Tâm điểm dư luận

Kiểm soát quyền lực trong xây dựng chính sách, pháp luật

Trung Nguyễn 31/03/2023 - 15:19

Đấu tranh phòng, chống các biểu hiện tham nhũng, tiêu cực dưới hình thức "nhóm lợi ích" là vấn đề đã được đề cập tới trong nhiều văn kiện của Đảng, được dư luận xã hội rất quan tâm trong thời gian gần đây.

Kiểm soát quyền lực để phòng, chống "lợi ích nhóm", "tham nhũng chính sách" trong hoạt động xây dựng chính sách, pháp luật có vai trò và ý nghĩa rất quan trọng, trọng tâm nằm ở khâu xây dựng, hoàn thiện thể chế - là một trong những khâu đột phá chiến lược trong mục tiêu phát triển đất nước, xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam.

Kết luận số 19-KL/TW của Bộ Chính trị nêu rõ, trong quá trình triển khai thực hiện Chương trình xây dựng pháp luật nhiệm kỳ Quốc hội Khóa XV chú trọng hoàn thiện hệ thống pháp luật đầy đủ, đồng bộ, thống nhất, kịp thời, khả thi, ổn định, công khai, minh bạch, có sức cạnh tranh quốc tế; lấy quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của người dân, doanh nghiệp làm trọng tâm; tăng cường giám sát, kiểm soát việc thực hiện quyền lực nhà nước.

Đồng thời, siết chặt kỷ luật, kỷ cương, đề cao trách nhiệm, nhất là người đứng đầu trong xây dựng pháp luật; chống tiêu cực ngay trong công tác xây dựng pháp luật, không bị chi phối, tác động bởi các hành vi không lành mạnh của bất cứ tổ chức, cá nhân nào, không để xảy ra tình trạng lồng ghép "lợi ích nhóm", lợi ích cục bộ của cơ quan quản lý nhà nước trong văn bản pháp luật.

Kiểm soát quyền lực để phòng, chống "lợi ích nhóm", "tham nhũng chính sách" trong hoạt động xây dựng chính sách, pháp luật được thực hiện chủ yếu thông qua quy trình được quy định tại Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật và các văn bản liên quan.

Tuy nhiên, trong quá trình tổ chức thực hiện, vẫn còn một số hạn chế, dẫn đến hiệu quả kiểm soát quyền lực để phòng, chống "lợi ích nhóm", tham nhũng từ hoạch định chính sách chưa cao.

Trong quá trình soạn thảo luật, việc lấy ý kiến đối với dự thảo và kể cả đối với đề nghị xây dựng luật, nhìn chung có nơi, có lúc còn mang tính hình thức; chất lượng ý kiến đóng góp chưa cao, nhất là đối với những vấn đề mới, phức tạp, còn nhiều tranh luận.

Một số dự án luật có chất lượng chưa tốt được trình ra Quốc hội và sau khi Quốc hội cho ý kiến thì cần phải sửa lại rất nhiều. Còn tình trạng chính sách quy định trong luật không chặt chẽ dẫn đến sơ hở, lợi dụng trong việc thi hành; luật quy định chung, chưa cụ thể, ...

kiem-saot-456789.jpg

Để thực hiện tốt mục tiêu kiểm soát quyền lực trong hoạt động xây dựng chính sách, pháp luật, cơ quan soạn thảo luật cần thực hiện nghiêm túc các trình tự, thủ tục xây dựng, ban hành văn bản quy phạm pháp luật, nhất là tiến hành việc tổng kết thực tiễn, đánh giá tác động của chính sách, đánh giá thủ tục hành chính đầy đủ, có chất lượng.

Xây dựng chính sách minh bạch, cụ thể, rõ ràng, đồng bộ, thống nhất, đúng thẩm quyền, không có lợi ích cục bộ, lợi ích nhóm, bảo đảm thể chế hóa đúng chủ trương, đường lối của Đảng.

Tăng cường trách nhiệm của Chính phủ và các thành viên Chính phủ trong việc chỉ đạo hoạt động xây dựng pháp luật. Không để lọt lợi ích cục bộ, không để sơ hở về chính sách dễ dẫn đến lạm dụng để tham nhũng. Trong xây dựng chính sách, phải đổi mới, thay đổi từ tư duy quản lý sang tư duy phục vụ nhân dân.

Hoạt động thẩm tra cần công khai, huy động sự tham gia của các ĐBQH quan tâm đến dự án, sự theo dõi của báo chí, tổ chức xã hội, của nhân dân, qua đó giám sát hoạt động thẩm tra, bảo đảm hoạt động này diễn ra minh bạch, khách quan. Mỗi ủy ban phải chịu trách nhiệm "gác cổng", "kiểm soát" về các chính sách thuộc lĩnh vực ủy ban phụ trách.

Nâng cao trách nhiệm người đứng đầu của các cơ quan, tổ chức có trách nhiệm trong quy trình xây dựng pháp luật. Đồng thời, cần nâng cao đạo đức, giáo dục chính trị - tư tưởng cho cán bộ, công chức, đảng viên, để phòng, chống "lợi ích nhóm", tham nhũng từ hoạch định chính sách.

Tại phiên họp của Đảng đoàn Quốc hội mới đây, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nhấn mạnh: Kiểm soát quyền lực trong xây dựng pháp luật không chỉ có Quốc hội giám sát Chính phủ mà nhiều cơ quan, chủ thể phải cùng giám sát lẫn nhau; phải chú trọng cả quy định “phòng” và quy định “chống”, có chế tài cụ thể, rõ ràng để bảo đảm kiểm soát quyền lực hiệu quả.

Trung Nguyễn