Sức Khỏe

Từng bước tháo gỡ "nút thắt" cho ngành y

Nguyên Thảo 29/03/2023 09:57

Thời gian qua, đã xảy ra tình trạng bệnh nhân phải "chạy vòng quanh", bệnh viện phải hạn chế mổ, thậm chí đứng trước nguy cơ tạm ngưng hoạt động vì không đủ hóa chất, vật tư, máy móc do những vướng mắc từ quy định mua sắm, đấu thầu... Tuy nhiên, những khó khăn này đã được tháo gỡ ngay sau khi Chính phủ ban hành Nghị định 07/2023/NĐ-CP và Nghị quyết 30/NQ-CP.

cover.png

Thời gian qua, đã xảy ra tình trạng bệnh nhân phải "chạy vòng quanh", bệnh viện phải hạn chế mổ, thậm chí đứng trước nguy cơ tạm ngưng hoạt động vì không đủ hóa chất, vật tư, máy móc do những vướng mắc từ quy định mua sắm, đấu thầu... Tuy nhiên, những khó khăn này đã được tháo gỡ ngay sau khi Chính phủ ban hành Nghị định 07/2023/NĐ-CP và Nghị quyết 30/NQ-CP.

2.png

Trước đó, từ ngày 1/3, Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức hạn chế mổ phiên do cạn kiệt vật tư, hoá chất đã khiến hàng trăm bệnh nhân và người nhà lo lắng, không biết chờ đợi đến khi nào được mổ. Do thiếu trầm trọng vật tư, bệnh viện chỉ ưu tiên mổ cấp cứu, ca bệnh nặng. Nhiều bác sĩ đau xót khi bệnh nhân phải hoãn mổ, lịch mổ đã sắp từ trước phải giảm một nửa, phải thông báo hoãn tới bệnh nhân.

GS.TS Trần Bình Giang - Giám đốc Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức cho biết, ngay sau khi Chính phủ ban hành Nghị định 07 và Nghị quyết 30, bệnh viện đã liên hệ với các đơn vị cung ứng để có vật tư, hoá chất trong thời gian sớm nhất phục vụ người bệnh.

bai-dang-instagram-trich-dan-ngay-nhan-thuc-doc-than-mau-kem-va-mau-bac-ha(1).png

Cũng là bệnh viện gặp nhiều khó khăn trong việc đấu thầu mua sắm trang thiết bị, máy mượn, máy đặt tại bệnh viện, PGS.TS Đào Xuân Cơ - Giám đốc Bệnh viện Bạch Mai bày tỏ vui mừng khi được gỡ vướng.

Ông Cơ nói rõ, khi soạn thảo lần này, Chính phủ và Bộ Y tế đã lấy ý kiến các bệnh viện. Trong đó, Bệnh viện Bạch Mai cũng đã có những ý kiến tham gia đóng góp, nêu rõ những vướng mắc trực tiếp ảnh hưởng đến bệnh viện. Bởi vậy khi nghị quyết được ban hành rất sát với những khó khăn mà các bệnh viện đang gặp phải, giải quyết được những vấn đề cấp bách.

"Nghị định 07 của Chính phủ tạo điều kiện thuận lợi trong việc thông quan nhập trang thiết bị, giao trách nhiệm cho các hãng, công ty phải đảm bảo về chất lượng hàng hóa, sản phẩm để cung ứng cho các cơ sở khám chữa bệnh.

Nghị quyết 30 đã sửa đổi nghị quyết 144, kéo dài thời gian và thí điểm máy đặt, máy mượn khi các cơ sở y tế trúng thầu hóa chất vật tư để phục vụ cấp cứu, điều trị người bệnh; cho phép tháo gỡ trong đấu thầu vật tư, khi đồng ý các gói thầu báo giá dưới ba nhà thầu.

Đây là những tháo gỡ hết sức cần thiết và kịp thời, những đề xuất của bệnh viện đã được thông qua giúp cho công tác đấu thầu, mua sắm được thuận lợi hơn. Khi thông quan thuận lợi, đấu thầu thuận lợi thì việc cung ứng thuốc, vật tư hóa chất sẽ thuận lợi hơn rất nhiều.

Bên cạnh đó, nghị quyết 30 còn cho phép các thiết bị cho, tặng biếu, liên doanh liên kết đã hết hợp đồng chưa cần phải thực hiện các thủ tục tài sản toàn dân có thể đưa vào sử dụng cho người bệnh.

7.png

PGS Lê Văn Quảng - Giám đốc Bệnh viện K cho rằng, những văn bản này, đặc biệt là Nghị quyết 30 sẽ giải quyết được "nút thắt" trong thanh toán bảo hiểm y tế, mua sắm, đấu thầu trang thiết bị y tế, hóa chất, sinh phẩm đang vướng mắc.

Việc nghị quyết 30 cho phép "các cơ sở y tế được sử dụng các trang thiết bị y tế đã được cá nhân, tổ chức trong nước, nước ngoài hiến, biếu, tặng cho, đóng góp, viện trợ, tài trợ (bao gồm các trang thiết bị y tế liên doanh, liên kết đã hết thời hạn hợp đồng) nhưng chưa hoàn thành thủ tục xác lập sở hữu toàn dân để khám bệnh, chữa bệnh.

Các dịch vụ kỹ thuật thực hiện bằng trang thiết bị y tế này được Quỹ Bảo hiểm y tế thanh toán" sẽ không chỉ tháo gỡ cho các bệnh viện, mà còn góp phần sử dụng hiệu quả các thiết bị cho công tác khám chữa bệnh, đặc biệt trong triển khai các kỹ thuật cao, chuyên sâu.

Không chỉ tại các bệnh viện Trung ương, tại các địa phương, việc Chính phủ kịp thời ban hành Nghị quyết 30 và Nghị định 07 đem lại một "luồng gió mát lành", làm giảm nhiệt nỗi lo khi trang thiết bị thiếu hụt trầm trọng, tình trạng thiếu thuốc và vật tư, hóa chất không đáp ứng để phục vụ bệnh nhân, nhưng những quy định về mua sắm lại rất khó khăn, chưa được rõ ràng, còn nhiều vướng mắc. 

Trong nhiều điểm mới được quy định tại Nghị quyết 30, lãnh đạo Bệnh viện Đa khoa Đức Giang (Hà Nội) tâm đắc nhất việc không cần phải có đủ "3 báo giá" khi xây dựng giá đấu thầu, mua sắm trang thiết bị y tế.

"Bệnh viện mới chỉ đấu thầu được 50% trang thiết bị y tế vì lý do không có đủ 3 báo giá. Với nghị định được ban hành chấp nhận những hạng mục không đủ 3 báo giá vẫn được đấu thầu sẽ giúp bệnh viện tháo gỡ được vướng mắc. Chúng tôi sẽ nhanh chóng thực hiện theo hướng dẫn của nghị quyết để thực hiện việc đấu thầu, mua sắm trang thiết bị để đảm bảo khám chữa bệnh cho người dân", TS Nguyễn Văn Thường - Giám đốc bệnh viện cho hay.

TS.BS Diệp Bảo Tuấn - Phó Giám đốc Bệnh viện Ung bướu TP.HCM bày tỏ: "Chúng tôi rất mừng vì Nghị quyết 30 mới ban hành đã tháo gỡ được nhiều vướng mắc. Đặc biệt là vật tư, trang thiết bị, thuốc, hóa chất trong xét nghiệm, trong đó có nhiều máy mượn, máy đặt và đặc biệt là gia hạn tự động các loại thuốc cũng được tháo gỡ. Việc bỏ 3 báo giá trong đấu thầu, mua sắm trang thiết bị y tế, đặc biệt đối với bảo trì, sửa chữa máy móc đã gỡ "vướng" rất nhiều cho các cơ sở y tế".

3.png

Theo ghi nhận của phóng viên, tại Bệnh viện Việt Đức, Bệnh viện Bạch Mai… cùng với việc tiếp tục duy trì các hoạt động chuyên môn, cấp cứu, khám chữa bệnh hàng ngày thì đơn vị đã nhanh chóng bắt tay ngay vào triển khai đấu thầu, mua sắm thuốc, hóa chất, trang thiết bị y tế. Nhiều ca mổ trong các bệnh viện đầu ngành đã được đẩy nhanh hơn. Nhiều bệnh nhân và người nhà bệnh nhân đều vui mừng vì khi đến viện sớm được sắp xếp lịch hẹn, khám chữa bệnh kịp thời...

Đang chăm sóc chồng hậu phẫu tại Bệnh viện Bạch Mai, chị N.X.T. (Hà Nội) cho biết, sau gần 1 tuần chờ đợi, chồng chị đã được làm thủ tục mổ thoát vị đĩa đệm. 

"Chồng tôi nhập viện từ 2/3, đến 8/3 thì được làm thủ tục mổ. Hàng ngày tôi và các con thay phiên nhau túc trực bên ngoài. Với chồng tôi chờ 1 tuần được xếp lịch mổ còn là nhanh, chứ nhiều gia đình đi từ Quảng Bình, Quảng Trị… đến viện cũng phải xếp lịch cả tháng vẫn chưa tới lượt. Giờ khi có Nghị định mới tháo gỡ về vấn đề thuốc, vật tư y tế, mong người bệnh sẽ sớm được xếp lịch mổ, điều trị để cả bệnh nhân và người nhà sẽ đỡ vất vả hơn", chị T. chia sẻ.

Đưa chồng đi khám lại, bày tỏ vui mừng khi chồng vừa được thực hiện ca mổ chân thành công, chị N.N.H. (33 tuổi, ở Hòa Bình) nói: "Chồng tôi bị tai nạn xe máy, ngã gãy xương chân phải, vào Bệnh viện Việt Đức ngày 5/3, ngay sau đó, được bệnh viện báo lịch mổ ngày 7/3. Nhưng ở cùng phòng chồng tôi, có một nữ bệnh nhân cũng ở Hòa Bình bị gãy xương chân vừa vào viện hôm 6/3. Ngay ngày hôm sau, bệnh nhân đó đã được bác sĩ mổ chân luôn rồi. Thấy bác sĩ bảo, có thêm trang thiết bị y tế nên nhiều bệnh nhân sẽ được mổ ngay, không phải chờ đợi lâu", chị H. cho hay.

Còn đối với những bệnh nhân mắc bệnh mãn tính, phải điều trị lâu dài thì việc đảm bảo thuốc, cũng như trang thiết bị y tế để điều trị là vô cùng quan trọng và cấp thiết.

Đơn cử như trường hợp bà P.T.L. (53 tuổi, ở Vĩnh Phúc) cho biết, vừa mổ ung thư phổi được 3 tháng. Hiện bà đang trong liệu trình 6 tháng truyền hoá chất liên tục. "Cứ 21 ngày đến viện truyền 1 lần. Trong quá trình điều trị, do bệnh viện thiếu vật tư y tế, nên tôi vẫn phải ra ngoài mua kim truyền, kể cả hoá chất cho mỗi đợt điều trị", bà L. nói.

5.png

Bên cạnh những vui mừng và thở phào nhẹ nhõm khi Nghị định 07 và Nghị quyết 30 được ban hành, vẫn có những lo lắng từ phía cơ sở. Nhiều Giám đốc bệnh viện cho rằng, các giải pháp vẫn mang tính chất cấp bách và giải quyết tình thế chứ chưa xây dựng những văn bản pháp quy một cách căn cơ. 

Đồng thời, lãnh đạo các bệnh viện mong muốn sớm có những thông tư, hướng dẫn và những văn bản, biểu mẫu cụ thể ra đời để có cơ sở, hành lang pháp lý thực hiện đúng với pháp luật nhà nước hiện hành.

hop.jpg
Bộ Y tế đã tổ chức Hội nghị hướng dẫn triển khai Nghị định 07 và Nghị quyết 30 tới các Sở Y tế, bệnh viện, các cơ sở y tế và doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh trang thiết bi y tế.

Theo PGS.TS Đào Xuân Cơ, cùng với việc ban hành Nghị quyết, Thủ tướng Chính phủ đề nghị các bộ, ban, ngành liên quan sớm ban hành Thông tư, Nghị định về vấn đề quản lý mua sắm thuốc, vật tư, hóa chất, thiết bị một cách căn cơ mới giải quyết về lâu dài tình trạng thiếu thuốc, vật tư, hóa chất. Điều này giúp các bệnh viện có hành lang pháp lý chuẩn để mua sắm trang thiết bị vật tư, quản lý đấu thầu một cách công khai, minh bạch, đúng quy định pháp luật.

"Bệnh viện Bạch Mai luôn ý thức việc tháo gỡ của Chính phủ không có nghĩa chỉ giúp cho bệnh viện mà đồng thời còn yêu cầu các doanh nghiệp phải chịu trách nhiệm về việc làm của mình trong bảo đảm chất lượng, số lượng của hàng cung cấp tới cơ sở y tế và chịu trách nhiệm trước pháp luật. Các cơ sở y tế không được phép lợi dụng việc tháo gỡ này để trục lợi cho cá nhân và tập thể. Chúng tôi kiên quyết bám quy định của của pháp luật để thực hiện mua sắm, đấu thầu vật tư", ông Cơ nói.

BS Vi Hồng Kỳ - Giám đốc Bệnh viện Đa khoa huyện Mộc Châu (Sơn La) cho rằng, Nghị quyết 30 mới chỉ giải quyết những vấn đề trước mắt. Tuy nhiên, về lâu dài cần sửa Luật đấu thầu, nên có chương riêng về mua sắm thuốc và thiết bị vật tư y tế. 

"Hiện tại, Luật Đấu thầu vẫn nguyên như cũ thì vẫn chưa có sự đồng bộ, thống nhất giữa Nghị quyết, Nghị định mới ban hành với Luật. Do đó, Luật Đấu thấu cần sớm có những thay đổi để sao cho đồng bộ với Nghị quyết", BS Vi Hồng Kỳ đề xuất.

Đại biểu Quốc hội TP.HCM Phạm Khánh Phong Lan đánh giá việc Chính phủ ban hành Nghị quyết 30 và Nghị định 07 giúp tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc mà các bệnh viện đang gặp phải. Tuy nhiên, các giải pháp này chỉ mang tính tạm thời, về lâu dài sẽ cần thêm nhiều giải pháp khác rộng hơn.

Nghị quyết 30 giúp các bệnh viện giải quyết vướng mắc trong thanh toán, đặt máy móc và không cần 3 báo giá nhà cung cấp… nhưng nghị quyết chỉ mang tính thời điểm. Các quy định trong nghị quyết có thể "rút hạ" bất cứ lúc nào và không tạo nền pháp lý đủ vững để các bệnh viện an tâm thực hiện.

Bà Lan cho rằng cần sửa đổi Luật Đấu thầu, "chí ít phải có một chương quy định riêng cho thuốc và trang thiết bị y tế". 

Bên cạnh đó, hệ thống y tế công lập hay tư nhân ở bất kỳ quốc gia nào cũng đều đặt ra vấn đề kiểm soát thất thoát như kê khống giá, tráo đổi thiết bị bên trong, bởi chỉ cần cấu hình khác nhau, giá đã rất khác.

Vì vậy nếu chỉ đấu thầu thì không kiểm soát được việc này, vấn đề là làm sao càng công khai minh bạch càng tốt. Các đơn vị khi mua sắm không bị ràng buộc yếu tố "ngon, bổ, rẻ". Đây là những vấn đề rất khó. Điều cần bây giờ là giá cả hợp lý và các thông tin phải công khai minh bạch.

Theo bà Lan, điều thiếu nhất trong đấu thầu mua sắm trang thiết bị hiện nay là góc độ pháp lý, trong khi cơ quan công an điều tra là yếu tố vụ lợi, tức là giữa hai bên "bắt tay nhau", công ty chia tiền cho chủ thầu hay không…  Những giá công khai trên mạng chỉ so sánh được giá cả, nhưng theo Luật giá thì không có yếu tố nào cho thấy hàng hóa đó là đắt hay rẻ, các công ty có ghi khống giá hay hạ thấp giá.

8.png
4.png

Theo Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên "nút thắt" trong đấu thầu, mua sắm thuốc, trang thiết bị, vật tư y tế là vấn đề khó, nhưng "không phải không có giải pháp". Những khó khăn, vướng mắc không thể giải quyết triệt để ngay mà giải quyết từng bước.

Bộ Y tế sẽ tiếp tục lắng nghe các ý kiến của đơn vị, cơ sở y tế về vướng mắc, khó khăn trong thực tiễn mua sắm, đấu thầu trang thiết bị, vật tư y tế, thuốc… Do đó, các vấn đề phát sinh thực tiễn, trong quá trình thực hiện, các bệnh viện cần có báo cáo và đề xuất ngay với Bộ Y tế.

Lĩnh vực nào thuộc Bộ Y tế, lãnh đạo Bộ sẽ giao các vụ, cục, đơn vị cùng phối hợp để tháo gỡ.

Với những vấn đề liên quan đến các bộ, ngành khác, Chính phủ, Bộ Y tế cùng phối hợp với các bộ tìm cách tháo gỡ và báo cáo lên Chính phủ để có hướng giải quyết.

Về lâu dài, cần phải có giải pháp căn cơ, đó là nhanh chóng hoàn thiện thể chế bằng văn bản, xây dựng thông tư hướng dẫn thực hiện. Bởi có những quy định trong Nghị quyết 30/NQ-CP như mục 3, Chính phủ chỉ cho áp dụng thí điểm đến hết năm 2023.

Lãnh đạo Bộ Y tế cũng lưu ý các doanh nghiệp nhập khẩu, kinh doanh thiết bị y tế về trách nhiệm trước pháp luật trong việc kê khai giá, tính năng, cấu hình, tác dụng, tính pháp lý và tính chính xác của trang thiết bị y tế. Bộ Y tế sẽ thanh kiểm tra và hậu kiểm đối với mặt hàng này.

tung-buoc-thao-go-2-(1).png

Nội dung + Trình bày: Hoàng Nguyên Thảo

Ảnh: Tư liệu, TTXVN, Bộ Y tế

Nguyên Thảo