Đà Nẵng: Khu dân cư “ba không” giữa lòng thành phố
Đời sống - Ngày đăng : 07:28, 05/04/2014
Đó là không đường nhựa, không hệ thống chiếu sáng và không cống rãnh thoát nước.
15 năm sống với “ba không”
Con đường dẫn vào khu dân cư An Nhơn lởm chởm đất đá, ổ voi, ổ gà. Là khu dân cư trung tâm giữa lòng đô thị loại I song hai bên đường xen lẫn những ngôi nhà mới là những nền nhà cũ ngổn ngang gạch, ngói, cỏ lau mọc um tùm, nhếch nhác. Dẫn chúng tôi đi thăm khu dân cư An Nhơn, ông Vũ Duy Mưu, Bí thư Chi bộ 9 (phường An Hải Bắc, quận Sơn Trà) cho biết: Năm 1992, UBND TP Đà Nẵng cho phép thành lập khu dân cư An Nhơn thuộc phường An Hải Bắc, quận Sơn Trà, trên cơ sở quy hoạch khu gia đình cán bộ quân đội ở Đà Nẵng. Kể từ năm 1998, khi Đà Nẵng triển khai xây dựng cầu quay Sông Hàn và mở đường Phạm Văn Đồng, khu dân cư này nằm ngay đầu tuyến, phía Đông Nam nút giao thông Ngô Quyền - Phạm Văn Đồng và được ghi rõ trong bản đồ quy hoạch là “chỉnh trang đô thị”. Tuy nhiên, suốt 15 năm qua, khu dân cư gồm hai tổ dân phố với hơn 120 hộ dân thường xuyên sống trong cảnh mưa lầy, nắng bụi. Đường đi lại do dân tự làm bằng đủ loại vật liệu, gạch đá, đất cát, cống rãnh thoát nước không có, hệ thống chiếu sáng... không được đầu tư. Để bảo đảm sinh hoạt, người dân phải tự góp tiền xây cống thoát nước, lắp đặt hệ thống đèn chiếu sáng. Nhưng do tự phát, thiếu kết nối và quy hoạch chung nên tình trạng ngập úng trong mùa mưa, mù mịt bụi đất vào mùa nắng kéo dài đã hơn 15 năm nay.
Con đường lởm chởm đất đá
Bà con ở khu dân cư An Nhơn vẫn thường tự gọi nơi mình đang sống là vùng sâu giữa lòng thành phố. Từ hàng chục năm nay, bà con nhân dân các tổ 8 và 9 (nay là tổ 25, 26, 27, 28 và 29) liên tục có đơn kiến nghị, chất vấn trực tiếp tại các buổi tiếp xúc cử tri của đại biểu HĐND thành phố, đề nghị chính quyền đầu tư hệ thống giao thông, thoát nước và chiếu sáng. Tuy nhiên, nguyện vọng của người dân không được lãnh đạo thành phố quan tâm. Bà con trong tổ cũng có đơn kiến nghị, nếu thành phố khó khăn về vốn, người dân xin được góp vốn theo phương châm “Nhà nước và nhân dân cùng làm”. Tuy nhiên, UBND quận Sơn Trà cho biết, khu vực nói trên đã nằm trong dự án Khu thương mại dịch vụ Đông Nam, nút giao thông Phạm Văn Đồng - Ngô Quyền, thuộc phạm vi của UBND Tp nên không thể thực hiện theo phương châm Nhà nước và nhân dân cùng làm được.
Chị Nguyễn Thị Hiền, người dân khu dân cư An Nhơn bức xúc, mang tiếng ở thành phố nhưng khu dân cư thiếu thốn đủ bề, ô nhiễm môi trường, buổi tối cả xóm tối om như ở vùng nông thôn, khách khứa không ai dám đến chơi nhà, mùa mưa thì nước tràn vào nhà do không có hệ thống cấp thoát nước.
“Ba không” vì quy hoạch treo
Ông Mưu bên cây cột điện do người dân tự đóng góp để có điện chiếu sáng
Ông Nguyễn Văn Hưng, người dân tổ 28 bức xúc, theo quy định của UBND TP Đà Nẵng, những khu dân cư ổn định, có nhà ở trên 50% sẽ được đầu tư làm đường nhựa, thoát nước... Thế nhưng khu vực của chúng tôi hình thành đã 22 năm, nhà ở đến trên 90%, lại không đường, không điện, không thoát nước, chẳng khác gì vùng sâu, vùng xa trong lòng thành phố. Trong khi đó, chỉ cách đường 7m là khu tái định cư D84, dù tỷ lệ nhà ở mới chỉ 20-25% đã có đầy đủ cơ sở hạng tầng khang trang.
Ông Nguyễn Thành Nam, Bí thư kiêm Chủ tịch UBND phường An Hải Bắc cho biết: Khu vực tổ 25 đến 29 thành lập từ năm 1988, trước đây là tổ 8,9 cũ nằm trong dự án quy hoạch Khu thương mại dịch vụ phía Đông Nam cầu Sông Hàn. Sau đó, khu vực trên được công bố giải tỏa khu thương mại dịch vụ, nhưng còn hơn 130 hộ liên quan đến tổ 8, 9 cũ lại không nằm trong diện đó. Chính vì vậy mà hạ tầng nằm trong vùng quy hoạch chưa được quan tâm đầu tư. Ông Nam thừa nhận, thực trạng “ba không” trên, phường đã nhiều lần kiến nghị lên UBND thành phố nhưng vẫn chưa được giải quyết.
Nằm ngay giữa trung tâm thành phố, xung quanh là những ngôi nhà cao tầng đua nhau mọc lên, thế nhưng ngày ngày, người dân khu dân cư An Nhơn vẫn đang tiếp tục sống trong điều kiện vùng sâu, vùng xa giữa lòng đô thị loại I.