Trái phiếu doanh nghiệp: Tan băng, nhóm lửa ấm
Sau 2 tháng đầu năm ảm đạm, thị trường trái phiếu doanh nghiệp (TPDN) đã bắt đầu ấm dần. Nhiều doanh nghiệp phát hành trái phiếu thành công trở lại và một số doanh nghiệp đạt được thỏa thuận giãn nợ với khách hàng.
Thị trường trái phiếu tăng nhiệt
Sau nửa năm đóng băng, thị trường trái phiếu đang có những dấu hiệu tăng nhiệt. Theo công bố thông tin của HNX, nửa đầu tháng 3/2023, có 8 doanh nghiệp phát hành trái phiếu doanh nghiệp (TPDN) riêng lẻ với khối lượng 23.755 tỷ đồng, trong đó, bất động sản chiếm áp đảo với 6/8 doanh nghiệp và 80% lượng trái phiếu phát hành (gần 19.000 tỷ đồng).
Điển hình, Công ty TNHH Kinh doanh Nội thất Luxury Living vừa công bố phát hành thành công 48.000 trái phiếu có mệnh giá 100 triệu đồng trong ngày 13/3. Tổng giá trị phát hành tương ứng 4.800 tỷ đồng.
Tương tự, một số doanh nghiệp khác cũng đã hoàn tất phát hành trái phiếu, có thể kể đến như ngày 10/3, Công ty TNHH Kinh doanh Bất động sản Dream City Villas đã huy động thành công lô trái phiếu 2.300 tỷ đồng. Cùng ngày, Công ty CP Đầu tư và Kinh Doanh Nam An đã hoàn tất đợt chào bán 4.700 tỷ đồng trái phiếu, kỳ hạn 18 tháng, lãi suất kết hợp giữa cố định 13%/năm và thả nổi.
Trước đó, Công ty CP Đầu tư và Thương mại Xuất nhập khẩu Thủ Đô ngày 9/3 cũng đã phát hành thành công 40 tỷ đồng trái phiếu với kỳ hạn 2 năm và có lãi suất cố định 12%/năm; Công ty Thương mại sản xuất và Đầu tư Hà Thành, Công ty Phân phối HDE cũng đã huy động được 45 tỷ đồng trái phiếu trong các ngày 9/3 và 6/3 với lãi suất cố định ở 12%/năm…
Nhưng, số lượng “khủng” nhất phải kể đến Công ty TNHH Đầu tư và Phát triển đô thị Hưng Yên, khi dẫn đầu về tổng giá trị phát hành trái phiếu với hai đợt phát hành 7.200 tỷ đồng.
Như vậy, tính từ đầu tháng 3 tới nay, có tổng cộng 9 đợt chào bán thành công TPDN với tổng giá trị 23.825 tỷ đồng. Con số này tăng mạnh so với thời điểm tháng 1, tháng 2 và cuối năm 2022.
Việc nhiều doanh nghiệp phát hành trái phiếu mới và chào bán thành công là tín hiệu tích cực đối với thị trường TPDN.
Áp lực hiện hữu
Dù đã khởi sắc nhẹ trong nửa đầu tháng 3, song thị trường trái phiếu vẫn đang bị áp lực đè nặng. Công ty Cổ phần Chứng khoán VNDirect ước tính, lượng TPDN riêng lẻ đáo hạn quý II và quý III/2023 lần lượt là khoảng 93.139 tỷ đồng và 89.488 tỷ đồng. Doanh nghiệp vẫn phải đối mặt với nguy cơ trả nợ lớn và việc đàm phán giãn nợ với trái chủ rất quan trọng.
Từ đầu tuần trước đến nay, thị trường có thêm 9 doanh nghiệp không thể trả nợ gốc, lãi trái phiếu đúng hạn. Nói cách khác, tâm điểm của thị trường TPDN năm 2023 vẫn sẽ là cơ cấu nợ, giãn nợ.
Theo ước tính của VNDirect, giá trị đáo hạn trái phiếu doanh nghiệp năm nay khoảng 252 nghìn tỷ đồng (tăng 64% so với cùng kỳ). Áp lực đáo hạn sẽ tăng mạnh trong quý II, III/2023 với giá trị lần lượt khoảng 76,5 nghìn tỷ đồng (tăng 120% so với cùng kỳ) và 83.000 tỷ đồng (tăng 39% so với cùng kỳ).
Sau giai đoạn thách thức này, lượng trái phiếu doanh nghiệp đáo hạn sẽ giảm về mức 61 nghìn tỷ đồng trong quý IV/2023. Sang năm 2024, ước tính sẽ có khoảng 200 nghìn tỷ đồng trái phiếu doanh nghiệp đến kỳ đáo hạn.
Tính đến ngày 5/3/2023, đã có 46 doanh nghiệp nằm trong danh sách chậm nghĩa vụ thanh toán lãi hoặc nợ gốc trái phiếu doanh nghiệp. Tổng dư nợ trái phiếu doanh nghiệp của các doanh nghiệp này vào khoảng 121,1 nghìn tỷ đồng, chiếm gần 12% dư nợ trái phiếu doanh nghiệp toàn thị trường.
Gần 38,5 nghìn tỷ đồng trái phiếu doanh nghiệp của các doanh nghiệp trong danh sách sẽ đáo hạn trong năm 2023, chiếm khoảng 15% tổng giá trị đáo hạn toàn thị trường cả năm.
Những con số trên cho thấy áp lực đáo hạn trái phiếu doanh nghiệp trên thực tế vẫn còn rất lớn trong năm nay và những năm tiếp theo.
Các chuyên gia tại Maybank Investment Bank đánh giá, tình hình hiện tại của thị trường trái phiếu, hầu hết các bên phát hành đều là công ty phát triển bất động sản đang chật vật với nợ đến hạn của trái phiếu doanh nghiệp họ đã phát hành.
Do đó, bên cạnh sự chủ động của các nhà phát hành, cơ quan quản lý cần có những biện pháp kiểm soát bước đầu thông qua những quy định, luật định, chế tài xử phạt thích đáng.
Đặc biệt cần có những quy định cụ thể, cho phép giãn tiến độ đến hết năm 2023 đối với việc áp dụng một số điều kiện, yêu cầu cao, đáp ứng thông lệ về tiêu chí nhà đầu tư chuyên nghiệp, về yêu cầu rút ngắn thời gian phân phối trái phiếu và về xếp hạng tín nhiệm trước khi phát hành.
Không chỉ vậy, doanh nghiệp cần công khai, minh bạch, đảm bảo quyền lợi chính đáng, công bằng cho các nhà đầu tư; ngược lại, cũng cần có sự chia sẻ, đồng hành và thiện chí của nhà đầu tư.