Nữ Hòa giải viên yêu nghề
Là Chánh án đã nghỉ hưu nhưng tình yêu và lòng nhiệt huyết với nghề của chị Trần Thị Cúc (SN 1963) vẫn luôn cháy bỏng. Chị đã tham gia làm Hòa giải viên tại TAND huyện Ngọc Hồi (tỉnh Kon Tum). Nhờ chị, nhiều cặp vợ chồng muốn ly hôn đã hòa giải và trở về với nhau, các vụ án hôn nhân gia đình phải đưa ra xét xử giảm rõ rệt.
Sau nhiều lần lỡ hẹn, chúng tôi cũng đã có dịp đến TAND huyện Ngọc Hồi (tỉnh Kon Tum) để trò chuyện với Hòa giải viên Trần Thị Cúc. Khuôn mặt phúc hậu, giọng nói nhẹ nhàng, nụ cười duyên là điểm nhấn khiến chúng tôi ấn tượng ngay lần đầu gặp chị.
Chị Trần Thị Cúc vào ngành Tòa án từ năm 1988 và đến năm 2018 thì về hưu. Trước khi về hưu chị đã có 10 năm là Chánh án huyện Ngọc Hồi nên những vụ án phức tạp về hành chính, dân sự, hôn nhân… ở trên địa bàn huyện chị nắm rất rõ.
Sau khi về hưu, chị đã tham gia làm Hòa giải viên của TAND huyện Ngọc Hồi với mong muốn “nối duyên” cho các cặp vợ chồng, không muốn con của họ phải khổ khi thiếu tình thương.
Nói về những kinh nghiệm trong thực tế hòa giải của mình, chị Cúc cho hay, muốn làm tốt công tác hòa giải, bản thân Hòa giải viên phải thường xuyên tìm hiểu thêm kiến thức pháp luật, nhất là những Bộ luật như: Luật Hôn nhân và gia đình, Luật Đất đai và các tài liệu hướng dẫn về nghiệp vụ hòa giải.
Không những nắm chắc Luật mà Hòa giải viên cần có kiến thức xã hội, có thể lồng ghép giữa pháp luật và đời sống để hòa giải đạt tỷ lệ thành công cao.
Với cá nhân chị Trần Thị Cúc, công việc của Hòa giải viên cũng không khó khăn là bao, chủ yếu các vụ án trên địa bàn huyện Ngọc Hồi đa phần là ly hôn. Trong khi đó, với vốn kinh nghiệm sống, vốn nghề, vốn kiến thức về pháp luật mà chị có được đã giúp cho việc hòa giải trở nên nhẹ nhàng hơn.
Đặc biệt, với kinh nghiệm hơn 30 năm trong ngành Tòa án nên đây được coi là thế mạnh giúp chị hòa giải thành công các vụ án phức tạp khác như tranh chấp đất đai.
Chị Cúc cho biết: “Từ khi thực hiện thí điểm hòa giải tại Tòa án cho đến nay tỷ lệ hòa giải thành nói chung và hòa giải đoàn tụ hôn nhân gia đình nói riêng của tôi đạt kết quả tương đối cao. Tính từ ngày 01/10/2022 đến nay tôi đã tiếp nhận được 119 vụ, việc hòa giải, trong đó trong đó hôn nhân gia đình chiếm 79 vụ (hòa giải thành 61 vụ)”.
Theo chị Cúc, đa phần các đương sự đến tòa để ly hôn chỉ vì những mâu thuẫn nhỏ trong gia đình như là chồng chơi bời, ngoại tình, rượu chè, cờ bạc… Các đương sự nộp đơn ly hôn khi đến tòa thì chị luôn coi họ như con, cháu trong nhà, kiên trì khuyên bảo, động viên và dùng sự am hiểu về pháp luật lồng ghép với kiến thức đời sống để tư vấn, khuyên giải.
Khi tiếp nhận án hôn nhân, chị Cúc luôn kiên trì hòa giải đến cùng. Tìm cách gặp riêng để trò chuyện với từng người một. Sau đó tìm ra những khúc mắc, mong muốn của các bên và thậm chí lấy ý kiến của con cái họ để tìm ra tiếng nói chung.
“Có nhiều lúc trò chuyện xong với các đương sự, đêm về tôi không tài nào ngủ được vì nghĩ đến công việc, nghĩ đến gia đình và con cái họ phải chia xa khi ra tòa. Chính vì thế, tôi luôn cố gắng tìm cách động viên, gắn kết các cặp đôi lại với nhau để cho gia đình họ được hòa thuận trở lại, con cái không phải thiếu tình thương của bố mẹ, gia đình không tan vỡ. Nhận được cái bắt tay của đương sự, nhìn các cặp vợ chồng, con cái ôm nhau về đoàn tụ tôi cảm thấy rất vui và lấy đó làm động lực để làm tốt công tác hòa giải”, chị Cúc tâm sự.
Trao đổi với phóng viên Báo Công lý, ông Nguyễn Hành – Chánh án TAND huyện Ngọc Hồi cho biết, thực hiện tốt công tác thi đua theo tinh thần Chỉ thị số 02/2022/CT-CA ngày 14/3/2022 của Chánh án TANDTC về tăng cường công tác hòa giải, đối thoại theo Luật Hòa giải, đối thoại tại Tòa án, ngay từ đầu, TAND huyện đã nghiêm túc triển khai thực hiện.
Tính riêng trong năm 2022 đơn vị đã tiến hành giải quyết được 154/380 vụ việc về hòa giải đối thoại tại Tòa án theo Luật Hòa giải đối thoại tại Tòa án. Hòa giải thành 129/154 vụ việc, đạt 83,8 %.
Hiện TAND huyện có 2 hòa giải viên. Trong thời gian tới đơn vị sẽ bổ sung thêm cơ sở vật chất, trang thiết bị đảm bảo phục vụ cho công tác hòa giải đối thoại tại Tòa án đạt hiệu quả cao.
“Hòa giải viên Trần Thị Cúc là người có hơn 30 năm trong ngành tòa án nên chuyên môn nghiệp vụ và sự am hiểu Luật rất cao. Các vụ án do chị tiếp nhận đạt tỷ lệ hòa giải thành cao, đặc biệt là án hôn nhân gia đình. Mặc dù đã ở “tuổi nghỉ ngơi” nhưng chị Cúc vẫn hăng say với nghề, trong quá trình làm việc luôn nhiệt tình, trách nhiệm và khi nhận đơn luôn đặt quyết tâm cao để làm làm sao hòa giải thành công, thấu tình đạt lý. Dù án nhiều, có những vụ án phức tạp nhưng chị Cúc và các đồng nghiệp đã đoàn kết, chia sẻ, giúp đỡ, trao đổi kinh nghiệm để hoàn thành tốt nhiệm vụ của mình”, ông Hành nhận xét.