Body shaming (miệt thị ngoại hình): Bạo lực bằng lời nói
Mới đây, một nữ ca sĩ trẻ đã bật khóc và bỏ dở show diễn bởi cô bị body shaming (miệt thị ngoại hình). Rất nhiều người khác mang tổn thương tâm lý bởi những câu nói tưởng như vô hại của người khác, nhưng lại là hình thức bạo lực vô cùng đau đớn.
miệt thị ngoại hình là gì?
Body shaming là một thuật ngữ sử dụng trong tiếng Anh. Dịch ra nghĩa tiếng Việt nó ám chỉ việc chê bai, miệt thị ngoại hình của người khác một cách vô ý hoặc cố ý có chủ định. Những lời nói miệt thị ngoại hình sẽ khiến nạn nhân cảm thấy khó chịu, nhiều người tâm lý yếu còn cảm thấy bị xúc phạm và tổn thương.
“Sao béo thế”, “da đen như than vậy”, “xấu thế cũng có người yêu”, “đàn ông gì mà ẻo lả như đàn bà”…, những lời nói ấy tưởng như vô hại nhưng lại là thứ vũ khí tấn công con người mạnh mẽ nhất.
Rất nhiều hành động miệt thị ngoại hình bị lạm dụng, ngay cả khi nó xuất phát từ mục đích được cho rằng "muốn tốt" hoặc "để góp ý".
Miệt thị ngoại hình thường được che đậy như một sự quan tâm, hay đơn giản là đùa vui nhưng thử hỏi, mấy ai sẽ vui khi bị gọi bằng biệt danh N. "béo", H. "Thị Nở"? Hãy nhớ rằng lời nói chỉ vui khi được đón nhận và mang lại niềm vui cho cả đôi bên chứ không phải cảm giác khó chịu, tổn thương mà người nghe nhận được.
Làm tổn thương một ai đó khác hẳn với cách giúp đỡ hay khuyên bảo. Vậy nên mục đích "để góp ý" hay "muốn tốt" chỉ là cái cớ để biện minh cho những hành động vô tâm, ích kỷ.
Những lời nói miệt thị ngoại hình sẽ khiến nạn nhân cảm thấy khó chịu, nhiều người tâm lý yếu còn cảm thấy bị xúc phạm và tổn thương.
ai cũng có thể là nạn nhân của miệt thị ngoại hình
Mới đây câu chuyện nữ ca sĩ Sofia bật khóc và không thể tiếp tục show diễn vì bị miệt thị ngoại hình trong lúc biểu diễn đã thu hút sự quan tâm của dư luận.
Trên trang cá nhân, cô cũng gửi lời xin lỗi khán giả vì đáng ra phải biểu diễn thêm nữa nhưng "Sofia không ngăn được cảm xúc và nước mắt của mình nên không gồng nổi nữa".
Nhiều khán giả, đồng nghiệp và bạn bè đã chia sẻ, động viên cô sau sự việc.
Trước đó có rất nhiều người nổi tiếng cũng từng là nạn nhân của miệt thị ngoại hình như ca sĩ Đức Phúc, Hoa hậu Đỗ Thị Hà, Tiểu Vy, ca sĩ Thủy Tiên, Hoài Lâm, Lynk Lee, diễn viên Thanh Trúc…. Trong số họ có người phải nhập viện vì quá căng thẳng, có người không dám ra ngoài, có người tự co mình lại, đóng băng hoạt động nghệ thuật một thời gian dài.
Trên thế giới, những ngôi sao như nhóm nhạc thần tượng nổi tiếng BTS, IU hay nữ diễn viên gạo cội từng đoạt giải Oscar cho vai phụ xuất sắc nhất trong phim Minari - Youn Yuh Jung cũng bị body shaming.
Thực tế, không chỉ ở Việt Nam mà trên thế giới, miệt thị ngoại hình đã trở thành vấn nạn. Nạn nhân của miệt thị ngoại hình có thể là bất kỳ ai, từ những em nhỏ đến người trưởng thành, từ người bình thường cho đến người nổi tiếng, người của công chúng.
Những lời nói miệt thị ngoại hình như một thứ vũ khí, một hành vi bạo lực tinh thần. Hậu quả ngay lúc đó có thể chưa xảy ra nhưng về lâu dài nó có thể khiến nạn nhân tự ti, căng thẳng, trầm cảm và dẫn đến lựa chọn cái chết một cách tiêu cực để thoát khỏi những sự miệt thị.
Cũng có những trường hợp bị miệt thị ngoại hình nhưng nạn nhân chọn cách đối mặt, chấp nhận và bỏ qua để trở thành phiên bản tốt nhất của chính mình, thế nhưng tổn thương tâm lý vẫn còn.
Trên thế giới, những ngôi sao như nhóm nhạc thần tượng nổi tiếng BTS hay nữ diễn viên gạo cội từng đoạt giải Oscar cho vai phụ xuất sắc nhất trong phim Minari - Youn Yuh Jung cũng bị body shaming.
Chế tài xử lý đối với hành vi miệt thị ngoại hình
Miệt thị ngoại hình là hành vi xấu cần được loại bỏ. Nhiều người coi body shaming là thú vui tao nhã trong những câu chuyện phiếm hàng ngày là điều không thể chấp nhận và tất cả những hành vi đó cần phải được lên án, bị xử lý bằng các chế tài nhất định.
Theo Điều 20 Hiến pháp 2013 quy định, mọi người có quyền bất khả xâm phạm về thân thể, được pháp luật bảo hộ về sức khỏe, danh dự và nhân phẩm; không bị tra tấn, bạo lực, truy bức, nhục hình hay bất kỳ hình thức đối xử nào khác xâm phạm thân thể, sức khỏe, xúc phạm danh dự, nhân phẩm.
Tất cả mọi người, dù vô tình hay cố ý không được phép tra tấn người khác bằng việc sử dụng ngôn từ miệt thị, những từ ngữ khó nghe để miêu tả hình thể của người thân, bạn bè, người trong cộng đồng.
Đối với những người dù đã biết hay chưa biết miệt thị ngoại hình sẽ bị phạt tiền đều sẽ bị xử phạt một cách nghiêm minh và công khai. Đối với từng trường hợp, tùy mức độ nặng nhẹ mà bị xử phạt hành chính từ 100 đến 300 nghìn đồng.
Hành vi đặc biệt nghiêm trọng, khiến người bị miệt thị ngoại hình tổn thương nghiêm trọng về tinh thần và thể xác có thể sẽ phải chịu phạt lên tới 30 triệu đồng.
Các hành vi miệt thị ngoại hình người khác có dấu hiệu liên quan về mặt hình sự có thể sẽ bị khép vào khung hình phạt hình sự, thi hành án tù có thể lên tới 5 năm.
Miệt thị ngoại hình không phải thú vui, đó là một hành vi bạo lực, là thứ vũ khí có thể khiến người khác bị tổn thương. Có những giọt nước mắt đã rơi, nạn nhân vì bị sự tự ti vây quanh mà đã chọn kết liễu cuộc đời mình. "Lời nói chẳng mất tiền mua", đừng tổn hại lẫn nhau bằng lời nói, bởi mỗi người có một chuẩn mực và vẻ đẹp khác nhau.