Niềm tin về tương lai của nữ phạm nhân
Trải qua những tháng ngày day dứt, ám ảnh về những sai lầm mắc phải, V.L.A. (SN 1999) đã cố gắng cải tạo và mong được hoàn lương.
Bước qua lầm lỡ
Gặp V.L.A. (SN 1999, ở Ninh Bình) đang thụ án tại Trại giam Ngọc Lý (Bắc Giang), nữ phạm nhân không ngại mở lòng về câu chuyện buồn đã đưa bản thân vướng vào vòng lao lý.
L.A. kể, trước kia vì nghe lời bạn bè rủ rê nên phải trả giá bằng bản án 3 năm 4 tháng tù với tội danh mua bán trái phép chất ma túy.
Đến giờ khi đã cải tạo được gần 3 năm ở trại giam, nhưng L.A. vẫn không quên được ngày bị cơ quan công an bắt giữ. Ký ức về phiên tòa xét xử năm ấy vẫn in đậm trong tâm trí của cô. Đó là ngày những người thân của các bị cáo đều có mặt đông đủ. Hình ảnh bố mẹ, cùng các anh chị em hiện rõ sự khắc khổ, xót xa khi nghe Tòa luận tội.
Sau khi bước chân vào cánh cửa nhà giam, nhớ lại những ngày đầu tiên mới chấp hành án, L.A. cho biết, cô đã suy sụp, đêm nào cũng khóc rất nhiều. Đối diện với bốn bức tường và cũng là đối diện với chính mình, L.A. đã thực sự ăn năn hối cải vì những lỗi lầm gây ra trong quá khứ.
Ở trong trại giam, điều khiến cô thấy day dứt chính là nghĩ về gia đình, người thân. Cũng vì hoàn cảnh gia đình khó khăn, nhà đông con nên bố mẹ không có điều kiện để đến thăm con gái.
"Em đau khổ đến mấy cũng không sao, nhưng điều khiến em ân hận nhất, chính là việc em có lỗi với những đấng sinh thành. Em mong bố mẹ coi như em là đứa con đang đi xa. Và một ngày nào đó em trở về có thể bắt tay để làm lại cuộc đời", L.A. tâm sự.
Có tay nghề từ sự chỉ bảo nhiệt tình
Lắng lại những cảm xúc về người thân, khi được hỏi sắp tới trở về có sợ những kỳ thị của mọi người, có dự định gì cho tương lai, L.A. đưa tay gạt nước mắt rồi bảo điều an ủi nhất với cô là dù đang mặc quần áo tù, nhưng vẫn được sống trong tình cảm và tình người rất bao dung nhân hậu.
Sau khi được Ban Giám thị và các cán bộ quản giáo quan tâm, chỉ bảo tận tình về cách ứng xử, giao tiếp; được phổ biến pháp luật, nội quy, quy định của cơ sở giam giữ; quyền và nghĩa vụ của phạm nhân; giá trị của lao động đối với đời sống của con người… đặc biệt là chính sách nhân đạo của Đảng và Nhà nước đối với người phạm tội, cùng những năm tháng rèn mình trong trại, nữ phạm nhân đã nhận ra được đâu là giá trị thực của cuộc sống. Đó sẽ là những hành trang quý giá để khi tái hòa nhập cộng đồng, cô sẽ luôn xem là bài học để tự răn mình không giẫm lên "vết xe đổ" của quá khứ.
"Trong suy nghĩ của em trại giam là môi trường phức tạp vì có nhiều người phạm pháp, lỗi lầm và bị xa lánh. Nhưng khi vào đây em thấy hoàn toàn khác. Em được học văn hóa, được học nghề, được cán bộ chỉ bảo tận tình và động viên tinh thần vượt qua nỗi nhớ nhà và rèn luyện bản thân", L.A. kể.
Trong thời gian tham gia cải tạo, L.A. hiểu rằng, con đường nhanh nhất để trở về đó chính là chăm chỉ cải tạo, chăm chỉ học nghề để sau này khi trở về có thể làm lại cuộc đời, sống bằng sức lao động của mình. Hiện ngoài biết nghề may, L.A. còn được học nghề làm móng (nail), làm mi giả.
"Ngày về của em không còn xa nữa, chỉ mong ngày trở về hòa nhập cộng đồng sẽ được gia đình và xã hội đón nhận, để em có cơ hội chuộc lại lỗi lầm với những người thân của mình, có cơ hội để làm lại cuộc đời", phạm nhân L.A. nói với đôi mắt đầy hy vọng.
Trong chuỗi chương trình "Thắp sáng ước mơ hoàn lương" do Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam phối hợp với Cục C10 (Bộ Công an) tổ chức tại Trại giam Ngọc Lý, L.A. đã nhận được "món quà" bất ngờ với sự xuất hiện của người cha.
Giây phút chứng kiến người cha từng bước bước vào hội trường, nữ phạm nhân òa khóc vì ước mơ bao năm nay đã được hiện thực hóa, nhưng hơn hết là ân hận vì phải gặp cha trong chốn lao tù. Cô gái trẻ nông nổi một thời gục đầu bật khóc rồi ôm lấy cha nức nở.
Vượt đường sá xa xôi lên thăm con gái, giây phút trùng phùng, ông V.X.T. động viên con gái cố gắng cải tạo thật tốt để về lại với vòng tay thương yêu, chờ mong của gia đình, trở thành công dân có ích cho xã hội.
Đánh thức thiện lương
Thiếu tướng Nguyễn Việt Hùng - Cục trưởng Cục C10 (Bộ Công an) cho biết, trại giam Ngọc Lý hiện quản giáo hơn 4.800 phạm nhân (trong đó có khoảng 1/4 phạm nhân độ tuổi thanh niên).
Xác định công tác phối hợp giáo dục phạm nhân trong độ tuổi thanh niên, giúp đỡ họ tái hòa nhập cộng đồng là hoạt động có ý nghĩa sâu sắc, thiết thực, góp phần giúp thanh niên lầm lỗi ổn định cuộc sống, giảm tỷ lệ tái phạm tội và vi phạm pháp luật. Trong những năm qua, Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam và Bộ Công an đã triển khai có hiệu quả Chương trình số 06 - phối hợp giáo dục, cải tạo và giúp đỡ phạm nhân trong độ tuổi thanh niên tái hòa nhập cộng đồng theo từng giai đoạn 5 năm.
Hai đơn vị đã huy động được nhiều nguồn lực xã hội với nhiều mô hình, chương trình thiết thực đóng góp quan trọng vào quá trình giáo dục, cải tạo tại các trại giam. Tạo môi trường giáo dục lành mạnh, thân thiện từ đó giúp phạm nhân đang chấp hành án tại các trại giam an tâm, tin tưởng, có ý chí vươn lên, tích cực học tập, lao động cải tạo tiến bộ, sớm tái hòa nhập cộng đồng, đoàn tụ với gia đình…
"Những năm qua do ảnh hưởng của dịch Covid-19, nhưng Chương trình số 06 vẫn được thực hiện một cách quyết liệt, đồng bộ, hiệu quả, đầy trách nhiệm. Trong đó, chương trình "Thắp sáng ước mơ hoàn lương" đã có nhiều hoạt động bổ ích, ý nghĩa như, thăm khám sức khỏe, cấp thuốc, hoạt động văn hóa văn nghệ, giao lưu, tặng quà, tư vấn, định hướng nghề nghiệp, hướng dẫn kỹ năng sống, kỹ năng sinh hoạt tái hòa nhập cộng đồng.
Chương trình thể hiện rõ lòng nhân ái, tính nhân văn, thể hiện sự quan tâm của các cấp, các ngành, đoàn thể đối với những phạm nhân đang chấp hành án tại các trại giam của Cục C10, Bộ Công an…", Thiếu Tướng Nguyễn Việt Hùng nhận định.