Tháng hành động vì chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm năm 2014: Quan ngại về thực phẩm
Đời sống - Ngày đăng : 10:09, 18/04/2014
Đây chỉ là một trong số nhiều thông tin đáng quan tâm trong Tháng hành động vì chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm năm 2014.
Thực phẩm bẩn tràn lan
Hà Nội là một thị trường lớn, cung cấp hàng hóa cho nhiều địa phương trong cả nước. Ngày 16/4, tại điểm tập kết 18 Hàng Khoai, quận Hoàn Kiếm, lực lượng kiểm tra phát hiện và tịch thu 500 kg ngò sen không rõ nguồn gốc, không đảm bảo chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm. Chủ lô hàng này là bà Tạ Minh Hà. Do không xuất trình được giấy tờ liên quan, lực lượng kiểm tra đã tịch thu toàn bộ lô hàng, xử phạt hành chính chủ hàng đồng thời tiêu hủy theo đúng quy định.
Tại điểm tập kết số 7 Hàng Giầy, quận Hoàn Kiếm, lực lượng liên ngành trên phát hiện, tịch thu trên 300 kg kẹo, bim bim, bò tiêu đen do nước ngoài sản xuất không có hóa đơn chứng từ chứng minh nguồn gốc xuất xứ. Lô hàng này cũng không đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm. Chủ lô hàng là ông Đỗ Đức Quang khai nhận mua trôi nổi trên thị trường để kinh doanh. Toàn bộ số thực phẩm này cũng được đưa tiêu hủy.
Thực hiện Tháng vệ sinh an toàn thực phẩm, Đội quản lý thị trường số 2 tăng cường kiểm tra các hàng thực phẩm trên địa bàn quận Hoàn Kiếm, chú trọng vào hàng hóa không rõ nguồn gốc, không hóa đơn chứng từ, không đảm bảo chất lượng. Trong thời gian tới, cùng với việc kiểm tra kiểm soát chặt chẽ thị trường đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm cho người dân, Đội cũng tuyên truyền tới các doanh nghiệp, hộ kinh doanh thực hiện nghiêm túc kinh doanh hàng hóa đảm bảo chất lượng.
Kiểm tra ngay tại cửa khẩu
Trên địa bàn TP HCM, từ đầu tháng 3 đã phát hiện rất nhiều sai phạm về kinh doanh thực phẩm. Trong đó có những vụ số lượng bị thu giữ rất lớn và đang đe dọa sức khỏe, cuộc sống người dân.
Một cán bộ quản lý thị trường (QLTT) TP HCM cho biết, kinh tế khó khăn làm cho sức mua trên thị trường giảm nhưng các mánh gian lận trong kinh doanh thực phẩm lại tăng lên và không loại trừ cả những hành vi ác độc gây hại cho người tiêu dùng như sử dụng hóa chất độc hại để tẩm ướp thức ăn, làm mới thịt cá đã rỉ mùi thối.
Dịp này đang là mùa dịch cúm nhưng tình trạng vận chuyển, buôn bán, giết mổ gia cầm trái phép vẫn liên tục xảy ra. Ngày 25/3, Trạm Thú y huyện Bình Chánh phối hợp với đoàn kiểm tra liên ngành của TP HCM phát hiện khu ẩm thực sinh thái Bình Xuyên (huyện Bình Chánh) đang giết mổ động vật trái phép. Tại hiện trường, lực lượng kiểm tra đã thu giữ 148 con gà, vịt không có giấy kiểm dịch, 6 con heo sữa làm sẵn và 5 con heo còn sống.
Ngày 20/3, đoàn liên ngành quận Gò Vấp đã bắt quả tang bà Võ Thị Duyên (số 851 đường Phạm Văn Bạch,phường 12) giết mổ lợn trái phép. Bà Duyên khai nhận mua 10 con lợn, mới giết mổ 1 con và chấp nhận nộp phạt 8,5 triệu đồng. Theo ghi nhận của cơ quan chức năng, trên địa bàn quận Gò Vấp còn có khoảng 30 điểm giết mổ gia súc, gia cầm trái phép. Các điểm giết mổ lậu này ngoài gia súc, gia cầm không được kiểm dịch cơ sở để giết mổ hầu hết là tạm bợ, mất vệ sinh.
Trong một tuần (từ ngày 12-19/3), các cơ quan chức năng đã xử lý 182 vụ vi phạm về kinh doanh thực phẩm, thu giữ 747 con gà vịt, 8 con heo, 3.464kg thịt gia súc, 36.288 quả trứng gia cầm. Các trạm kiểm dịch động vật của Chi cục Thú y TP HCM cùng thời điểm liên tục bắt giữ nhiều xe tải vận chuyển gia súc, gia cầm sống, thịt và nội tạng động vật trái phép số lượng lớn.
Tại Trạm kiểm dịch Thủ Đức đã phát hiện 6 vụ vận chuyển động vật, sản phẩm động vật trái phép, tịch thu 161 con lợn thịt và 34 con lợn nái già thải loại.
Trạm thú y Củ Chi xử lý 11 vụ vi phạm, thu giữ hơn 300 con gia cầm, 102 kg thịt trâu đông lạnh, 125 kg mỡ lợn. Trạm thú y quận 12 xử lý 72 trường hợp vi phạm trong chăn nuôi, vận chuyển, kinh doanh động vật, sản phẩm động vật không rõ nguồn gốc, không giấy chứng nhận kiểm dịch, thu giữ 423 con gà, vịt sống, 127kg phụ phẩm bò, 133kg phụ phẩm lợn, 186kg thịt gà, 29.257 quả trứng gia cầm.
Thực phẩm bẩn tràn lan ngoài chợ, cửa hàng kinh doanh, nhà hàng, quán nhậu, tràn vào từng bếp ăn của mỗi gia đình đang là một thực tế đáng báo động. Thực phẩm bẩn là vấn nạn đang đe dọa mạng sống con người do cơ quan chức năng “quản không xiết” khiến hàng dởm nhiều, lại được “ma mị” trong chế biến rất tinh vi.
Tình trạng này xảy ra không chỉ ở hai thành phố lớn nhất nước mà trên khắp các địa phương. Đơn cử Lào Cai nói riêng, các địa phương miền núi thuộc tỉnh nói chung, hiện nay, tình trạng sản xuất, kinh doanh rượu không đảm bảo ATVSTP và rượu không rõ nguồn gốc có chiều hướng diễn biến phức tạp. Chỉ trong tháng 1-2014, các cơ quan chức năng đã phát hiện 3.000 lít rượu không rõ nguồn gốc đang được lưu hành trên thị trường và một vụ sản xuất 900 chai rượu không đảm bảo ATVSTP theo qui định.
Hay ở Tây Nguyên, trong dịp Tết Nguyên đán vừa qua, qua kiểm tra tại một số cửa hàng tạp hóa ở xã Ia Tiêm và Bờ Ngoong, huyện Chư Sê, Gia Lai, đoàn kiểm tra liên ngành huyện Chư Sê đã phát hiện một số mặt hàng quá hạn sử dụng, không có nhãn mác, nguồn gốc xuất xứ… nhưng vẫn bày bán cho người dân. Đặc biệt, các mặt hàng nem, chả bị phát hiện có chất hàn the trong sản phẩm. Theo báo cáo của đoàn thanh kiểm tra liên ngành ATVSTP tỉnh Gia Lai, trong thời gian này, qua kiểm tra 33 cơ sở sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm trên địa bàn TP Pleiku, đã phát hiện 18 cơ sở vi phạm các quy định trong đảm bảo ATVSTP. Đoàn thanh kiểm tra liên ngành cũng đã tịch thu và tiêu hủy 253,2kg thực phẩm bánh, kẹo, mứt không rõ nguồn gốc xuất xứ.
Kết quả điều tra cho thấy, ở Hà Giang hơn 9 năm qua (từ 2006 đến tháng 4-2014), tỉnh vùng cực bắc này đã xảy ra 21 vụ ngộ độc bánh ngô mốc với 121 người mắc; trong đó có tới 48 người bị tử vong (chiếm tỷ lệ 39,6%). Riêng năm 2013 đã xảy ra một vụ ngộ độc bánh ngô mốc tại xã Cán Tỷ, huyện Quản Bạ với 7 người mắc, trong đó có 4 người tử vong.
Biện pháp đồng bộ
Thực phẩm tác động trực tiếp đến sức khỏe, thậm chí tính mạng người tiêu dùng nên thực phẩm bẩn, thực phẩm không rõ nguồn gốc xuất xứ đang là mối lo ngại của từng gia đình. Thực trạng này không mới, nhưng kéo dài mà chưa khắc phục được. Muốn hạn chế, ngăn ngừa tình trạng này, có lẽ cần những giải pháp đồng bộ và quyết liệt hơn.
Kiểm tra thực phẩm tại cửa hàng
Trước hết là nâng cao hơn nữa trách nhiệm của Nhà nước, của các cấp chính quyền địa phương và các cơ quan chức năng, trong việc đưa ra những chính sách những quy định chặt chẽ bên cạnh việc tăng cường kiểm tra, xử lý. Những biện pháp chế tài lâu nay dường như chưa đủ mạnh, rất ít vụ được xử lý bằng hình sự. Thống kê xét xử cho thấy, từ năm 2002-2008 ngành Tòa án mới chỉ xét xử 1 vụ án đối với tội vi phạm quy định về vệ sinh an toàn thực phẩm (VSATTP). Điều này cho thấy chính các cơ quan pháp luật chưa thấy hết tính chất nguy hiểm của tội vi phạm quy định về VSATTP.
Chi cục trưởng Chi cục Thú y TP HCM Phan Xuân Thảo cũng nhận định, thực phẩm kém phẩm chất xuất hiện ngày càng nhiều tại thị trường TP HCM vì các cơ quan chức năng kiểm tra, xử lý không xuể. Mặt khác, một bộ phận người dân đã mua các loại thực phẩm rẻ tiền, không rõ nguồn gốc đã vô tình tạo điều kiện cho thực phẩm bẩn tồn tại. Hơn nữa, tình trạng kinh doanh thực phẩm trái phép khó dẹp là do chế tài hiện nay chưa đủ mạnh, kết quả xử lý các hành vi vi phạm còn nhẹ, không đủ sức răn đe.
Bên cạnh đó là việc tuyên truyền, phổ biến để nâng cao nhận thức của người dân trong việc tự bảo vệ, nhận biết những dấu hiệu vi phạm an toàn thực phẩm để lựa chọn. Hoạt động bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng cũng cần được phát huy hơn nữa.