Kinh tế

Kinh tế Nhà nước với kinh tế tư nhân: Bình đẳng, không phân biệt đối xử

Trang Nhi 02/04/2023 14:42

Ngày 2/4, Hội Doanh nhân tư nhân Việt Nam tổ chức Diễn đàn Kinh tế tư nhân lần thứ II với chủ đề "Để kinh tế tư nhân thực sự là động lực quan trọng của nền kinh tế" với sự tham dự của hơn 200 doanh nghiệp tư nhân lớn của đất nước.

Diễn đàn Kinh tế tư nhân đang hướng tới trở thành sự kiện thường kỳ để cộng đồng doanh nhân, doanh nghiệp và các bộ, ngành, cơ quan, chuyên gia kinh tế trao đổi, chia sẻ suy nghĩ, đánh giá kinh nghiệm thực tiễn về phát triển kinh tế. 

ntd.jpeg
PGS, TS Nguyễn Trọng Điều, Chủ tịch Hội Doanh nhân tư nhân Việt Nam phát biểu khai mạc Diễn đàn Kinh tế tư nhân lần II. Ảnh: VGP

Phát biểu khai mạc “Diễn đàn Kinh tế tư nhân lần II” với chủ đề “Để kinh tế tư nhân thực sự là động lực quan trọng của nền kinh tế”, PGS, TS Nguyễn Trọng Điều, Chủ tịch Hội Doanh nhân tư nhân Việt Nam nhấn mạnh kể từ khi tiến hành công cuộc Đổi mới năm 1986, Đảng đã xác định kinh tế tư nhân có vai trò quan trọng, là một trong những động lực của nền kinh tế, từ đó đề ra nhiều chủ trương, chính sách và tiền đề quan trọng phát triển kinh tế tư nhân và doanh nhân Việt Nam.

Nghị quyết 10/NQ-TW ngày 03/6/2017 của Hội nghị lần thứ 5 BCHTW Khóa XII của Đảng đặt ra yêu cầu phát triển kinh tế tư nhân cùng với kinh tế nhà nước và kinh tế tập thể trở thành động lực quan trọng của nền kinh tế thị trường định hướng XHCN.

Đại hội XIII của Đảng tiếp tục làm rõ hơn, sâu sắc hơn nhiều vấn đề mới về phát triển kinh tế tư nhân và khẳng định phát triển mạnh mẽ khu vực kinh tế tư nhân cả về số lượng, chất lượng, hiệu quả, bền vững, thực sự trở thành một động lực quan trọng trong phát triển kinh tế; xóa bỏ mọi rào cản, định kiến, tạo mọi điều kiện thuận lợi để phát triển kinh tế tư nhân.

“Trong bối cảnh đó, Diễn đàn Kinh tế tư nhân lần thứ II được kỳ vọng là dịp hội tụ tinh hoa trí tuệ, tâm huyết của các chuyên gia uy tín hàng đầu đất nước và của cộng đồng doanh nhân. Các ý kiến tập trung đánh giá kết quả 5 năm triển khai thực hiện Nghị quyết 10/NQ-TW của Hội nghị Trung ương 5 Khóa XII của Đảng về phát triển kinh tế tư nhân để rút ra những bài học cần thiết cho chặng đường phát triển mới”, PGS, TS Nguyễn Trọng Điều khẳng định.

hn.jpeg
Diễn đàn Kinh tế tư nhân lần thứ II diễn ra với sự tham dự của lãnh đạo, đại diện một số bộ, ngành, cơ quan Trung ương, các chuyên gia kinh tế và hơn 200 doanh nghiệp tư nhân lớn của đất nước

Để thúc đẩy phát triển kinh tế tư nhân tiếp tục phát triển, giữ vững vai trò là một động lực quan trọng trong nền kinh tế, đạt các mục tiêu đề ra, TS. Cấn Văn Lực, Chuyên gia kinh tế trưởng Ngân hàng BIDV, thành viên Hội đồng tư vấn Chính sách tài chính - tiền tệ quốc gia kiến nghị các cơ quan chức năng của Nhà nước tiếp tục chú trọng kiến tạo để các thị trường (đất đai, lao động, tài chính, khoa học công nghệ, hàng hóa – dịch vụ) phát triển hài hòa, thông suốt, lành mạnh và bền vững. Đồng thời tiếp tục hoàn thiện thể chế, cải thiện thực chất, mạnh mẽ môi trường đầu tư – kinh doanh, tiến tới "minh bạch, công bằng, ổn định, nhất quán, dự báo được, kịp thời và thực thi tốt" đối với các cơ chế, chính sách. Có cơ chế, chính sách và cách làm phù hợp để khuyến khích hộ kinh doanh nâng cấp thành doanh nghiệp.

Chuyên gia kinh tế Vũ Đình Ánh nêu vấn đề kinh tế tư nhân và kinh tế Nhà nước không phải là 2 mặt đối lập, không phải là đối thủ cạnh tranh "một mất một còn" mà là các bộ phận bổ sung và hỗ trợ lẫn nhau cùng phát triển. Kinh tế tư nhân phát triển cũng có nghĩa là kinh tế Việt Nam phát triển. Các cơ quan chức năng cần tạo ra môi trường kinh doanh bình đẳng, không phân biệt đối xử giữa kinh tế Nhà nước với kinh tế tư nhân.

Ông Cao Tiến Đoan, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Thanh Hóa cho rằng, mặc dù về vấn đề tiếp cận nguồn vốn cho doanh nghiệp tư nhân trong thời gian qua được quy định khá cụ thể trong nhiều văn bản quy phạm pháp luật nhưng trên thực tế, việc tiếp cận vốn của các doanh nghiệp còn gặp nhiều khó khăn, vướng mắc. 

Ông Đoan cùng một số doanh nghiệp đề nghị ngành Ngân hàng kịp thời có hướng giải quyết những vấn đề tồn đọng nêu trên, giúp doanh nghiệp dễ dàng nắm bắt và tiếp cận được các nguồn vốn. Cùng với đó là tiếp tục đẩy mạnh cải cách hành chính, nhất là cải tiến quy trình, đơn giản hóa thủ tục cho vay; tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin vào điều hành quản lý, phân tích và phòng ngừa rủi ro. 

Trang Nhi