Độc đáo lễ hội Then Kin Pang của người Thái trắng ở Phong Thổ
Lễ hội Then Kin Pang của người Thái trắng ở xã Khổng Lào, huyện Phong Thổ (tỉnh Lai Châu) vừa đặc sắc về hình thức, lại duy trì phong tục mang đậm bản sắc văn hóa và gắn kết tình làng nghĩa xóm.
Những ngày này, người dân tại xã Khổng Lào lại tiến hành quét dọn vệ sinh khu vực nhà Then. Các chàng trai, cô gái rộn ràng luyện tập các điệu múa, bài hát then, trang phục để tham gia lễ hội Then Kin Pang.
Cứ đến dịp 10/3 âm lịch, người Thái ở huyện Phong Thổ nói riêng và nhân dân trên địa bàn tỉnh Lai Châu nói chung lại cùng hội tụ về nhà Then, tại xã Khổng Lào, để cùng nhau tham dự lễ hội Then Kin Pang. Lễ hội này được ví như linh hồn của người Thái trắng nơi đây.
Năm 2023, lễ hội Then Kin Pang dự kiến tổ chức trong 2 ngày từ 28 - 29/4 (tức ngày 9-10/3/2023 âm lịch). Lễ hội là dịp để du khách tới tham quan và trải nghiệm các hoạt động mang nét đặc sắc văn hóa của dân tộc Thái.
Lễ hội bao gồm 2 phần: lễ và hội. Phần lễ có hoạt động cúng, dâng hương tại nhà Then. Phần hội có các hoạt động phong phú, đa dạng và sôi nổi như: Thi không gian văn hóa dân tộc Thái; văn nghệ và trình diễn trang phục dân tộc Thái.
Người già ở xã Khổng Lào kể lại, tương truyền Pô Phà (vua trời) có lòng bao dung độ lượng. Khi nhân gian gặp nạn, Pô Phà đã phái thần Then xuống hạ giới đầu thai thành người phàm trần để cứu nhân độ thế. Từ đó, bản làng có ai ốm đau, gặp rủi ro, vận hạn đều được Then cầu phúc cho tai qua nạn khỏi.
Trong phần lễ của lễ hội Then Kin Pang, người đại diện cho bà con dân bản sẽ cầu nguyện các vị thần linh trên trời tạo phúc cho dân, ban cho mưa thuận gió hòa, mùa màng bội thu, bản mường yên vui no ấm; nhân dân các bản mang những sản vật ngon nhất làm thành các mâm để dâng lên, mời Then và các vị thần linh về thụ hưởng.
Bàn thờ Then được lau dọn sạch sẽ, trang trí quả còn, đan thêm các con giống, biểu tượng trống, chiêng; hai cọc đỡ bàn thờ treo 2 hoa chuối biểu tượng cho hoa chuối trời. Trên bàn thờ đặt bánh kẹo, hoa quả, hương, dưới bàn thờ là nơi đặt lễ vật của các con nuôi, bà con về dự lễ.
Trước bàn thờ Then là mâm đồ lễ, gồm: Đồng bạc trắng, khăn xòe, lá trầu không, trứng gà sống, gạo, bát tô sứ, hương, chùm chuông tượng trưng cho chuông ngựa, hoa trung quân, cây nến nhỏ, đĩa, chén, gói gạo, gói muối, rượu, bát nước, điếu cày, đĩa trầu. Nhạc cụ sử dụng trong nghi lễ gồm: Đàn tính, nhạc xóc, trống, chiêng…
Một mâm lễ chung đại diện cho cộng đồng đặt bên trái bàn thờ Then, gồm: 1 con lợn luộc cùng lục phủ ngũ tạng đặt dưới đuôi, 2 con gà luộc (1 trống, 1 mái), 4 đĩa xôi, bát đũa, chén rượu. Các lễ vật cúng thể hiện sự đầy đủ của vạn vật cỏ cây hoa lá, để báo hiệu một năm mới no đủ, tươi mới đã về.
Tại lễ hội Then Kin Pang còn có hoạt động trò chơi dân gian gồm: Đẩy gậy, kéo co, tung còn, tó má lẹ, đi cầu kiều, té nước…
Hoạt động hấp dẫn và đặc sắc nhất của lễ hội này là màn té nước cầu mưa tại suối Nậm Lùm. Lễ hội té nước sẽ diễn ra sau phần cúng Then với mong ước được khỏe mạnh, làm ăn khấm khá, lúa đầy kho, vật nuôi đầy đàn của cộng đồng Thái trắng.
Tham gia hội té nước, người dân và du khách sẽ cùng hòa mình xuống dòng suối để hò reo trong cuộc vui. Theo quan niệm của người Thái, dòng suối là nơi Then từ trên trời xuống hạ giới để cứu nhân độ thế. Họ tin tưởng mùa màng năm tới sẽ tốt tươi, người bị té nước càng nhiều và bị nhiều người té, thì gặp càng nhiều may mắn, khỏe mạnh.