Dòng phim võ thuật Trung Quốc đang thoái trào?
Từng một thời làm mưa làm gió trên thị trường điện ảnh Hoa ngữ, nhưng khi dòng phim võ thuật bị bão hòa đã khiến những cái tên Lý Liên Kiệt, Thành Long, Hồng Kim Bảo, Chân Tử Đan... chỉ còn là cái bóng của thời quá khứ. Chính họ còn buông lời chua chát "võ thuật oanh tạc một thời nay còn đâu”.
Ngày 26/3 vừa qua, khi tham gia buổi quảng bá cho bộ phim Long mã tinh thần, Thành Long đã có những giây phút trải lòng về hiện trạng xuống dốc của dòng phim võ thuật tại Trung Quốc. Nam diễn viên cho biết sự khó khăn khi tìm một ngôi sao hành động trẻ tuổi kế nghiệp, bởi theo ông, diễn viên hiện tại chỉ chú trọng vào ngoại hình.
Nước mắt của những ông hoàng võ thuật
Khởi nguyên cho sự phát triển của dòng phim võ thuật là ở Hong Kong (Trung Quốc) vào những năm 1970, gắn liền với tên tuổi của huyền thoại Lý Tiểu Long qua hàng loạt bộ phim ăn khách như: Tinh Võ môn, Long tranh hổ đấu, Mãnh Long quá giang, Trò chơi tử thần…
Từ đó, cái tên Lý Tiểu Long trở thành siêu sao Kung Fu đẳng cấp thế giới và giúp cho dòng phim võ thuật nổi danh ở thị trường điện ảnh Hoa ngữ, châu Á, cũng như bắt đầu chạm ngõ kinh đô điện ảnh Hollywood.
Sau Lý Tiểu Long, những ngôi sao võ thuật vừa giỏi diễn, vừa giỏi võ liên tiếp xuất hiện trên màn ảnh. Có thể kể đến vài cái tên tiêu biểu như Thành Long, Nguyên Hoa, Nguyên Bưu, Lý Liên Kiệt, Chân Tử Đan, Hồng Kim Bảo, Triệu Văn Trác…
Thập niên 2000, điện ảnh Hoa ngữ được đánh giá là đỉnh cao, khi tác phẩm Ngọa hổ tàng long của đạo diễn Lý An đại náo giải Oscar. Bộ phim nhận được 4 giải trong số 10 đề cử tượng vàng. Kể từ đó, đề tài võ thuật trở thành mỏ vàng của giới làm phim Trung Quốc.
Nhưng kể từ sau năm 2010, dòng phim này chết dần ở thị trường điện ảnh Trung Quốc. Hàng năm, nhà sản xuất tại đất nước tỷ dân đều cho ra rạp ít nhất một tác phẩm lấy chủ đề võ học Trung Hoa làm cốt lõi. Thế nhưng, tất cả đều không gây được tiếng vang, thậm chí còn bị cho là "thảm họa".
Nhiều năm qua, các tin tức về Lý Liên Kiệt, Hồng Kim Bảo đều xoay quanh chủ đề bệnh tật, sức khỏe suy giảm. Thành Long ở tuổi 65 vẫn được công chúng yêu mến gọi với danh xưng "Vua Fung Fu quốc dân", vẫn có tiếng nói nhất định trong giới, nhưng giá trị và sức hút không còn được như xưa. Chính họ còn buông lời chua chát, thừa nhận dòng phim này suy tàn và tự khóc cho "phim võ thuật oanh tạc một thời, nay còn đâu"?
Vấn nạn cảnh võ thuật giả tạo, kỹ xảo thảm họa
Cùng với sự phát triển nhanh chóng của các hãng phim tư nhân, trang phim truyện mạng, đã khiến Trung Quốc bị xoáy vào vòng đáp ứng những tác phẩm điện ảnh mang số lượng nhiều hơn chất lượng.
Nhiều bộ phim phải ra cùng một lúc, trên nhiều phương tiện mạng xã hội khác nhau khiến từ đạo diễn, ekip đã phải chạy đua với thời gian và chỉ thích những sản phẩm "mì ăn liền".
Theo Sohu, các phim truyền hình vài năm trở lại đây như Tuyết trung hãn đao hành, Phong khởi Lạc Dương, Quân Cửu Linh... có nhược điểm cảnh võ thuật dàn dựng kém, lạm dụng quay chậm, khiến khán giả khó chịu.
Phong khởi Lạc Dương của đạo diễn Tạ Trạch còn bị tố cáo bắt chước động tác võ trong phim hoạt hình. Trước đó, phim kiếm hiệp Thiên Long Bát Bộ 2021, bị chê mờ nhạt chất võ hiệp.
Trong Ngọa hổ tàng long của đạo diễn Lý An, ở cảnh Chương Tử Di và Dương Tử Quỳnh đuổi nhau trên nóc nhà, dù phân tích ở góc quay nào, người xem đều nhìn ra họ làm thế nào để có lực đẩy bay lên.
Văn hóa võ hiệp cũng là bộ phận quan trọng của văn hóa Trung Quốc. Vì sao cảnh võ thuật trở nên yếu kém như hiện nay?
Các đạo diễn cho rằng, trách nhiệm không nhỏ thuộc về những người làm nghề chỉ đạo hành động. Ngay từ khi khởi quay một bộ phim, cách nghĩ của họ đã có vấn đề. Cảnh võ thuật không đơn thuần là xuất chiêu đánh nhau, mà để phục vụ nội dung, tinh thần của tác phẩm.
Khi thiết kế động tác, chỉ đạo hành động cần hiểu nội dung phim và tính cách nhân vật. "Nhưng bây giờ nhiều người làm nghề này bắt chước cảnh võ thuật trong các phim kinh điển để áp dụng cho phim mới. Họ cũng chẳng hiểu tác phẩm kinh điển đó vì sao có cảnh hành động như thế, vì sao dùng phương pháp quay chậm", đạo diễn Tôn Văn Trị nói.
Thiếu nhân tài võ thuật trẻ tuổi
Những năm qua màn ảnh Trung Quốc vẫn loay hoay tìm kiếm trong vô vọng, những tên tuổi sẽ thay thế Thành Long, Lý Liên Kiệt thổi bùng ngọn lửa giúp dòng phim võ thuật hồi sinh.
Vài cái tên xuất hiện vẫn chưa đủ tầm thay thế thế hệ công thần. Chân Tử Đan, Ngô Kinh trở thành hi vọng vàng của màn ảnh Hoa ngữ ở thời điểm các đàn anh không còn phong độ như xưa.
Thế nhưng, phong độ bất ổn và chưa có những kịch bản thực sự hay đã khiến những cái tên này chỉ phát triển trong một thời gian ngắn. Trong khi đó, những cái tên nổi bật được đánh giá cao về tài năng võ thuật như Bành Vu Yến, Trương Tấn, Ngũ Doãn Long... gần như mất hút trên màn ảnh.
“Ai sẽ là người nối gót, kế thừa tinh hoa võ học của đàn anh đi trước. Câu hỏi này đến nay vẫn còn bỏ ngỏ. Hiện tại, các sao trẻ chẳng ai mặn mà theo đuổi việc trở thành siêu sao võ thuật", QQ nhận định.