Kỷ niệm 100 năm ngày sinh Đại tướng Nguyễn Chí Thanh: Quê hương tri ân Đại tướng
Đời sống - Ngày đăng : 23:21, 24/12/2013
Đây là một chương trình hoạt động có ý nghĩa chính trị - xã hội to lớn nhằm tuyên truyền cho cán bộ, đảng viên và nhân dân hiểu rõ hơn về cuộc đời, thân thế, sự nghiệp và công lao to lớn của Đại tướng Nguyễn Chí Thanh.
Vị tướng được Bác Hồ đặt tên
Đại tướng Nguyễn Chí Thanh tên thật là Nguyễn Vịnh, sinh ngày 1/1/1914 ở làng Niêm Phò, xã Quảng Thọ, huyện Quảng Điền, tỉnh Thừa Thiên Huế. Ông sinh trưởng trong một gia đình trung nông, thuở nhỏ cũng được học hành. Năm 14 tuổi, cha qua đời, gia đình nghèo, ông bỏ học, đi làm tá điền kiếm sống và nuôi gia đình.
Đại tướng Nguyễn Chí Thanh
Năm 1934, ông tham gia cách mạng trong phong trào Mặt trận Bình dân. Ba năm sau, ông gia nhập Đảng Cộng sản Đông Dương, lần lượt giữ các chức vụ: Bí thư Chi bộ, Bí thư Tỉnh ủy Thừa Thiên.
Từ năm 1938 đến năm 1943, ông nhiều lần bị Pháp bắt giam ở nhà lao Huế, Lao Bảo, Buôn Ma Thuột. Đến khi Nhật đảo chính Pháp (ngày 9/3/1945), ông mới ra tù. Sau khi ra tù và trở lại hoạt động, ông được bầu làm Bí thư Khu ủy khu IV và được cử đi dự Quốc dân Đại hội ở Tân Trào (8/1945). Trong Đại hội Đảng ở Tân Trào, ông được bầu vào Ban chấp hành Trung ương Đảng và được chỉ định làm Bí thư Xứ ủy Trung Kỳ, có nhiệm vụ theo dõi và tổ chức giành chính quyền tại Trung Kỳ trong Cách mạng Tháng 8.
Từ năm 1948 đến 1950, ông làm Bí thư Liên khu ủy IV, sau đó được cử sang làm Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam. Trong Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ II (1951), ông lại được cử vào Bộ Chính trị. Sau 25 năm hoạt động cách mạng, lập được nhiều chiến công vẻ vang, năm 1959, ông được phong quân hàm Đại tướng.
Cái tên Nguyễn Chí Thanh mà chúng ta vẫn gọi ngày nay là tên do chính Bác Hồ đặt cho ông.
Nói đến Nguyễn Chí Thanh là nói đến phong trào quần chúng. Hầu như ông sinh ra trên đời này là để sống với nhân dân. Là Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng ban Nông nghiệp Trung ương nhưng hầu như Nguyễn Chí Thanh có mặt cả tháng liền với các hợp tác xã. Có thể nói, Đại tướng Nguyễn Chí Thanh ở đâu là ở đó có phong trào quần chúng. Bởi ông tin tưởng sâu sắc vào sức mạnh của quần chúng. Ông thường nói: “Không có quần chúng thì không thể có thắng lợi của cách mạng”.
Năm 1954, khi miền Bắc hoàn toàn giải phóng, ông cùng gia đình từ chiến khu trở về Hà Nội, cơ quan định bố trí cho ông một căn hộ ở bên hồ Trúc Bạch. Đó là một biệt thự đẹp, có mái nhọn cao vút, trang trí nội thất sang trọng. Nhưng ông đã từ chối và đề nghị bố trí cho mình một chỗ ở trong khu quân đội. Ông tâm sự với các đồng chí xung quanh: "Từ chiến tranh chuyển sang hòa bình, khó tránh khỏi chớm nở trong bộ đội tư tưởng đòi hưởng thụ. Mình ở nhà sang quá thì khó gần gũi anh em, mà có khi muốn nói điều cần nói cũng khó lọt tai người nghe".
Trung tướng Đoàn Chương, nguyên thư ký riêng cho Đại tướng nhiều năm, kể lại: Theo chế độ, chính sách, với cương vị là Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị, gia đình ông được cơ quan trang bị thêm tủ, giường và một số đồ dùng khác. Nhưng ông bảo đem phân phối cho những anh em khác đang còn thiếu thốn.
Quê hương tri ân Đại tướng
Hòa chung không khí cả nước hướng đến kỷ niệm 100 năm ngày sinh Đại tướng Nguyễn Chí Thanh, tại quê hương ông, huyện Quảng Điền, tỉnh Thừa Thiên Huế đã triển khai rất nhiều chương trình, hoạt động nhằm tri ân ông, người con ưu tú của quê hương, niềm tự hào của đất mẹ Quảng Điền.
Nhà của Đại tướng Nguyễn Chí Thanh ở thôn Niêm Phò, xã Quảng Thọ, huyện Quảng Điền
Dưới sự chỉ đạo của UBND tỉnh, huyện Quảng Điền đã triển khai nhiều chương trình, hoạt động ý nghĩa chào mừng kỷ niệm tròn 100 năm ngày sinh Đại tướng.
Ngay từ đầu năm, UBND tỉnh Thừa Thiên Huế cũng như huyện Quảng Điền đã đẩy mạnh việc tăng cường công tác giáo dục bằng nhiều hình thức về cuộc đời, hoạt động cách mạng của Đại tướng Nguyễn Chí Thanh, những đóng góp to lớn của Đại tướng đối với sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc; đặc biệt là đối với quân đội nhân dân Việt Nam, với Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam. Tháng 9/2013, UBND huyện đã tổ chức cuộc thi “Tìm hiểu về cuộc đời, thân thế và sự nghiệp cách mạng của Đại tướng Nguyễn Chí Thanh” cho học sinh các trường THPT, THCS và Trung tâm Giáo dục thường xuyên trên địa bàn huyện. Kết quả đã có hơn 10.000 bài dự thi được gửi về cho ban tổ chức. Bên cạnh đó, huyện đã chỉ đạo Phòng GD-ĐT, Hội Cựu chiến binh, Huyện đoàn phối hợp tổ chức các hoạt động với chủ đề “Về nguồn” để tổ chức, hướng dẫn các đoàn đến tham quan, tìm hiểu khu lưu niệm Đại tướng Nguyễn Chí Thanh, dâng hương tại Tượng đài Đại tướng…
Đặc biệt, huyện đã xin Sở VH-TT và DL tỉnh liên hệ với Nhà hát ca kịch Huế hỗ trợ tổ chức công diễn vở ca kịch “Sáng trong như ngọc một con người” - một vở kịch nói về vị Đại tướng kính yêu của chúng ta.
Ngoài các hoạt động kể trên, mỗi đơn vị trên địa bàn đều có những chương trình, hoạt động riêng nhằm tưởng nhớ, tri ân công ơn của Đại tướng đối với quê hương, đất nước. Qua đó, hướng đến mục đích giáo dục truyền thống, tư tưởng cho các thế hệ con em trên địa bàn.
Đến Quảng Điền vào những ngày này, du khách sẽ thấy được không khí hết sức vui tươi, phấn khởi bởi mọi người dân đều hướng tấm lòng tri ân Đại tướng - người con ưu tú của quê hương Quảng Điền.
Quốc Tuấn