Tiến tới kỷ niệm 60 năm chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ: Chủ tịch Hồ Chí Minh - Linh hồn của chiến dịch Điện Biên Phủ
Đời sống - Ngày đăng : 13:38, 20/04/2014
Trong suốt thời gian chỉ huy chiến dịch, Bác Hồ đã tham dự và chủ tọa nhiều cuộc họp của Bộ Chính trị, là linh hồn của Đảng ta trong việc vạch ra đường lối, chủ trương kháng chiến đúng đắn, sáng tạo, động viên, cổ vũ kịp thời quân dân ta trong suốt cuộc tiến công chiến lược Đông Xuân 1953-1954, tiến tới giành thắng lợi trong Chiến dịch Điện Biên Phủ.
“Tướng quân tại ngoại” và “đánh chắc thắng”
Sau khi sa lầy ở các chiến trường, cuối năm 1953, Pháp chủ trương xây dựng tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ là pháo đài kiên cố mà bộ đội ta không thể công phá được. Phương Tây coi đây là một sự chuyển hướng có tính chiến lược của tướng Nava.
Chiến thắng Điện Biên Phủ 7-5-1954
Tháng 10/1953, trong buổi họp của Bộ Chính trị Ban Chấp hành Trung ương Đảng ở Tỉn Keo, huyện Định Hoá, tỉnh Thái Nguyên bàn về kế hoạch chiến lược Đông Xuân 1953-1954, do Bác Hồ chủ trì, Đại tướng Võ Nguyên Giáp trình bày về ý đồ táo tợn của tướng Pháp H. Nava là tập trung một lực lượng cơ động rất lớn ở đồng bằng Bắc Bộ để khiêu chiến, làm tiêu hao chủ lực của ta, tạo điều kiện để giành quyền chủ động và tiến tới giành một thắng lợi quyết định trong vòng 18 tháng. Bác nghe chăm chú rồi nói: “Địch tập trung quân cơ động để tạo sức mạnh. Không sợ! Ta buộc chúng phải phân tán binh lực thì sức mạnh đó không còn”. Bàn tay Bác mở ra, mỗi ngón trỏ về một hướng. Theo tư tưởng chỉ đạo ấy, ta đã nghiên cứu kế hoạch Đông Xuân, cho những bộ phận chủ lực của ta tiến về 5 hướng chiến lược, nhằm những nơi hiểm yếu và tương đối yếu của địch, chọn hướng chính là Lai Châu ở Tây Bắc.
Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chỉ định cơ quan lãnh đạo và chỉ huy chiến dịch, điều động lực lượng lên Tây Bắc và giao cho Đại tướng Võ Nguyên Giáp làm Tổng chỉ huy. Quyết tâm của ta là: “Tiêu diệt tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ để tạo nên một bước ngoặt mới trong chiến tranh”.
Đầu tháng 1/1954, trước khi lên đường ra mặt trận, Đại tướng Võ Nguyên Giáp đến Khuổi Tát chào Bác. Bác hỏi: “Chú ra mặt trận lần này có khó khăn gì không?”. Đại tướng Võ Nguyên Giáp trả lời: “Chỉ khó khăn là xa hậu phương nên khi có vấn đề quan trọng và cấp thiết thì khó xin ý kiến của Bác và Bộ Chính trị”. Bác nói: “Tổng tư lệnh ra mặt trận, tướng quân tại ngoại, trao cho chú toàn quyền”. Khi chia tay, Bác nhắc: “Trận này quan trọng, phải đánh cho thắng; chắc thắng mới đánh, không chắc thắng không đánh”. Các nhà nghiên cứu cho rằng, đây là chỉ đạo quan trọng, mang tính chiến lược.
Đại tá Trần Ngọc Long, Phó Viện trưởng Viện Lịch sử Quân sự Việt Nam khẳng định: “Chủ tịch Hồ Chí Minh đã xác định đây là đòn quyết định. Việc thắng thua của trận Điện Biên Phủ có ý nghĩa tác động đến toàn bộ cuộc chiến, vượt ra ngoài phạm vi một trận đánh thông thường trong lịch sử quân sự Việt Nam cũng như trong lịch sử quân sự thế giới. Tư tưởng chỉ đạo chiến lược là chỉ có thắng, có thắng mới giải quyết được các vấn đề kháng chiến đang đặt ra trong 9 năm trời. Người đã thể hiện tầm nhìn chiến lược, phân tích bối cảnh tình hình trong nước, quốc tế rồi mới khái quát một điều như vậy”.
Chủ tịch Hồ Chí Minh, Đại tướng Võ Nguyên Giáp nghiên cứu sơ đồ tác chiến Chiến dịch Điện Biên Phủ
Các nhà nghiên cứu cho rằng, tư tưởng chỉ đạo của Hồ Chí Minh là bó đuốc soi đường đi tới thắng lợi trọn vẹn, vẻ vang. Chính nhờ tư tưởng chỉ đạo của Người là “Tướng quân tại ngoại” và “đánh chắc thắng” mà Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã thay đổi phương châm tác chiến. Thay đổi này đã tạo nên thắng lợi lịch sử của quân đội ta trong chiến dịch Điện Biên Phủ.
Với phương châm “đánh chắc, tiến chắc”, sau 56 ngày đêm chiến đấu ngoan cường, quân đội ta đã tiêu diệt hoàn toàn tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ. Chiến thắng này ghi danh Võ Nguyên Giáp thành một vị tướng huyền thoại.
Sau chiến thắng Điện Biên Phủ, khi trả lời một chính khách nước ngoài, Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã nói: “Chiến thắng Điện Biên Phủ là công đầu thuộc Chủ tịch Hồ Chí Minh - Hồ Chí Minh là một nhà chiến lược thiên tài, là người cha thân yêu của các lực lượng vũ trang nhân dân Việt Nam. Những biến đổi phi thường của lịch sử Việt Nam trong mấy chục năm qua đều gắn liền với công lao và sự nghiệp của Hồ Chủ tịch”.
Còn Đại tướng H. Nava, người đối đầu với Đại tướng Võ Nguyên Giáp trong trận Điện Biên Phủ đã nói: “Phía Việt Nam chiến thắng là đúng. Vì trong suốt 9 năm chiến tranh, họ chỉ có một người chỉ huy quân sự duy nhất là Đại tướng Võ Nguyên Giáp, và một người chỉ huy chính trị cao nhất là Hồ Chí Minh”. Trong khi đó, phía Pháp có tới 20 Chính phủ, 7 Tổng tư lệnh, 8 Cao ủy thay nhau liên tiếp chỉ huy ở Đông Dương mà vẫn thất bại”.
“Không có gì quý hơn độc lập, tự do”
Chủ tịch Hồ Chí Minh là linh hồn của chiến dịch lịch sử Điện Biên Phủ. Trong suốt quá trình chuẩn bị cho đến chiến dịch toàn thắng, Người đặc biệt chăm lo giáo dục tinh thần quyết tâm chiến đấu cho bộ đội, nhiều lần gửi thư cho cán bộ và chiến sĩ mặt trận. Người đã truyền cho quân và dân ta sức mạnh phi thường của tư tưởng “Không có gì quý hơn độc lập tự do”.
Bác phân tích một cách sâu sắc rằng: “Quyết tâm của Trung ương chưa đủ, còn phải để cho các chú cân nhắc kỹ thấy rõ cái dễ và cái khó để truyền cái quyết tâm đó cho các chú. Trung ương và các chú quyết tâm cũng chưa đủ, mà phải làm cho quyết tâm đó xuống đến mọi người chiến sỹ... Quyết tâm đó phải thành một khối thống nhất từ trên xuống dưới và từ dưới lên trên”.
Bác huấn thị cho cán bộ, chiến sỹ tham gia chiến dịch: “Chiến dịch này là một chiến dịch rất quan trọng. Các chú phải đánh cho thắng. Tất cả các chú, cán bộ cũng như chiến sỹ đều phải: Quyết tâm chiến đấu, triệt để chấp hành mệnh lệnh; bền bỉ dẻo dai, vượt qua mọi gian khổ, khắc phục mọi khó khăn; tiêu diệt thật nhiều địch, giành cho được toàn thắng”.
Người căn dặn: Các cán bộ và chiến sỹ ta “phải chiến đấu anh dũng hơn, chịu đựng gian khổ hơn, phải giữ vững quyết tâm trong mọi hoàn cảnh: Quyết tâm tiêu diệt địch; quyết tâm giữ vững chính sách; quyết tâm giành nhiều thắng lợi”.
Quyết tâm chiến lược của Đảng, của Bác Hồ, tiêu diệt toàn bộ quân địch ở Điện Biên Phủ, đã biến thành ý chí và hành động của toàn quân và dân ta. Khi quân ta toàn thắng, Bác đã điện khen ngay và quyết định tặng huy hiệu “Chiến sỹ Điện Biên Phủ ” cho các đồng chí tham gia chiến dịch lịch sử này.
Viết thư khen ngợi bộ đội, dân công, thanh niên xung phong và đồng bào Tây Bắc - những người trực tiếp làm nên chiến thắng vĩ đại này, Bác viết: “Quân ta đã giải phóng Điện Biên Phủ. Bác và Chính phủ thân ái gửi lời khen ngợi cán bộ, chiến sỹ, dân công, thanh niên xung phong và đồng bào địa phương đã làm tròn nhiệm vụ một cách vẻ vang… Bác và Chính phủ sẽ khen thưởng những cán bộ, chiến sỹ, dân công, thanh niên xung phong và đồng bào địa phương có công trạng đặc biệt”.
Theo dõi Điện Biên Phủ, nắm tin tức từng ngày, từng giờ, Hồ Chí Minh đã đem tới cho quân và dân ta một sức mạnh lớn lao và niềm tin vào thắng lợi, niềm tin bắt nguồn từ chính Người và lòng tin con người. Người tin ở sự lãnh đạo đúng đắn, sáng suốt của Đảng, sự chỉ đạo tài tình của Bộ chỉ huy Mặt trận. Người có niềm tin tất thắng vì cuộc chiến đấu của chúng ta là một cuộc chiến tranh chính nghĩa để bảo vệ nhân phẩm con người, vì nền độc lập, tự do, hoà bình của nhân loại. “Không có gì quý hơn độc lập, tự do” - đó là một niềm tin tất thắng không gì phá vỡ nổi.