Luật Tổ chức TAND năm 2014: Những hạn chế, vướng mắc và kiến nghị hoàn thiện
TANDTC đã xây dựng dự thảo Báo cáo tổng kết thực tiễn thi hành Luật Tổ chức TAND năm 2014, xác định những kết quả đạt được, những hạn chế, vướng mắc trong tổ chức thi hành Luật. Qua đó đề xuất, kiến nghị các giải pháp hoàn thiện.
Về chức năng, nhiệm vụ của TAND
Điều 102 Hiến pháp năm 2013 quy định: “Tòa án nhân dân là cơ quan xét xử của nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam, thực hiện quyền tư pháp ”. Tuy nhiên, nội hàm của quyền tư pháp, đặc trưng của quyền tư pháp chưa được làm rõ trong bất kỳ văn bản quy phạm pháp luật nào, cũng như chưa có văn bản quy phạm pháp luật nào xác định cơ quan tư pháp gồm những cơ quan nào dẫn đến nhận thức của một số tổ chức, cá nhân về vị trí, vai trò của Tòa án trong bộ máy nhà nước còn chưa đúng và không thống nhất; quan niệm về “quyền tư pháp” và những vấn đề liên quan cũng chưa thống nhất.
Vẫn còn quan điểm cho rằng, quyền tư pháp trong Nhà nước pháp quyền bao gồm không chỉ quyền xét xử của Tòa án, mà còn bao gồm cả thẩm quyền áp dụng pháp luật của các cơ quan bảo vệ pháp luật khác (như cơ quan điều tra, Viện kiểm sát, Bộ Tư pháp, Thanh tra ..), thậm chí của cả các cơ quan bổ trợ tư pháp (như Luật sư, Công chứng, Giám định...) và các hoạt động của tất cả cơ quan, tổ chức này đều nhằm đảm bảo cho việc thực hiện quyền xét xử của Tòa án đạt hiệu quả cao, bảo vệ chế độ xã hội chủ nghĩa, các quyền và tự do của con người, của công dân; trong đó Tòa án được xác định là “cơ quan trung tâm của quyền tư pháp”.
Từ nhận thức chưa rõ tính chất, vai trò, vị trí của Tòa án cũng dẫn tới những nhầm lẫn trong việc quy định các chức năng, nhiệm vụ cụ thể của Tòa án trong quá trình tiến hành tố tụng, nhất là đặt gánh nặng chứng minh, tìm kiếm, thu thập chứng cứ lên vai Tòa án trong một số trường hợp nhất định.
Bên cạnh đó, việc quy định Viện kiểm sát có quyền kiểm sát hoạt động xét xử của Tòa án đã làm ảnh hưởng đến tính độc lập của Tòa án.
Thẩm quyền của Tòa án trong việc xem xét, quyết định áp dụng các biện pháp hạn chế quyền con người, quyền công dân trong các giai đoạn tố tụng, nhất là trong giai đoạn điều tra, truy tố và thi hành án hình sự, dân sự, hành chính còn chưa tương xứng với nhiệm vụ của TAND đã được Hiến pháp khẳng định là “bảo vệ công lý, bảo vệ quyền con người, quyền công dân, bảo vệ chế độ xã hội chủ nghĩa, bảo vệ lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân”.
Khoản 2 Điều 6 Luật Tổ chức TAND năm 2014 quy định: “Bản án, quyết định của Tòa án đã có hiệu lực pháp luật mà phát hiện có vi phạm pháp luật hoặc có tình tiết mới theo quy định của luật tố tụng thì được xem xét lại theo trình tự giám đốc thẩm hoặc tái thẩm”. Tuy nhiên, quy định này chưa làm nổi bật được tính chất của thủ tục giám đốc thẩm, tái thẩm là “sửa sai đối với bản án, quyết định đã có hiệu lực của Tòa án có vi phạm pháp luật hoặc có tình tiết mới, bảo vệ hoạt động xét xử và áp dụng thống nhất pháp luật”.
Bên cạnh đó, theo quy định của pháp luật tố tụng thì vi phạm pháp luật phải ở mức độ “nghiêm trọng” mới được xem là căn cứ để kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm. Do vậy, cần bổ sung quy định về việc xem xét lại bản án, quyết định theo trình tự giám đốc thẩm, tái thẩm là một nguyên tắc tư pháp trong Luật Tổ chức TAND (sửa đổi) nhằm bảo đảm sự thống nhất giữa Luật Tổ chức TAND và các bộ luật, luật về tố tụng.
Điều 2 Luật Tổ chức TAND năm 2014 quy định về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của TAND. Tuy nhiên, một số nhiệm vụ, quyền hạn của Tòa án chưa được liệt kê cụ thể tại Điều này như: xem xét, quyết định việc đưa người nghiện ma tuý từ đủ 12 tuổi đến dưới 18 tuổi vào cơ sở cai nghiện bắt buộc; xem xét, quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với hành vi cản trở hoạt động tố tụng.
Hiến pháp năm 2013 quy định: “Quyền con người, quyền công dân chỉ có thể bị hạn chế theo quy định của luật trong trường hợp cần thiết vì lý do quốc phòng, an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội, đạo đức xã hội, sức khoẻ cộng đồng”. Quyền quyết định những vấn đề liên quan đến quyền con người là một trong những nội hàm của quyền tư pháp.
Tuy nhiên, hiện nay tại Điều 2 Luật Tổ chức TAND về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của Tòa án chưa có quy định về việc Tòa án “xem xét, quyết định việc hạn chế quyền con người của đương sự, bị can, bị cáo theo quy định của pháp luật”.
Về Hội đồng tuyển chọn, giám sát Thẩm phán quốc gia
Điều 70 Luật Tổ chức TAND quy định Hội đồng tuyển chọn, giám sát Thẩm phán quốc gia gồm: Chánh án TANDTC, 1 Phó Chánh án TANDTC, Chánh án Tòa án quân sự Trung ương, các Chánh án TAND cấp cao, 1 đại diện lãnh đạo Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Văn phòng Chủ tịch nước, Bộ Tư pháp, Bộ Quốc phòng, Ban chấp hành Trung ương Hội luật gia Việt Nam.
Chánh án TANDTC là Chủ tịch Hội đồng tuyển chọn, giám sát Thẩm phán quốc gia. Danh sách Ủy viên Hội đồng tuyển chọn, giám sát Thẩm phán quốc gia do Ủy ban Thường vụ Quốc hội quyết định theo đề nghị của Chánh án TANDTC.
Quy chế hoạt động của Hội đồng tuyển chọn, giám sát Thẩm phán quốc gia do Ủy ban Thường vụ Quốc hội quy định theo đề nghị của Chánh án TANDTC.
Tuy nhiên, thực tiễn cho thấy thành phần, chức năng, nhiệm vụ của Hội đồng tuyển chọn, giám sát Thẩm phán quốc gia chưa bảo đảm khách quan, toàn diện, cần có sự nghiên cứu kỹ lưỡng kinh nghiệm quốc tế và sửa đổi, bổ sung cho phù hợp với thực tiễn của Việt Nam.
(Còn tiếp)