Huyện Bắc Bình (Bình Thuận) phát triển mạnh sau 40 năm tái lập
Sau 40 năm tái lập huyện Bắc Bình, tỉnh Bình Thuận (01/6/1983 - 01/6/2023), Đảng bộ, chính quyền và người dân đã phát huy truyền thống yêu nước, đoàn kết, cần cù, năng động, sáng tạo trong lao động sản xuất, đồng lòng vượt qua khó khăn, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội.
Theo lãnh đạo huyện Bắc Bình (Bình Thuận), địa phương này từng phải đối mặt với không ít khó khăn, từ cơ sở vật chất, trụ sở làm việc, hạ tầng kinh tế - xã hội và chủ yếu là sản xuất nông nghiệp nhỏ lẻ, kinh tế du lịch chưa được chú trọng, đầu tư bài bản.
Tuy nhiên, được sự quan tâm của lãnh đạo, chỉ đạo trực tiếp từ Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh cũng như sự phối hợp, tạo điều kiện của MTTQ, các Sở, ban, ngành, đoàn thể, huyện Bắc Bình đã phát huy sức mạnh của cả hệ thống chính trị, lần lượt thực hiện thắng lợi các Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện, tạo sự chuyển biến toàn diện, sâu sắc trên tất cả các lĩnh vực.
Sau 40 năm tái lập, kinh tế - xã hội của địa phương đã phát triển nhanh và tương xứng với tiềm năng địa phương. Tốc độ tăng trưởng đạt khá, bình quân trên 8%/năm. Nổi bật là công nghiệp điện năng lượng tái tạo, sản xuất tiểu thủ công nghiệp tiếp tục được duy trì.
Giá trị sản xuất công nghiệp đạt 3.200 tỷ đồng/2.500 tỷ đồng, (tương đương 128% kế hoạch), tăng 39,13% so với cùng kỳ năm 2021. Hoạt động của các công trình, dự án điện năng lượng tái tạo đã góp phần ổn định nguồn thu ngân sách và giải quyết việc làm cho người dân khu vực.
Hiện nay, huyện có 9 dự án điện mặt trời đang hoạt động duy trì ổn định, tổng sản lượng ước đạt 1.501,48 triệu kWh, tổng doanh thu ước đạt 2.193 tỷ đồng. Trong tầm nhìn trung và dài hạn, huyện Bắc Bình xác định sẽ đầu tư kết cấu hạ tầng là khâu đột phá quan trọng để phát triển. Đồng thời, địa phương đã huy động được hàng ngàn tỷ đồng đầu tư xây dựng các công trình thiết yếu về giao thông, thủy lợi, trụ sở làm việc của các cơ quan, trường học, trạm y tế, các thiết chế văn hóa từ huyện đến cơ sở…
Chỉ tính riêng từ năm 2013 đến nay, tổng nguồn vốn huy động cho kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội đạt trên 5.000 tỷ đồng, tăng bình quân 6%/năm.
Để nâng cao giá trị sản xuất và thúc đẩy kinh tế hơn nữa, huyện đã tập trung chỉ đạo phát triển nông nghiệp theo hướng sản xuất hàng hóa cận đô thị, tăng giá trị và hiệu quả trên một đơn vị diện tích, xây dựng cánh đồng mẫu lớn, vùng sản xuất rau an toàn, gắn sản xuất với chế biến và tiêu thụ sản phẩm.
Tích cực đưa cơ giới vào các khâu trong sản xuất, đẩy mạnh ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi với các giống có năng suất, chất lượng cao.
Trong chương trình xây dựng nông thôn mới, địa phương đã triển khai đồng bộ, quyết liệt và huy động trên 9.000 tỷ đồng đầu tư xây dựng nông thôn mới (trong đó nguồn vốn doanh nghiệp Nhà nước, doanh nghiệp tư nhân, nhân dân và các nguồn vốn khác chiếm 88%). Sau khi hoàn thiện, diện mạo nông thôn sẽ có nhiều đổi mới, đời sống vật chất, tinh thần của người dân tiếp tục được nâng lên.
Đi đôi với phát triển kinh tế, lĩnh vực văn hóa - xã hội cũng có chuyển biến mạnh mẽ và đạt nhiều kết quả quan trọng. Sự nghiệp giáo dục và đào tạo luôn đứng ở tốp đầu của tỉnh. Quy mô, mạng lưới trường lớp, cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy và học được đầu tư theo hướng chuẩn hóa.
Đến nay, toàn huyện có 55,5% trường học đạt chuẩn Quốc gia. Số học sinh đạt giải Quốc gia, giải cấp tỉnh nhiều năm liền nằm trong nhóm thứ hạng cao của tỉnh. Phong trào khuyến học, khuyến tài, “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” phát triển sâu rộng, hiệu quả…
Một lãnh đạo của UBND huyện Bắc Bình cho biết: “Với mục tiêu xây dựng Bắc Bình thực sự trở thành vùng kinh tế động lực, phát triển năng động, hiệu quả trong thời gian tới, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân trong huyện tiếp tục tập trung lãnh đạo, chỉ đạo duy trì tốc độ tăng trưởng kinh tế cao và bền vững; Khuyến khích, tạo điều kiện cho các thành phần kinh tế phát triển, tập trung nguồn lực xây dựng kinh tế du lịch thành mũi nhọn kinh tế trong giai đoạn tới.
Song song đó, tiếp tục đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi theo hướng sản xuất hàng hóa, nâng cao hiệu quả kinh tế. Đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, đổi mới công tác chỉ đạo, điều hành, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý Nhà nước theo hướng sâu sát, cụ thể”.
Được biết, thời gian tới địa phương sẽ tiếp tục nêu cao trách nhiệm, kỷ cương cơ sở, đặc biệt là người đứng đầu các cơ quan, đơn vị và đội ngũ cán bộ, công chức. Bên cạnh đó, làm tốt công tác dân vận gắn với thực hiện tốt quy chế dân chủ ở cơ sở. Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với MTTQ, các đoàn thể nhân dân, động viên, phát huy sức mạnh của toàn dân cũng như phát triển toàn diện các lĩnh vực văn hóa - xã hội, bảo vệ môi trường, chăm lo đời sống vật chất, tinh thần cho nhân dân...