Cấm Phương Trinh biểu diễn, xét xử vụ “quan tài diễu phố” nóng nhất tuần qua
Đời sống - Ngày đăng : 15:33, 08/09/2013
Angela Phương Trinh chính thức bị cấm diễn toàn quốc
Sau hàng loạt scandal múa cột và ăn mặc hở hang, phản cảm ở một số quán bar, vào sau dịp nghỉ lễ Quốc Khánh vừa qua, Cục Nghệ thuật Biểu diễn đã gửi văn bản cho các Sở Văn hóa trên toàn quốc, yêu cầu tạm ngừng cấp phép biểu diễn với Angela Phương Trinh. Công văn cũng yêu cầu các Sở cần có văn bản thông báo đến các công ty hoạt động tổ chức biểu diễn nghệ thuật, trình diễn thời trang, các chủ địa điểm (nhà hàng, khách sạn, quán bar, vũ trường…) không được tổ chức cho Phương Trinh tham gia biểu diễn nghệ thuật.
Trước đó, sau đêm ngày 22/8, một quán bar ở Hà Nội đã bị Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch Hà Nội xử phạt 3,5 triệu đồng sau khi để Phương Trinh ăn mặc phản cảm và có nhiều động tác biểu diễn không hợp với thuần phong mỹ tục.
Một số hình ảnh phản cảm của Phương Trinh trong quán bar
Khi biết được mình bị cấm diễn trên toàn quốc, Phương Trinh đã có những phản ứng khác nhau. Cô nói rằng mình bỗng nhiên bị khổ tâm, sợ hãi và có lúc rơi vào trạng thái trầm cảm.
Tòa sơ thẩm Vĩnh Phúc xét xử và tuyên án vụ “quan tài diễu phố”
Sáng ngày 5/9, TAND tỉnh Vĩnh Phúc đã đưa vụ án rúng động dư luận cả nước, xảy ra vào đêm ngày 14/3/2013, được gọi là vụ án “quan tài diễu phố”.
Các bị cáo tại tòa
Vụ án phức tạp gồm có các bị cáo: Nguyễn Văn Tình (SN 1988), Nguyễn Văn Định (SN 1983) cùng ở huyện Vĩnh Bảo, TP Hải Phòng; Phùng Đắc Tú (SN 1994), Phùng Mạnh Tuấn (SN 1992) cùng ở xã Hợp Thịnh, huyện Tam Dương, tỉnh Vĩnh Phúc và Đặng Quốc Tú (đăng ký thường trú tại tỉnh Vĩnh Phúc) và Nguyễn Văn Bình (tức Bính "cong", SN 1997, cùng ở phường Đồng Tâm, TP Vĩnh Yên, tỉnh Vĩnh Phúc. Các đối tượng trên bị truy tố về tội “Giết người”. Hai bị cáo còn lại là Nguyễn Văn Hiệp (SN 1986, ở phường Hội Hợp, TP Vĩnh Yên bị truy tố về tội “Không tố giác tội phạm”; Nguyễn Anh Tuấn (SN 1992, trú tại huyện Vĩnh Tường, Vĩnh Phúc) bị truy tố về tội “Che giấu tội phạm”.
Phiên tòa kéo dài trong 2 ngày với những diễn biến khác nhau, có lúc căng thẳng giữa người nhà bị hại và các bị cáo. Đúng 16h10 chiều ngày 6/9, thẩm phán Đỗ Thế Bình, Chánh tòa Hình sự TAND tỉnh Vĩnh Phúc - chủ tọa phiên tòa đã đọc bản tuyên án dành cho 8 bị cáo.
Theo đó, kẻ chủ mưu là bị cáo Phùng Mạnh Tuấn Tử hình về tội “Giết người”. Bị cáo Phùng Đắc Tú, Đặng Quốc Tú chung thân về tội “Giết người”. Bị cáo Nguyễn Văn Tình 18 năm tù, Nguyễn Văn Định 20 năm tù, Nguyễn Văn Bình 12 năm tù cùng về tội “Giết người”. Bị cáo Nguyễn Văn Hiệp 2 năm 6 tháng tù về tội “Không tố giác tội phạm” và bị cáo Nguyễn Anh Tuấn: 3 năm tù về tội “Che giấu tội phạm”.
Mẹ con sản phụ tử vong, bệnh viện đền 350 triệu đồng
Sáng ngày 5/9, tại Bệnh viện Đa khoa TP Vinh (Nghệ An), sản phụ Nguyễn Thị Vinh (SN 1989) trú tại xóm 4, xã Nghi Phong, huyện Nghi Lộc đã đột ngột tử vong sau khi được người nhà đưa vào bệnh viện để chuẩn bị sinh con.
Người thân sản phụ hoang mang bao vây bệnh viện
Chị Vinh được đưa vào bệnh viện vào khoảng 10h30 tối ngày 4/9, đến khoảng 3h sáng ngày 5/9, gia đình chị Vinh được bệnh viện thông báo chị đã tử vong. Sau khi xảy ra cái chết của mẹ con chị Vinh, cho rằng các bác sỹ tắc trách mới dẫn sự việc, nên rất đông người thân đã có mặt yêu cầu bệnh viện làm rõ nguyên nhân. Tình hình hỗn loạn buộc lực lượng công an thành phố Vinh, công an phường Hồng Sơn và bảo vệ bệnh viện phải điều động hàng chục chiến sỹ để đảm bảo trật tự tại bệnh viện.
Ngay trong chiều cùng ngày, bệnh viện đa khoa TP.Vinh đã đồng ý đền bù cho gia đình sản phụ này 350 triệu đồng. Lý giải về số tiền này, lãnh đạo BV đa khoa Vinh khẳng định sản phụ tử vong do nguyên nhân "bất khả kháng”, và bệnh viện chỉ "hỗ trợ" chứ không "đền bù" cho gia đình sản phụ xấu số.
Bánh Trung thu “thật - giả” lẫn lộn trước giờ G
Trước thời điểm Tết Trung thu năm nay, trên thị trường xuất hiệu nhiều loại bánh trung thu từ giá rẻ cho đến giá “khủng”. Đáng chú ý, ngoài những điểm bán bánh Trung thu của các thương hiệu nổi tiếng còn có một số loại bánh không nhãn mác, không nguồn gốc được quảng cáo là bánh "gia truyền".
Nhiều doanh nghiệp sản xuất bánh Trung thu cho biết, trên thị trường có một số nguyên liệu làm bánh xuất xứ từ Trung Quốc được một số cơ sở sản xuất sử dụng. Mặc dù, các cơ quan quản lý về an toàn thực phẩm kiểm tra gắt gao chất lượng bánh Trung thu nhưng sản phẩm trôi nổi, không nhãn mác vẫn xuất hiện.
Theo Chi cục An toàn thực phẩm Hà Nội, mùa Trung thu năm nay toàn thành phố có trên 120 cơ sở lớn, nhỏ sản xuất bánh Trung thu. Trong 24 mẫu bánh Trung thu được lấy để kiểm nghiệm (từ 12 đến 26/8/2013), có 4 mẫu sử dụng chất bảo quản, có hàm lượng chất bảo quản nằm trong giới hạn cho phép. Điều đáng nói, trong công tác quản lý chất lượng bánh Trung thu, ngành y tế chỉ đưa ra các tiêu chuẩn về hàm lượng, thành phần các chất có trong bánh, còn giấy phép đủ điều kiện sản xuất kinh doanh lại do cơ quan quản lý về thương mại cấp.
Bác gái móc mắt cháu ruột 6 tuổi ở Trung Quốc
Bé trai Guo Bin đang điều trị tại bệnh viện
Vào ngày 24/8, cậu bé Guo Bin đã bị một phụ nữ lừa vào một cánh đồng ở tỉnh Sơn Tây Trung Quốc trước khi bị móc mắt dã man. Ngày 30/8, bác dâu của Guo là bà Zhang Huiying đã tử tự bằng cách nhảy xuống một giếng nước ở làng Qiaojiazhuang gần thành phố Lâm Phần.
Theo thông báo của cảnh sát thành phố Lâm Phần, máu của cậu bé Guo đã được phát hiện trên quần dáo của bà Zhang sau khi kiểm tra DNA. Dựa trên bằng chứng này cũng các kết quả điều tra khác, cảnh sát đã kết luận bà Zhang là nghi phạm.