Văn hóa - giải trí

Công an đang điều tra, làm rõ vụ thất lạc sách tại Viện Hán Nôm

Trang Nhi 30/03/2023 16:47

Ngày 30/3, Viện Hán Nôm thông tin, số sách thất lạc được tìm thấy là 14 quyển, tổng số sách sưu tầm thất lạc là 107 quyển. Điều này mang lại hi vọng vẫn có thể tìm kiếm thêm các sách thất lạc.

Nguyên nhân mất, thất lạc sách

Viện Nghiên cứu Hán Nôm (VNCHN) bảo quản các tài liệu Hán Nôm, trong đó có 2 nhóm tài liệu chủ yếu là sách Hán Nôm gồm 34.014 quyển đã được ghi trong sổ đăng kí cá biệt và thác bản văn bia gồm 58.357 đơn vị.

Ngày 20/3, VNCHN căn cứ vào Báo cáo của Hội đồng kiểm kê ngày 15/3 đã ghi nhận: thiếu 121 quyển (trong đó có 11 quyển nằm trong danh sách 25 quyển đã báo cáo trước đó, tức thiếu thêm 110 sách), bên cạnh đó có 339 quyển đã vào sổ, nhưng lẫn lộn các kí hiệu sách (sách dôi), chưa xác định rõ có bao gồm 121 sách thiếu hay không.

vien-han-nom.jpeg
Ảnh minh hoạ

Trong đợt rà soát, đối chiếu từ ngày 22-29/3/2023, số sách thất lạc được tìm thấy là 14 quyển, tổng số sách sưu tầm thất lạc giảm còn 121 – 14 = 107 quyển. Điều này mang lại hi vọng vẫn có thể tìm kiếm thêm các sách thất lạc.

Danh sách 14 quyển tìm được gồm: Ức Trai Phi Khanh thi văn tập (ST.260), Hoa Nghiêm ngoại truyện (ST.1907) và Dịch kinh đại toàn tiết yếu (ST.1450), Thuỵ Phương linh từ sự tích (ST.366), Phật Thánh chân kinh (ST.1301), Vạn quyển trân tàng quy tính mệnh (ST.1908), Tòng nhân khoa (ST.10202), Luận tang sự (ST.10203), Kim quyết hoá thân (ST.10204), Tử vi (ST.10207), Nhất hộ áp quái (ST.10208), Tăng quảng thư (ST.10209), Tạ thuỷ phù khoa (ST.10210), An long khoa (ST.10211).

Tài liệu Hán Nôm của VNCHN được lưu giữ trong phòng Bảo quản gồm 2 tầng, biệt lập với phòng đọc phục vụ độc giả. Chỉ có nhân viên Phòng Bảo quản được ra vào kho sách; nhân viên các phòng khác trong Viện và độc giả không được vào kho; nếu có khách vào kho tham quan (thường là lãnh đạo cấp trên, khách quốc tế, hoặc thợ sửa chữa cơ sở vật chất trong kho), thì phải được sự đồng ý của Lãnh đạo Viện và có nhân viên Phòng Bảo quản đi cùng.

Chìa khoá kho sách do trưởng bộ phận Bảo quản (người chịu trách nhiệm chính về nghiệp vụ bảo quản) giữ và quản lí. Từ tháng 7/2022 trở về trước, bộ phận Bảo quản có một chùm chìa khoá dùng chung, đặt trong phòng làm việc chung của bộ phận Bảo quản, đến lịch trực của nhân viên nào thì người đó lấy chìa khoá, mở cửa kho để thực hiện việc phục vụ, giao nhận sách cho bạn đọc tại phòng đọc.

Do trong kho không có vách ngăn, nên bất kì nhân viên nào cũng có thể tiếp cận trực tiếp với tất cả các tài liệu, mặc dù chủ yếu chỉ phục vụ nhóm tài liệu photocopy. Ngoài ra, trưởng bộ phận Bảo quản giữ riêng một chùm chìa khoá ra vào kho sách.

VNCHN mở cửa phòng đọc để các tổ chức, nhà nghiên cứu và các cá nhân trong và ngoài nước quan tâm đến văn bản Hán Nôm tiếp cận tài liệu. Theo quy định tại đơn vị, nhằm mục tiêu bảo quản các tài liệu gốc, Viện tổ chức phục vụ bạn đọc chủ yếu thông qua bản photocopy đối với kho A và V; bạn đọc muốn tiếp cận tài liệu gốc cần có phê duyệt bằng văn bản của lãnh đạo Viện.

Viện Hán Nôm cho biết, do có sự lẫn lộn sách trong kho sưu tầm, vì trong quá trình thực hiện nghiệp vụ bảo quản và tu bổ kéo dài nhiều năm đối với số lượng tài liệu lớn, lại ở một không gian kho nhỏ, thiếu giá để sách, khiến cho kho sưu tầm bị phân tán, các kí hiệu sách không liền mạch, không được đặt tại một khu vực cố định riêng, dẫn đến tình trạng khó kiểm soát.

Quá trình kiểm kê và bàn giao kho sưu tầm trong các năm 2005 và 2013 không đảm bảo đúng quy trình, vì không đánh dấu vào sổ đăng kí cá biệt.

Người được giao quản lí chìa khoá kho sách đã thiếu chặt chẽ trong việc phân quyền đóng mở cửa kho.

Quan điểm và phương án giải quyết sự việc

Viện Hán Nôm xác định sự việc mất, thất lạc và hư hại tài liệu là tổn thất lớn đối với kho sách Hán Nôm nói riêng, với văn hiến cổ điển Việt Nam nói chung. Tập thể và cá nhân có liên quan phải chịu trách nhiệm trước sự việc này. VNCHN đang tổ chức xác định trách nhiệm liên quan. Cơ quan công an đang điều tra làm rõ sự việc với các sách đã báo mất.

Sự việc mất, thất lạc và hư hại tài liệu cần được giải quyết trên tinh thần trân trọng tài liệu một cách đúng mức (không hạ thấp, không thổi phồng) và tinh thần khoa học nghiêm túc; giải quyết một cách công khai, minh bạch, có căn cứ pháp lí.

VNCHN sẽ sớm thực hiện tổng kiểm kê toàn bộ tài liệu Hán Nôm một lần nữa để sắp xếp, chỉnh lí lại kho sách, đóng dấu kiểm kê vào từng đơn vị tài liệu.

Với sự quan tâm của Viện Hàn lâm, VNCHN sẽ tập trung đầu tư về nhân lực và kinh phí để kiện toàn công tác bảo quản, tu bổ và số hoá, nâng cao chất lượng phục vụ độc giả, để làm tốt nhiệm vụ giữ gìn và phát huy giá trị của kho sách Hán Nôm.

Ngày 28/7/2022, Viện đã thay chìa khóa kho, giao chìa khoá kho sách gốc cho Trưởng bộ phận Bảo quản (mới bổ nhiệm từ tháng 8/2021). Chìa khoá kho sách photocopy được đặt tại phòng làm việc chung để nhân viên sử dụng mở cửa kho phục vụ bạn đọc.

Bên cạnh đó, VNCHN đã ban hành Quy chế Quản lí, khai thác và sử dụng tài liệu Hán Nôm tại VNCHN (kèm theo Quyết định số 113/QĐ-HN ngày 8/12/2020). Đây là lần đầu tiên trong lịch sử 50 năm (1970-2020) VNCHN mới có văn bản quy chế quản lí tài liệu Hán Nôm.

Trước đó, tối 20/12/2022, ông Nguyễn Xuân Diện - Phó trưởng phòng Phòng Văn bản học, Viện Nghiên cứu Hán Nôm - thông tin sự việc trên trang cá nhân, thu hút đông đảo độc giả, người trong giới quan tâm.

Ông Xuân Diện cho biết, trong cuộc họp Hội đồng Khoa học và các cán bộ chủ chốt hôm 15/7, bộ phận kiểm kê thông báo mất 29 cuốn sách. Ông đề nghị lãnh đạo Viện báo cáo Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam - đơn vị chủ quản, công an và tiếp tục tìm kiếm, rà soát. Sau 21 ngày kiểm tra, phía Viện tìm được 4 cuốn mỏng bị rơi vào khe giá sách, còn thiếu 25 cuốn.

"Tôi im lặng thời gian qua vì trông chờ Viện có phương thức xử lý đúng đắn, hợp lý. Tuy nhiên, đến nay vẫn chưa được giải quyết nên tôi quyết định lên tiếng", ông nói.

Đến 20/3/2023,  Viện Nghiên cứu Hán Nôm ra thông báo phát hiện thấy thiếu 121 quyển (trong đó có 11 quyển nằm trong danh sách 25 quyển báo đã mất năm ngoái). 

Trang Nhi