Nỗ lực lớn nhằm giảm thiểu tỉ lệ vi phạm bản quyền xuống còn 70% vào năm 2018

Đời sống - Ngày đăng : 17:04, 09/12/2013

Việc sử dụng phần mềm vi phạm bản quyền không phải là chuyện hiếm ở Việt Nam.

Mới đây, đoàn công tác liên ngành phòng chống in lậu Trung ương bao gồm các cán bộ thanh tra từ Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch và Bộ Công An vừa tiến hành xem xét và điều tra tại ba công ty sản xuất là Công ty cổ phần VS Industry Việt Nam, Công ty cổ phần xi măng Fico – Tây Ninh và Công ty cổ phần đầu tư Thái Bình (Thai Binh Shoes). Theo biên bản thanh tra của đoàn công tác có xác nhận của các đối tượng bị điều tra, đoàn công tác đã phát hiện ra một loạt các phần mềm bị vi phạm bản quyền của Microsoft cũng như các phần mềm không hợp lệ khác của Lạc Việt, Autodesk, Adobe v.v. Ba công ty này sẽ bị các cơ quan chức năng xử phạt cũng như phải đối mặt với các nguy cơ bị kiện cáo dân sự từ các đơn vị bị vi phạm bản quyền.

Nỗ lực lớn nhằm giảm thiểu tỉ lệ vi phạm bản quyền xuống còn 70% vào năm 2018

Cơ quan chức năng kiểm tra tại Công ty cổ phần đầu tư Thái Bình

Trước đó, các thanh tra của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch và Cục cảnh sát phòng chống tội phạm công nghệ cao thuộc Bộ Công An đã báo cáo về việc phát hiện ra các phần mềm vi phạm bản quyền trị giá 10 tỷ đồng đang được sử dụng tại sáu công ty nước ngoài tại Hà Nội vào tháng 10/2013. Đây là một cuộc khám xét trên quy mô lớn các công ty nước ngoài có tiềm lực tài chính vững mạnh đang hoạt động tại nhiều lĩnh vực như kinh doanh giày dép, dược phẩm, phụ kiện may mặc, hàng điện tử v.v.

Các nỗ lực xử lý vi phạm bản quyền được thực hiện nghiêm ngặt kể từ khi Chính phủ  công bố mục tiêu cắt giảm tỷ lệ vi phạm bản quyền phần mềm xuống còn 70% trong 05 năm tới. Thống kê từ Liên minh phần mềm doanh nghiệp BSA đã chỉ ra với tỷ lệ vi phạm bản quyền hiện nay là 81%, giảm 11% so với tỷ lệ 92% năm 2004, Việt Nam được coi là một trong những quốc gia đấu tranh và giải quyết vấn đề này hiệu quả nhất. Thành công đó không thể đạt được nếu thiếu đi những nỗ lực và hỗ trợ mạnh mẽ từ rất nhiều các cơ quan ban ngành của Chính phủ Việt Nam, các tổ chức và toàn ngành công nghệ thông tin. Cũng theo một nghiên cứu mới đây của BSA, tỷ lệ vi phạm bản quyền cứ giảm đi 1%  sẽ làm tăng thêm 50 triệu USD cho nền kinh tế. Điều này cho thấy giá trị kinh tế của Việt Nam sẽ tăng lên rất nhiều khi đạt được mục tiêu cắt giảm 10% tỷ lệ vi phảm bản quyền trong 5 năm tới.

Nỗ lực lớn nhằm giảm thiểu tỉ lệ vi phạm bản quyền xuống còn 70% vào năm 2018

Cơ quan chức năng kiểm tra tại Công ty cổ phần VS Industry Việt Nam

Để đạt được mục tiêu của Chính phủ, ngoài các chiến dịch tuyên truyền và giáo dục về phần mềm có bản quyền, các chiến dịch thanh tra và xử phạt cũng đang được tăng cường để giảm thiểu tỷ lệ vi phạm bản quyền.

“Sử dụng các phần mềm không có bản quyền mang lại nhiều nguy cơ cho người sử dụng vì những phần mềm đó không đảm bảo độ an toàn của các dữ liệu, hoạt động và trao đổi từ các tội phạm an ninh mạng cố tình tấn công người sử dụng. Với doanh nghiệp, những phần mềm lậu không chỉ khiến hệ thống IT của doanh nghiệp dễ bị virus tấn công, làm giảm đi khả năng bảo mật, ảnh hưởng đến năng suất hoạt động và phá hủy toàn hệ thống mà còn ảnh hưởng đến uy tín của doanh nghiệp trong trường hợp bị phát hiện sử dụng phầm mềm lậu và đẩy doanh nghiệp phải đối mặt với các hình thức xử phạt hành chính, thậm chí là hình sự. Như vậy có thể thấy, giá thành của một phần mềm có bản quyền là không hề đắt so với cái giá mà doanh nghiệp phải trả để xử lý hậu quả cũng như các nguy cơ có thể xảy ra như đã nói ở trên.”, ông  Vũ Xuân Thành - Chánh Thanh tra Bộ Văn hóa - Thể thao & Du lịch cho biết.

Do tính nghiêm khắc từ các hình phạt hiện hành đối với hành vi sử dụng phần mềm không bản quyền, các doanh nghiệp cần phải cân nhắc kỹ và nghiêm túc suy nghĩ nếu không muốn phải đối mặt với pháp luật. Theo điều khoản 170a Bộ Luật hình sự, Người nào không được phép của chủ thể quyền tác giả, quyền liên quan mà thực hiện một trong các hành vi xâm phạm quyền tác giả, quyền liên quan đang được bảo hộ tại Việt Nam với quy mô thương mại, thì bị phạt tiền từ năm mươi triệu đồng đến năm trăm triệu đồng hoặc cải tạo không giam giữ đến hai năm. Các trường hợp phạm tội có tổ chức hoặc phạm tội nhiều lần , hình phạt còn nặng hơn, bị phạt tiền từ bốn trăm triệu đồng đến một tỷ đồng hoặc phạt tù từ sáu tháng đến ba năm. Thêm vào đó, người sở hữu tác quyền cũng được quyền sử dụng các biện pháp khác để xử lý việc vi phạm quyền sở hữu trí tuệ của mình, như tiến hành khiếu tố tại tòa án có thẩm quyền theo Điều 198.1d, Luật Sở hữu trí tuệ, và/hoặc yêu cầu tòa án buộc người vi phạm phải ngừng hành động vi phạm, chính thức xin lỗi và có biện pháp khắc phục, yêu cầu người vi phạm bồi thường thiệt hại, kể cả thiệt hại vật chất, cũng như trả án phí theo các Điều 202, 204, 205, Luật Sở hữu trí tuệ.

Chi tiết các cuộc kiểm tra như sau:

1. Công ty Cổ phần VS Industry Việt Nam, là công ty cổ phần niêm yết, có trụ sở tại Bắc Ninh chuyên sản xuất  phụ tùng, máy móc nhựa đúc, các bộ phận cho máy in lase, máy in phun, máy fax và điện thoại không dây, Thiết kế, sản xuất và kinh doanh khuôn ép nhựa và các dịch vụ bảo trì để xuất khẩu cho các công ty nổi tiếng như Canon, LG và Panasonic (Nguồn: website của công ty). Trong quá trình kiểm tra, đoàn kiểm tra đã phát hiện công ty sử dụng các phần mềm lậu có trị giá khoảng 75.000 USD.

2. Công ty cổ phần xi măng FICO-Tây Ninh là nhà sản xuất các sản phẩm xi măng bao gồm gạch, ngói lợp mái, gạch men, thiết bị vệ sinh, gạch nung v.v xuất khẩu đi các nước như Hoa Kỳ, Pháp, Nga, Australia, Hàn Quốc, Singapore, Đài Loan và Nhật Bản (Nguồn: Website của công ty). Qua điều tra chi nhánh của công ty tại TP.HCM, đoàn thanh tra đã phát hiện các phần mềm lậu được sử dụng có tổng trị giá khoảng 45.000 USD.

3. Công ty cổ phần đầu tư Thái Bình (Thái Bình Shoes) là công ty sản xuất giày dép tại tỉnh Bình Dương, chuyên sản xuất sản phầm cho các thương hiệu như Reebok, Skechers, Quik-silver để xuất khẩu sang Hoa Kỳ, Châu Âu, Mỹ La tinh và Nhật Bản. Được thành lập từ năm 1992, công ty hiện nay là 1 trong 10 công ty sản xuất giày dép hàng đầu tại Việt Nam với doanh thu xuất khẩu năm 2009 ước tính đạt hơn 80 triệu USD. (Nguồn: website của công ty). Trong quá trình kiểm tra, đoàn kiểm tra đã phát hiện công ty sử dụng các phần mềm lậu có trị giá khoảng 60.000 USD.

PV