể, sinh ra trong một gia đình tuy không khá giả, nhưng các thành viên luôn thương yêu nhau và chí thú làm ăn. "Nhà tôi cũng vất vả lắm nhưng ai cũng thương yêu nhau. Tôi cũng chưa từng làm gì khiến bố mẹ buồn lòng cả…", Đ. tâm sự.

Đ. ngại ngùng kể tiếp về "con đường" đưa mình vào vòng lao lý. 

Chiều ngày 9/7/2017, khi Đ. đang cùng 2 người bạn uống bia ở gần nhà thì Hoàng Việt Tr. đến nói cho mọi người việc mình bị Hoàng Văn T. (SN 1993) đánh. Nhóm của Tr. và T. thách thức, hẹn gặp nhau giải quyết mâu thuẫn.

Tối cùng ngày, nhóm Đ. cùng 4 người đi xe đến, Tr. và Đ. xông vào dùng tay chân đánh anh T. Trong khi đó, S. (em ruột Tr.) chạy vào nhà dân gần đấy lấy một con dao nhọn đâm liên tiếp vào anh T. 

Khi anh T. vùng bỏ chạy thì Đ. cùng nhóm người tiếp tục đuổi theo để đánh. Hậu quả anh T. bị trọng thương, được người dân đưa đến Bệnh viện Đa khoa tỉnh Bắc Ninh cấp cứu, nhưng do thương tích quá nặng nên anh T. đã tử vong.

Đ. và đồng bọn bị bắt sau khi đã thực hiện các hành vi phạm tội. Sau đó, Đ. bị kết án 11 năm tù về tội giết người, chấp hành án tại trại giam Ngọc Lý (C10, Bộ Công an).

Đã 5 năm trôi qua nhưng Đ. vẫn nhớ như in ngày mình phải ra tòa nhận phán quyết của pháp luật. Đứng giữa phiên tòa, Đ. run rẩy với mặc cảm tội lỗi. Những người chứng kiến đều ngậm ngùi, chua xót, tất cả đối tượng tham gia vụ án đều còn rất trẻ với biết bao khát vọng, ước mơ mới bắt đầu chắp cánh.

Đ. nói: "Tôi thấy có lỗi với anh T. và gia đình anh ấy. Tôi cũng thấy có lỗi với bố mẹ của tôi. Bố mẹ tôi giờ đã già rồi lại phải mang tiếng có con trai giết người. Mỗi lần bố mẹ lên thăm, tôi đau lòng lắm. Tôi thấy mình có lỗi với bố mẹ nhiều".

Đi chấp hành án, bỏ lại bố mẹ, vợ và 3 đứa con thơ, Đ. mới thấm thía, ân hận vì những lỗi lầm mà mình đã gây ra. Mỗi ngày chấp hành án tù là mỗi ngày Đ. nhớ về gia đình, thèm về tổ ấm xưa kia. "Tôi đã có một gia đình. Ở đó có bố mẹ, vợ trẻ, con thơ. Thế nhưng, tất cả những hạnh phúc bình dị ấy dường như đã tan biến từ ngày tôi đi tù", nam phạm nhân ân hận.

Hướng thiện ở trại giam

Đến nay, Đ. đã thi hành án được 5 năm. Lúc đầu, nghĩ đến mức án quá dài Đ. đã không tránh được tâm lý thất vọng, buồn chán. Sau đó, được các cán bộ quản giáo động viên, chia sẻ, Đ. không chỉ hiểu ra lỗi lầm của mình mà mỗi ngày đều cố gắng cải tạo thật tốt để có cơ hội trở về đoàn tụ với gia đình. 

"Chỉ trong một lần mất bình tĩnh mà tôi gây nên họa lớn, đánh mất chính mình, đánh mất tương lai, khiến gia đình cũng vì mình mà gánh thêm khó khăn, vất vả", Đ. chia sẻ.

img_4523-1-.jpg
Từ ngày thụ án tại trại giam Ngọc Lý, được sự động viên của cán bộ quản giáo, Đ. đã tự tin để làm lại cuộc đời

Nhớ lại những ngày mới vào trại, Đ. tâm sự: "Không chỉ được giáo dục pháp luật để nhận thức tội lỗi mình đã gây ra, tôi còn được phân trại cho học nghề, truyền nghề để hướng tới cái thiện, biết sống cho mình và gia đình bằng những việc làm thiết thực, luôn vượt định mức được giao. Tôi luôn coi cán bộ như người trong gia đình, những người luôn chia sẻ và hướng dẫn kỹ năng sống, động viên tôi và những phạm nhân khác cải tạo tốt để được hưởng sự khoan hồng của Ðảng, Nhà nước, được giảm án, đặc xá, tha tù trước thời hạn, có điều kiện và trở về với gia đình, xã hội, sống bằng nghề đã học được trong trại".

Đ. bảo, 5 năm là khoảng thời gian đủ dài để suy nghĩ và cảm nhận về mọi chuyện đã qua. Thụ án tù giam, từ bỏ giấc mơ về tương lai tươi sáng, nhưng Đ. cho biết, anh vẫn còn rất nhiều dự định khi ra trại. 

Thư viện sách với hơn nghìn đầu sách luôn được Đ. tìm đến đọc vào những lúc rảnh rỗi hoặc dịp cuối tuần. Đ. chia sẻ, đọc sách giúp anh thoải mái rất nhiều, đặc biệt là tư tưởng hướng thiện làm lại cuộc đời. Qua từng trang sách, anh học được rất nhiều về kiến thức cho đến cách ứng xử, giao tiếp.

Hiện phạm nhân này là tổ trưởng tự quản lao động. Từ một người tuyệt vọng, giờ nam thanh niên đã trở thành điểm tựa, là người để trút bầu tâm sự, tư vấn cho các anh em phạm nhân ở đây.

Trong thời gian thụ án, Đ. đã được một lần giảm án là 8 tháng tù. Nam phạm nhân mong mỏi từng ngày để trở về, phụng dưỡng, báo hiếu bố mẹ, bởi những năm tháng đầy lỗi lầm của mình đã lấy đi nhiều nước mắt của đấng sinh thành.

Nâng đỡ những mảnh đời lạc lối

Đại tá Lã Văn Mỹ - Giám thị Trại giam Ngọc Lý cho biết, trại hiện có khoảng 4.800 phạm nhân ở các tỉnh phía Bắc, đủ các độ tuổi, thành phần, mức án đang được giam giữ, cải tạo. 

Xác định giáo dục là quan trọng nhất trong công tác quản lý giam giữ, mỗi phạm nhân khi đến đây, đều được nắm bắt kỹ lưỡng về gia cảnh, tâm tư tình cảm; từ đó tìm cách giáo dục, rèn luyện họ ngày càng tiến bộ, tích cực trong suy nghĩ, hành động.

Tại trại giam Ngọc Lý, các nam phạm nhân được sắp xếp vào một phân khu riêng. Trong đó, việc dạy nghề, hướng nghiệp luôn được quan tâm. Các nam phạm nhân ở trại giam thường làm các công việc như đan chiếu, làm mi giả, làm vườn.

Sau khi những phạm nhân học nghề cơ bản xong, họ được phân bổ về các đội phạm nhân làm hạt nhân cho việc tổ chức lao động sản xuất của trại, đồng thời những phạm nhân này cùng với cán bộ quản giáo có trách nhiệm dạy lại cho những phạm nhân khác chưa biết nghề. 

Với cách làm này, rất nhiều phạm nhân thi hành án ở trại có ý thức học nghề đều thông thạo một nghề nhất định; các nghề do trại phối hợp với các trường và trung tâm dạy nghề tổ chức đều được phát huy hiệu quả, làm ra của cải vật chất, cải thiện đời sống cho chính phạm nhân.

Nguyên Thảo