Indonesia và Nga ký hiệp định về dẫn độ
Ngày 31/3, tại Bali (Indonesia), Bộ trưởng Luật pháp và Nhân quyền Indonesia Yasonna H. Laoly và Bộ trưởng Tư pháp Nga Konstantin Chuychenko đã ký kết Hiệp định về dẫn độ Indonesia-Nga, AP đưa tin.
Hiệp định này thống nhất việc dẫn độ tội phạm xuyên quốc gia như tham nhũng, rửa tiền, buôn bán ma túy và tội phạm mạng.
Tại họp báo cùng ngày, Bộ trưởng Tư pháp Indonesia Yasonna Laoly nhấn mạnh, Hiệp định về dẫn độ có ý nghĩa quan trọng đối với Indonesia và Nga. Thỏa thuận này giúp hai bên thực thi pháp luật dễ dàng hơn trong việc hành động chống tội phạm, đặc biệt là tội phạm xuyên quốc gia như tham nhũng, rửa tiền, buôn bán ma túy và tội phạm mạng.
Bộ trưởng Yasona Laoly cũng khẳng định, việc ký kết hiệp định phù hợp với cam kết của Chính phủ Indonesia nhằm tăng cường hợp tác thực thi pháp luật xuyên biên giới với các nước thân thiện.
Các chuyên gia cho rằng, về mặt địa lý, cả Indonesia và Nga đều có diện tích lãnh thổ rất rộng nên dễ bị lợi dụng làm nơi lẩn trốn của những kẻ phạm tội. Mặc dù cơ chế đưa những người phạm tội tại sở tại về nước có thể được thực hiện thông qua cơ chế trục xuất và các quy định hợp tác trong nhập cư, nhưng hợp tác dẫn độ vẫn là lựa chọn quan trọng vì dẫn độ là chính thức và có tính ràng buộc.
Việc ký kết hiệp định dẫn độ này tiếp nối thành công của việc ký kết hiệp định tương trợ tư pháp trong các vấn đề hình sự giữa Indonesia và Nga tại Moscow hồi tháng 12/2019.
Indonesia hy vọng sớm tiến tới Hiệp định ASEAN về dẫn độ mang tính ràng buộc
Là quốc gia tổ chức và chỉ trì các cuộc đàm phán lần thứ 4 Nhóm công tác Hội nghị quan chức luật cấp cao ASEAN (ASLOM) về Hiệp định ASEAN về dẫn độ diễn ra tại Bali từ ngày 13-15/3, Indonesia cũng đã khuyến khích các quốc gia thành viên sớm Hiện thực hóa Hiệp định dẫn độ ASEAN.
Nhóm làm việc đã hoàn thành lần đọc thứ nhất tại cuộc họp này, là bước tiến quan trọng hướng tới việc hoàn thiện Hiệp định theo mục tiêu đặt ra.
Hiệp định ASEAN về dẫn độ được xây dựng trên cơ sở Hiệp định mẫu ASEAN về dẫn độ và có tham khảo các điều ước quốc tế về dẫn độ. Theo kế hoạch cuộc họp lần thứ 5 Nhóm công tác Hội nghị quan chức luật cấp cao ASEAN (ASLOM) về Hiệp định dẫn độ diễn ra tại Thái Lan vào tháng 6/2023, sau đó là tại Myanmar vào tháng 10/2023. Nhóm công tác dự kiến hoàn thành dự thảo cuối cùng vào tháng 10/2023 để báo cáo lên Hội nghị quan chức pháp luật cấp cao giữa các quốc gia ASEAN lần thứ 22 xem xét.
Cùng với các điều ước quốc tế trong khu vực khác như: Hiệp định tương trợ tư pháp về hình sự giữa các nước ASEAN, Công ước ASEAN về phòng, chống buôn bán người, đặc biệt là phụ nữ và trẻ em, Hiệp định ASEAN về dẫn độ khi được ký kết sẽ là công cụ pháp lý quan trọng, mạnh mẽ để các nước ASEAN hợp tác phòng, chống tội phạm một cách hiệu quả.